Đà Nẵng cuối tuần
Các danh xưng về khoa bảng người Quảng Nam
17:52, 22/07/2023 (GMT+7)
Khoa bảng dưới Triều Nguyễn, ngoài danh xưng “Ngũ phụng tề phi”, người Quảng Nam còn nhắc đến các danh xưng nào khác? (Nguyễn Văn Hoàng,quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Viếng hương Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người có nhiều danh xưng về khoa bảng, tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng ở huyện Tiên Phước. Ảnh: V.T.L |
Từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, với vùng đất tả trực kỳ của triều đình, có vai trò lớn cung cấp sản vật, đóng góp nguồn tài lực, bảo đảm quân lính tướng sĩ và là cửa ngõ giao thương với bên ngoài, Quảng Nam trở thành vùng đất sản sinh đội ngũ trí thức dân tộc, đã thật sự có sự đột phá về giáo dục đào tạo, làm nở rộ một thế hệ nhân tài.
Qua học hành, thi cử dưới Triều Nguyễn, Quảng Nam nổi tiếng là đất học với các danh xưng để tiếng thơm muôn đời. Người Quảng Nam gọi khoa thi Mậu Tuất (1898) là khoa “Ngũ phụng tề phi” (Năm con chim phụng cùng bay) hay “Ngũ phụng Quảng Nam”. Kỳ thi này cả nước có 17 người cùng đỗ đại khoa (8 tiến sĩ, 9 phó bảng); trong đó, riêng Quảng Nam có 5 người: 3 tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; 2 phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.
Theo bộ “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng” (Thạch Phương, Nguyễn Đình An, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội - 2010), nói về “Ngũ phụng tề phi”, có người người nhận xét: “Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, có tất cả 187 khoa thi tiến sĩ với 9.271 người đậu tiến sĩ, nhưng chưa hề thấy khoa nào có 5 người trong một tỉnh cùng thi đậu một lượt như trường hợp 5 vị vừa được nêu trên thuộc tỉnh Quảng Nam”.
Ngoài danh xưng “Ngũ phụng tề phi”, người Quảng Nam còn nhắc đến các danh xưng khác trong khoa bảng. Theo sách đã dẫn, trong 42 khoa thi Hương được tổ chức dưới triều Nguyễn, Trường thi Thừa Thiên đã lấy 1.248 người đỗ cử nhân, Quảng Nam có 254 người, trong đó có 6 người đỗ đầu khoa (thủ khoa) thi Hương - hương nguyên, tạo nên danh hiện “Lục tuyệt Quảng Nam”, đó là các ông: Phạm Phú Thứ, người Điện Bàn, khoa thi năm 1842; Lê Vĩnh Khanh, người Tiên Phước, khoa thi năm 1843, đỗ phó bảng năm 1844; Nguyễn Hanh, người Hòa Vang, khoa thi năm 1852; Phạm Liệu, người Điện Bàn, khoa thi năm 1894, đỗ tiến sĩ 1898; Huỳnh Thúc Kháng, người Tiên Phước, khoa thi năm 1900, đỗ tiến sĩ 1904; Võ Hoành, người Duy Xuyên, khoa thi năm 1903, đỗ phó bảng 1910.
Khoa thi năm Tân sửu 1901, Quảng Nam có 4 người đỗ phó bảng được gọi là “Tứ hổ”, gồm các vị Nguyễn Đình Hiến, Võ Vĩ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh.
“Tứ kiệt” là danh xưng chỉ 4 người nổi tiếng về văn chương khoa cử, gồm các vị Trần Quý Cáp về thơ; Nguyễn Đình Hiến về phú; Phan Châu Trinh về kinh nghĩa; Huỳnh Thúc Kháng về cả 3 loại văn đó.
“Ngũ tử đăng khoa” là danh hiệu vua Tự Đức ban tặng cho 5 anh em, gồm 3 tú tài Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Tu Kỷ và 2 cử nhân Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Tĩnh Cung. 5 vị này con ông Nguyễn Tấn Duệ và bà Trương Thị Tam, người làng Túy La, trú làng Bất Nhị, nay là Điện Phước, thị xã Điện Bàn.
“Xuân Sơn ngũ tử” là danh xưng 5 anh em ruột quê ở làng Xuân Đài, huyện Diên Phước; nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, gồm: 2 cử nhân Hoàng Kim Bảng, Hoàng Kim Giám, Phó bảng Hoàng Kim Tích (Hoàng Diệu) và 2 tú tài Hoàng Kim Bình, Hoàng Kim Đạt.
“Lục phụng bất tề phi” (Sáu con chim phụng không cùng bay) là danh xưng mà nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân gọi sáu người Quảng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao; tuy không cùng đỗ một khoa nhưng người nào cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc, đó là các vị: Hoàng giáp Phạm Như Xương, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Tiến sĩ Trần Quí Cáp, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Phan Châu Trinh và Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu.
ĐNCT