Đà Nẵng cuối tuần
Ký ức âm thanh
Ở mỗi vùng miền, quê hương, theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển mang tính quy luật của thời đại, đã có những âm thanh vốn một thời rất đỗi quen thuộc cũng dần mai một trong cuộc sống cũng như trong ký ức của các thế hệ người Việt Nam. Nếu không được lưu giữ thì thế hệ mai sau sẽ không có cơ hội được nghe những âm thanh riêng có của quê hương, đất nước những năm tháng của thế kỷ trước...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thế hệ 5X, 6X, nhất là những người sinh sống và từng đến Hà Nội chắc có lẽ không thể quên tiếng leng keng của tàu điện trên phố. Âm thanh giản dị ấy đã từng đi vào thơ ca gợi nhớ về một Hà Nội xưa cũ, góp phần làm nên phong vị riêng có của mảnh đất kinh kỳ. Bước vào thế kỷ 21, tiếng leng keng hoàn toàn biến mất, Hà Nội có thêm nhiều loại phương tiện giao thông hiện đại nhưng hình ảnh tàu điện cùng tiếng leng keng vẫn luôn in dấu trong tâm trí nhiều thế hệ.
Gần gũi hơn, quay lại miền Trung, chắc mấy ai còn nhớ âm thanh trong ca khúc Đêm hội phố Hoài của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái có nhắc đến: “Tiếng guốc khúa trên con đường gầy”. Cái âm thanh gợi nhớ trong ký ức nhiều người về một thời phố cổ của những năm 70-80 của thế kỷ 20, trong đêm thanh vắng của phố cổ, tiếng guốc của cô bán chè đậu ván, hột vịt lộn... gõ lẻ loi trên con phố vắng nghe đến nao lòng nhưng đó cũng là nét đặc trưng về cốt cách của con người phố Hội giản dị, thật thà, hiếu khách. Không chỉ tiếng guốc khua mà đi kèm đó là tiếng rao của những người bán các món ăn bình dân không khó bắt gặp ở Hội An hay Đà Nẵng... mà nay hầu như được thay bằng “tiếng rao điện tử” do người bán thu âm, phát lại trên loa đều một giọng vang to, vang xa giữa phố phường. “Kỹ thuật tân tiến” giúp người ta không còn mất sức khi rao bán, nhất là giữa phố thị nhộn nhịp, thế nhưng, nó làm người ta quên đi âm thanh của một thời vất vả nhưng lại rất gần gũi và giản dị. Giờ đây thi thoảng trên những con phố chúng ta chỉ còn được nghe tiếng rao “thật” của người bán chiếu khiếm thị hay anh “mài dao kéo”…, còn lại tất cả đều đã “qua loa” cả rồi.
Một âm thanh nữa cũng rất gắn bó với những ai từng sống ở Đà Nẵng, Quảng Nam và vùng quê sông nước này những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn những chuyến đò ngang qua sông hay xuôi ngược dòng Thu, dòng Hàn, dòng Hương... với các điệu Hò Mái đẩy, Hò Mái nhì. Tiếng hò khoan còn đặc biệt ấn tượng khi vang lên giữa đêm trăng vằng vặc trên những con sông quê mà thế hệ 7X có lẽ là những người cuối cùng được nghe những âm thanh đầy bản sắc quê hương đó.
Thiết nghĩ, việc lưu giữ âm thanh của quá khứ, nhất là những âm thanh đặc trưng gắn với những giai đoạn lịch sử của quê hương, đất nước là một câu chuyện nghiêm túc, điều đó sẽ góp phần đánh thức ký ức những hương vị thuở xưa. Ở khía cạnh văn hóa nó cũng là một trong các giá trị văn hóa - tinh thần, nét đặc sắc của một vùng miền, địa phương, cũng là sản phẩm du lịch rất cần được bảo tồn, lưu giữ cẩn thận để các thế hệ hiện tại và mai sau biết được lịch sử văn hóa dân tộc qua những âm thanh tưởng chừng chỉ mang ý nghĩa dao động cơ học đơn thuần.
DÂN HÙNG