Đà Nẵng cuối tuần

Kiềm chế nhiệt độ ấm lên toàn cầu

09:14, 15/01/2023 (GMT+7)

1. Ắt hẳn, trong điều kiện bình thường, nhiều người không cảm nhận được hoặc cảm nhận được rất nhỏ về sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu - tăng khoảng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng cảm nhận rõ sự thay đổi của nhiệt độ cực trị (cực nóng và cực lạnh), khi có những thời điểm, nhiệt độ lạnh hơn hoặc nóng hơn. Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ làm cho nền nhiệt độ không khí nóng hơn và lạnh hơn, mà còn làm gia tăng mưa cực đoan, bão mạnh hơn, mực nước biển dâng cao hơn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, qua chuỗi số liệu quan trắc tại thành phố, nhiệt độ trung bình có xu thế tăng với mức tăng cao hơn mức trung bình của cả nước; nhiệt độ tối cao và tối thấp trung bình trong năm đều có xu thế tăng. Lượng mưa trong năm tại thành phố có xu thế tăng. Bão xuất hiện sớm, trái mùa, diễn biến bất thường hơn, tần suất xuất hiện các cơn bão lớn tăng lên. Lũ lụt trầm trọng hơn. Mức tăng mực nước biển qua các năm ở thành phố Đà Nẵng là 3,69mm/năm...

2. Có một nghịch lý là Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải carbon hay khí nhà kính (yếu tố chính gây nên sự ấm lên của toàn cầu) rất nhỏ, nhưng lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là sự gia tăng về cường độ các loại hình thiên tai như: bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, rét hại, hạn hán, sạt lở bờ biển... Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành nhìn nhận, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tác động đến môi trường sống và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Theo thống kê, trong năm 2022, thiên tai xảy ra trong cả nước đã làm 173 người thiệt mạng và mất tích, ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 19.000 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, trong năm 2022, thành phố hứng chịu nhiều trận thiên tai lịch sử để lại hậu quả nặng nề.

3. Cuối năm 2021, hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Scotland (Vương quốc Anh) đã tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP 21, tháng 12-2015). Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 (phát thải carbon) vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ (2050), cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác... COP 27 tổ chức tại Ai Cập vào cuối năm 2022 cũng tái khẳng định giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở ngưỡng 1,5oC cũng như khẳng định biến đổi khí hậu dẫn đến tổn thất và thiệt hại ngày càng gia tăng cả về mặt kinh tế và phi kinh tế, tác động đến sinh mạng và sinh kế của người dân tại các nước đang phát triển, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, tuy Việt Nam là một quốc gia có lượng phát thải carbon thấp, nhưng đã thể hiện trách nhiệm rất cao với cộng đồng quốc tế khi là một trong 130 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực không ngừng để chung tay hành động vì mục tiêu trung hòa carbon. Trong đó, năng lượng là ngành có tỷ trọng phát thải carbon cao nhất, nên việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng ít phát thải carbon là mục tiêu mà thành phố  hướng đến. Tại Đà Nẵng, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối (tận dụng phế phẩm nông, lâm nghiệp và rác thải sinh hoạt) có tiềm năng lớn và có tính khả thi cao nên thành phố đang triển khai kêu gọi đầu tư và khuyến khích đầu tư. Đồng thời, thành phố đã và đang hợp tác với các đối tác quốc tế triển khai các dự án chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, hướng đến một xã hội trung hòa carbon... Bên cạnh đó, trong 14 năm qua, Đà Nẵng cũng đã rất tích cực triển khai, thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường và đến nay, thành phố đã thiết lập sự cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường, kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội một cách hài hòa.

4. Vừa qua, chuỗi sự kiện đáng chú ý diễn ra tại Đà Nẵng là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và UBND thành phố tổ chức tổng kết chiến dịch truyền thông “Cùng nhau hành động sớm - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em”. Chiến dịch đã lan tỏa thông điệp hành động sớm trước các rủi ro thiên tai và khởi xướng vai trò của trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước như là một tác nhân thay đổi tích cực vì một xã hội an toàn hơn trước thiên tai. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho rằng, trẻ em là đối tượng dễ chịu tác động rủi ro thiên tai, nhưng luôn được xem là một tuyên truyền viên hiệu quả nhất về phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng bữa cơm và mỗi lần sinh hoạt gia đình. Ông Vũ Xuân Thành cho rằng, các em tham gia các hoạt động của chiến dịch đã và đang góp phần tạo nên một thế hệ tương lai hiểu biết và có kiến thức, kỹ năng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu cho nước ta. Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đang cần sự chung tay, góp sức của toàn cộng đồng, mà trong cộng đồng đó, thế hệ tương lai tiếp bước những thế hệ đi trước, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, sạch và xanh, vì tương lai trẻ em.

THƯ ĐĂNG

.