Đà Nẵng cuối tuần

Đà Nẵng được lên tem

14:13, 29/01/2023 (GMT+7)

Lên tem bưu chính là cách mà một địa phương có thể quảng bá đầy ấn tượng và hiệu quả thương hiệu của mình. Chỉ một năm sau ngày non sông liền một dãi, Đà Nẵng đã lên tem với hình ảnh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông - đương thời quần đảo Hoàng Sa vẫn còn trực thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Bộ tem quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do họa sĩ Trần Lương thiết kế, phát hành ngày 19-1-1988.  Ảnh: B.V.T
Bộ tem quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do họa sĩ Trần Lương thiết kế, phát hành ngày 19-1-1988. Ảnh: B.V.T

Vào ngày 24-6-1976, bộ tem Việt Nam thống nhất được phát hành, in hình bản đồ Việt Nam cùng với chiếc trống đồng có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói đây là bộ tem bưu chính cách mạng Việt Nam đầu tiên có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta.

Tuy nhiên, bộ tem quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do họa sĩ Trần Lương thiết kế, phát hành ngày 19-1-1988 mới là bộ tem duy nhất tập trung giới thiệu về hai quần đảo này, gồm hai mẫu: Mẫu thứ nhất giới thiệu hình ảnh Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII-XVIII và mẫu thứ hai thể hiện hình ảnh hai bản đồ cổ, trong đó phần bản đồ lớn bên trái tem là bản đồ năm 1595 của nhà hàng hải Hà Lan Henricus Van Langren vẽ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hình lá cờ đuôi nheo với tên Ile de Pracel; và phần bản đồ nhỏ bên phải tem là Đại Nam nhất thống toàn đồ thời nhà Nguyễn, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ thành một dải 29 hòn đảo với tên chung Hoàng Sa - Vạn Lý Trường Sa.

Gần nửa năm sau ngày phát hành bộ tem Việt Nam thống nhất, vào cuối năm 1976 bưu chính nước ta tiếp tục phát hành bộ tem Tổng tiến công 1975, do ba họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế, ghi lại ba mốc chiến công quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Giải phóng Buôn Mê Thuột (ngày 12-3-1975), Giải phóng Đà Nẵng (ngày 29-3-1975) và Giải phóng Sài Gòn (30-4-1975). Bộ tem này gồm sáu mẫu tem nhưng được sử dụng ba mẫu thiết kế hình ảnh của ba sự kiện lịch sử, được in lặp lại theo hai mệnh giá khác nhau, trong đó mẫu tem Giải phóng Đà Nẵng có hai mệnh giá là 3 xu và 1 đồng.

Bộ tem Tổng tiến công 1975, do các họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế, phát hành cuối năm 1976. Ảnh: B.V.T
Bộ tem Tổng tiến công 1975, do các họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế, phát hành cuối năm 1976. Ảnh: B.V.T

Và trong năm 1988, sau khi bộ tem quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được phát hành, Đà Nẵng lại xuất hiện trong bộ tem Du lịch gồm bảy mẫu và một bloc giới thiệu một số thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có Ngũ Hành Sơn - danh thắng của Đà Nẵng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2018. Đặc biệt hình ảnh trên mẫu bloc tem còn giới thiệu toàn cảnh bản đồ Việt Nam nhằm khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - nghĩa là Hoàng Sa thân yêu của Đà Nẵng một lần nữa lại lên tem.

***

Sau hơn 20 năm là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đầu năm 1997, thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó Đà Nẵng có điều kiện phát triển mạnh mẽ, nhất là trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị. Và trong nhiều danh hiệu gắn liền với thành phố bên sông Hàn qua một phần tư thế kỷ, có danh hiệu thành phố của những cây cầu. Và không phải ngẫu nhiên mà có tới hai cây cầu bắc qua sông Hàn đã kịp lên tem: Bộ tem Cầu Việt Nam phát hành năm 2002 giới thiệu về cầu Long Biên của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Thừa Thiên Huế, cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang với Vĩnh Long và cầu Sông Hàn của Đà Nẵng.

Bộ tem Cầu dây văng Việt Nam phát hành năm 2019 giới thiệu cầu Bãi Cháy của Quảng Ninh - cầu dây văng một mặt phẳng duy nhất tại Việt Nam; cầu Nhật Tân của Hà Nội - điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ Thủ đô được thiết kế kiểu đàn hạc với năm trụ tháp liên tục; cầu Phú Mỹ của Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới được thiết kế hai trụ tháp hình chữ H, cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre - cây cầu đầu tiên do Việt Nam hoàn toàn thiết kế và thi công với trụ tháp hình chữ V ngược và cầu Trần Thị Lý của Đà Nẵng - cây cầu sử dụng hệ dây văng ba chiều với trụ nghiêng 12 độ.

Thật ra trước đó hai năm, cầu Trần Thị Lý cũng đã được lên tem nhưng không nằm trong một mẫu tem riêng như mẫu tem năm 2019 mà nằm chung trong mẫu duy nhất của bộ tem Chào mừng năm APEC Việt Nam 2017 cùng với Khuê Văn các và chợ Bến Thành với tư cách là biểu tượng của ba thành phố Việt Nam đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 là Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu Trần Thị Lý được lên tem trong mẫu tem duy nhất của bộ tem Chào mừng năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh: B.V.T
Cầu Trần Thị Lý được lên tem trong mẫu tem duy nhất của bộ tem Chào mừng năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh: B.V.T

Với tư cách địa phương đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng dự kiến chọn biểu tượng nhận diện thành phố mình tại sự kiện ngoại giao quốc tế quan trọng này là hình ảnh voọc chà vá chân nâu tập trung chủ yếu trên Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - một trong tám loài thú linh trưởng quý hiếm từng được họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đưa vào bộ tem bưu chính đầu tiên chuyên đề về Thú linh trưởng ở Việt Nam qua 8 mẫu tem tương thích phát hành năm 2002.

Đà Nẵng còn được lên tem trong bộ tem Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tổ chức tại thành phố đang thay mặt cả nước quản lý quần đảo Hoàng Sa, phát hành ngày 1-7-2016, gồm hai mẫu tem thể hiện hai môn thể thao bãi biển với hình ảnh các vận động viên Việt Nam trên nền bãi biển Đà Nẵng.
Cuối cùng, trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Đà Nẵng đã đón nhận tin vui rằng đến tháng 4 dương lịch, Đà Nẵng sẽ tiếp tục được lên tem với hình ảnh Cáp treo Bà Nà Hills từng đạt kỷ lục hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới do World Travel Awards (WTA) trao tặng năm 2019 - một trong ba mẫu tem của bộ tem bưu chính Cáp treo hiện đại.

***

Trên đường phát triển, Đà Nẵng còn có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, còn có rất nhiều danh nhân xứng đáng được lên tem, chẳng hạn như thành Điện Hải - di tích quốc gia đặc biệt, như Hải Vân quan, như Vọng Hải đài, như Bảo tàng Điêu khắc Chăm độc nhất vô nhị… hay như Thoại Ngọc Hầu - người con xa quê của làng An Hải (năm 2011, UBND tỉnh An Giang đã có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phát hành mẫu tem bưu chính Danh nhân Thoại Ngọc Hầu nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông nhưng rất tiếc là chưa được)… Đương nhiên thời buổi thư điện tử gần như phổ cập, thư dán tem bưu chính không còn tiện dụng nhưng tem bưu chính vẫn giữ được vai trò kết nối giữa người và người, do vậy được lên tem vẫn là cách quảng bá hình ảnh của các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng đầy hiệu quả và ấn tượng.

BÙI VĂN TIẾNG

.