Đà Nẵng cuối tuần

Dung dăng lục bát

17:48, 22/07/2023 (GMT+7)

Dùng dằng chi rứa (NXB Đà Nẵng, 2021) là tập thơ thứ hai và cũng là tập lục bát thứ hai của Huỳnh Trương Phát sau Hạt phong trần (2012). Ưu nhược cốt tử của thể thơ truyền thống này đã được nhiều người bàn đến: Hễ kể thì dễ hóa văn vần, hễ bay bổng thì vần gieo dễ lạc. Tôi thấy lục bát Huỳnh Trương Phát đã hóa giải được một cách hài hòa để tránh hai nhược điểm này. Điều đặc biệt hơn là ở chỗ, 93 bài lục bát này hầu hết thuộc loại “thơ có cớ” (có địa điểm, sự việc ngoại cảnh tác động), rất ít bài “thơ vô cớ” (xuất từ rung cảm nội tâm) với sự xuất hiện của rất nhiều tên địa danh (thống kê toàn tập, kể cả ghi chú nơi sáng tác, thấy có đến 179 tên, trong khi tập thơ đầu, dù nhiều, cũng chỉ mới có 54 địa danh). Nghĩa là, Huỳnh Trương Phát tự đặt mình vào thế khó của thể thơ này. “Thơ có cớ” với nhiều tên địa danh thì thường là kể, mà hễ kể thì rơi đúng cái nhược điểm cốt tử của lục bát. Biết làm răng chừ? May quá! Tên tập thơ là Dùng dằng chi rứa nhưng những cặp lục bát trong tập thơ này thì lại cứ “dung dăng” tự nhiên như trẻ thơ chơi trò “dung dăng dung dẻ”. Và chính cái bổn tính tự nhiên ấy đã giúp Huỳnh Trương Phát dung dăng dắt những câu thơ đi theo nhịp 6/8 vượt qua hết địa danh này đến địa danh khác dù dốc đèo miền núi hay bằng phẳng đồng bằng, dù chập chùng biển sóng hay cả nơi rộn ràng phố chật người đông…

Cấu trúc cặp lục bát của Huỳnh Trương Phát trong trường hợp gọi tên địa danh này gồm ba dạng. Dạng thứ nhất (tên địa danh rơi vào câu lục), đó là những “Vu Gia say” để tự nghiêng ngã trút “phù sa” lên đồng Ái Nghĩa: Tôi say rồi Vu Gia ơi/ Con sông nghiêng hết một đời phù sa (Ái Nghĩa). Ngay cái “nhàu phai” của “màu trăng Bàn Thạch”, anh cũng khiến ta gợi nhớ tà áo đẫm sắc thu của người tình cũ: Màu trăng Bàn Thạch nhàu phai/ Nhớ tà áo cũ vá đầy mùa thu (Bàn Thạch). Cả cặp lục bát trơn tuột gieo vần tưởng không-có-gì này vẫn cứ đáng yêu ở cái nhịp đi tự nhiên và âm âm trong ta một quá khứ đan xen hiện tại nơi sân ga nhỏ: Mười năm về lại An Tân/ Con tàu ghé lại bên sân ga chiều (Giọt xuân tràn đêm)….

Ở dạng thứ hai (tên địa danh rơi vào câu Bát), ta cũng dễ nhận ra sự điêu luyện trong cách biến ảo lục bát của anh. Phù sa Thu Bồn bón xanh cho những triền dâu là câu kể, nhưng khi lá dâu xanh vào ruột tằm để tằm nhả kén cho tơ hóa thành những tấm lụa muôn màu, đặc biệt là “mối tình Mã Châu” được “giấu trong màu lụa” ấy lại trở thành câu thơ đầy tâm trạng: Phù sa mùa lá dâu xinh/ Giấu trong màu lụa mối tình Mã Châu (Bến đò tơ). Con suối Dak Mi ở vùng núi Phước Sơn chắc chắn chảy xanh một dòng xanh trên phía thượng nguồn, thế mà cái cặp lục bát tương tư anh thả xuống nơi đây lại nhuộm nước Đak Mi thành tím. Tên địa danh chìm trong cái màu tương tư riêng biệt của thơ: Tương tư không có sắc màu/ Mà sao nhuộm tím chân cầu Dak Mi (Xuân Mãi)…

Ở dạng kết cấu thứ ba (địa danh xuất hiện ở cả hai câu), năng lực lục bát phải đủ vững mới lách nổi qua khe hẹp ngôn từ, giữ cho câu thơ vừa mang tên nhiều địa danh lại vừa có cảm xúc, đồng thời phải bảo đảm tứ cho thơ (vì nếu chỉ có ý thì sẽ thành câu kể). Thử đọc vài cặp lục bát dạng này: Tam Kỳ có ba cái cồn/ Đợi nhau Cồn Thị đến mòn nhớ thương (Cồn Thị); Lò Thung em chắt để dành/ Sông Tiên ai chắt mà thành dáng em (Dáng tiên). Ở đây địa danh xuất hiện tự nhiên không gò ép, cái tứ của thơ tạo nên rung cảm, lại chính nhờ cái hồn vía của địa danh thông qua thủ pháp “chơi chữ” (Tam - ba, Lò Thung - chắt thành). Còn: Ghé lại Chợ Được trưa nay/ Nghe tin Thủ Thiệm đã quày về quê (Chợ Được) thì lại hay ở lý thuyết liên văn bản (intertextuality) về mối quan hệ giữa địa danh Chợ Được và anh chàng Thủ Thiệm ở Núi Thành với rất nhiều giai thoại mang đậm tính cách Quảng Nam.

Một thành công nữa của Dùng dằng chi rứa chính là biết tận dụng và phát huy tính độc đáo của phương ngữ Quảng Nam. Nào là “giê” (lúa): Mùa màng chúm chím môi xinh/ Em giê vào trái tim mình nhớ thương (Bụi thóc); rồi thì “Chu choa”: Nhớ thương vơi đầy mấy lu/ Chợt nghe một tiếng chim gù. Chu choa (Vu Gia); và tất nhiên, cả những “mô tê răng rứa”: Đợi em chẳng thấy mô tê/ Anh gom thơ nhạc mang về phơi sương (Đêm sưa vàng)… Lại thêm vào những cách “nói tục”, “nói lái” mang giọng lưỡi Thủ Thiệm và cả cái tật “nói thẳng” của Quảng Nam: Trung du đợi một khúc đêm/ Mộng về mị cả bóng thềm đá leo/ Lộc Yên mộng cả cột kèo/ Trên khu đĩ gió cứ trèo qua nhau (Dáng tiên). Cái hình ảnh “Trên khu đĩ gió cứ trèo qua nhau” vừa rất thực lại vừa rất lạ.

Thấp thoáng trong dáng vẻ dung dăng Lục bát Huỳnh Trương Phát, ta còn tìm được những câu thơ khá tài hoa trong cách sử dụng ngôn từ: Lâu rồi chẳng được ru nhau/ Lời ru đã cũ tiếng ầu đã ơ (Cái xích đu) và những tứ thơ tạo nên từ liên tưởng đẹp, nhất là cái hình ảnh “cột hai sợi nắng vào trưa” khá độc đáo: Về quê mắc võng đu đưa/ Cột hai sợi nắng vào trưa mà nằm (Võng trưa). Và dường như có một kiểu Lục-bát-giọng-Quảng rất riêng ở tập thơ này: Nhiều khi ngồi nhớ sang đàng/ Nghĩ chi nói nấy có sàng sảy chi (Cái xích đu).

Chính nhờ không cố tình “sàng sảy”, “nghĩ chi nói nấy” cùng cái cách “ngồi nhớ sang đàng” rất Quảng này mà Huỳnh Trương Phát đã có được một giọng Lục bát riêng: nằng nặng, vang vang; tự nhiên đọc lên thấy dễ thương, vui vui và thinh thích…

MAI BÁ ẤN

.