Đà Nẵng cuối tuần

Những đêm mưa

11:40, 06/08/2023 (GMT+7)

Trời vẫn thả mưa. Sao trời mưa nhiều thế. Mưa đã mấy ngày mấy đêm rồi mà trời vẫn không chịu thu mưa về. Sốt ruột, bà nâng cánh cửa sổ lên nhìn ra ngoài, xung quanh mịt mùng một màn mưa trắng xóa. Bà sập cửa lại, khe khẽ thở dài. Tôi để ý bà thở dài nhiều hơn vào những ngày mưa, còn khi đêm về thì bà hay bồn chồn giật mình thảng thốt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vào những đêm mưa thế này, tôi và bà không ngủ được, cứ ngồi canh bếp lửa suốt đêm. Lửa làm cho ngôi nhà đỡ lạnh lẽo, không bị nhấn chìm vào đêm, cho lòng người đỡ chộn rộn. Thỉnh thoảng bà lại nhắc tôi cho thêm củi vào bếp. Lửa cháy bùng lên hắt bóng tôi và bà ủ rũ lên cái vách nhà cũ kỹ mục nát. Tôi gục đầu vào gối, lắng nghe tiếng nước chảy ào ào từ các khe núi đổ về suối, tiếng những hạt mưa trĩu nặng rơi trên mái nhà.

Trời mưa chán chê rồi cuối cùng cũng tạnh. Bà mở toang các cửa cho gió sớm lùa vào nhà, cho mùi ẩm mốc theo gió tan ra. Xong bà đeo ếp vào lưng, tay cầm theo con dao quắm mũi nhọn hoắt vào rừng đào măng, qua mấy ngày mưa chắc đã đội đất lên cao.

Bà đi rồi tôi trèo lên giường nhìn qua ô cửa sổ. Từ đây cả thế giới hiện ra trước mắt tôi. Những ngọn núi sau mưa được gột sạch đang mặc chiếc áo mới màu xanh ngăn ngắt. Trên các đỉnh núi, sương mù hãy còn dùng dằng, lả lơi choàng lên chúng chiếc khăn voan màu trắng tinh khôi. Vài nụ hoa bìm bìm đang lấp ló phía sau kẽ lá trên sợi dây gầy nhẳng bám trên bờ rào, chắc chỉ qua đêm nay thôi là sẽ bung ra sắc tím để sáng mai kịp đùa giỡn với nắng sớm, rồi ngày sau ngày sau nữa cả một thung lũng hoa bìm bìm sẽ đua nhau tím ngắt nở hoa. Từng tốp người đeo ếp lên nương mặt ai cũng rạng rỡ vui tươi. Họ đi theo con đường mòn qua gần ô cửa sổ tôi đang ngồi. Nhìn thấy tôi ai cũng chào hỏi rối rít. Họ khen tôi xinh như bông hoa mua màu tím dịu dàng bên bờ suối, đẹp như bông hoa ban trắng lúc còn lóng lánh sương ban mai.

Gần trưa thì bà về, lưng đeo một ếp măng nặng trĩu cả vai. Những cây măng được uống no nước, cái nào cũng bụ bẫm trắng nõn như cổ tay trẻ con. Tôi dọn cơm cho bà ăn. Bà vừa ăn vừa kể cho tôi nghe ngô trên nương bị nước sói gần hết. May mà tối qua về sáng thì mưa tạnh, nếu trời còn làm mưa to vài tiếng nữa thôi có khi sẽ gây sạt lở đất. Bản tôi đã bị sạt lở đất vài lần, may mà những đêm ấy mọi người còn thức để kịp chạy đi nếu không thì bị đất vùi hết. Vì thế mà những đêm trời mưa to hầu như không nhà nào ngủ. Nhà nào cũng ngồi bên bếp đốt lửa đợi đêm qua đi. Tối ấy bà kêu đau lưng, tôi xoa lên cái lưng đã cong cong như lá ngô lúc trời không cho gió, cổ thấy nghèn nghẹn khi những cục xương trên lưng bà trệu trạo lăn qua lăn lại dưới bàn tay tôi.

Bà bảo tôi có đôi bàn tay rất lạ. Mỗi lần lưng của bà đau hay cái đầu của bà chúng chiếng, chỉ cần tôi đặt bàn tay lên chỗ đó, nắn bóp một lúc là bà thấy dễ chịu ngay. Rồi bà rơm rớm nước mắt bảo: “May bà còn có con”. Mỗi lần nghe bà nói thế tôi lại buồn bã nhìn trộm xuống đôi chân của mình.

Đôi chân của tôi bị tật từ ngày tôi còn bé, là bà nói với tôi như thế. Tôi hỏi bà: “Tại vì con nghịch quá nên bị ngã hay sao”. Bà lắc đầu bảo không phải. Tôi lại hỏi bà: “Hay tại con ốm nên chân con không lớn được”. Bà cũng lắc đầu quầy quậy. “Vậy lúc con bị đau chân mẹ có thương con nhiều không”. Bà gật gật đầu lấy tay áo quệt hai hàng nước mắt rồi nhìn về phía sau nhà, nơi ấy có mẹ tôi đang nằm ngủ ở đó.

Tối nào cũng thế, bà nắn bóp chân cho tôi cả khi tôi đã ngủ say từ lâu. Chân tôi, từ đầu gối trở xuống, nó cứ quay ngoặt về phía sau mà chẳng thể duỗi thẳng ra. Mặc cho bà nắn bóp, lôi kéo, đắp thuốc từ năm này qua năm khác, từ lúc tóc bà mới lốm đốm sợi bạc đến lúc tóc bà đã trắng gần hết đầu, nó vẫn vậy. Bà dỗ dành tôi rằng, để bù lại đôi chân tật nguyền ông trời đã cho tôi đôi bàn tay khéo léo. Ngày ngày ngoài việc giúp bà những việc khác, tôi mê mải thêu khăn. Tôi gửi hết tâm tư của mình vào từng đường kim mũi chỉ, vào những bông hoa và nhiều hình tượng khác được thêu trên khăn. Mỗi chiếc khăn thêu xong chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm của tôi trong đó, nó như được thổi hồn vào nên có vẻ đẹp trầm buồn của núi rừng và sự khát vọng kỳ ảo của ánh trăng. Thi thoảng có người phụ nữ trong bản đến lấy đem xuống phố bán. Bà nhìn những chiếc khăn được xếp vào túi bằng cặp mắt đờ đẫn lấp ló nước. Khi người phụ nữ đi rồi bà vẫn còn nhìn theo mãi như tiễn đưa những đứa con đi xa.

Bà đếm số vạch trên cái cột nhà rồi bảo tôi đã được mười tám vạch. Mỗi khi mùa hoa ban nở trắng rừng bà lại lấy dao rạch một nhát lên cái cột bên vách. Vậy là tôi đã mười tám tuổi, tính ra từ lúc tôi biết cầm chiếc kim thêu cho đến nay đã hơn mười năm, số khăn Piêu tôi thêu được nếu xếp chồng lên nhau chắc cũng đã cao gần bằng người tôi kể từ đầu gối trở lên. Nếu tôi mà lấy chồng thì số khăn đó đã dư dả để mang tặng anh em họ hàng nhà chồng rồi... Nhưng nỗi buồn ấy cũng chỉ thoảng qua bảng lảng như hoàng hôn lúc trời giã từ mặt đất rồi lại chìm vào đêm tối. Sự cam phận làm tôi quên đi mọi ước muốn để ngày ngày được sống bên bà hết mùa rẫy này đến mùa rẫy khác, mùa hoa ban này tàn lại chờ mùa hoa ban sau.

Tôi thường ngồi thêu trên giường bên cửa sổ có cánh cửa được nâng lên bằng một que tre đã bóng nhẫy vì mồ hôi từ tay của bà. Trong lúc luồn kim, cuộn chỉ trong tay tôi bị tuột rơi xuống dưới. Từ bên trên tôi cúi xuống nhặt cuộn chỉ. Tôi chỉ kịp kêu “Bà ơi” thì đã bị lăn xuống chân cầu thang. Bà đang cho lợn ăn vội chạy đến hét lên thảng thốt. Bà đỡ tôi ngồi dậy ôm tôi bằng đôi tay run rẩy. Bàn chân tôi bị rách một vệt dài nên chảy nhiều máu quá. Bà hái một nắm lá cây chó đẻ bên bờ rào cho vào mồm nhai nát, rịt ngay vào chỗ máu bị chảy rồi lớn tiếng gọi chị Hôm. Một lát sau anh Diêng hớt hải chạy sang bảo chị Hôm không có nhà. Nghe bà kể lại chuyện tôi bị ngã anh nhìn tôi một hồi rồi thở phào bảo: “Ngã vậy mà chỉ bị thương như thế này là may mắn lắm, chắc phải có thần linh phù hộ chứ không thì đã bị gãy chân gãy tay hay ít nhất thì cũng bươu đầu mẻ trán rồi”.

Nhà anh Diêng ở cách nhà bà một khu vườn, mỗi lần trong nhà có việc, bà đều nhờ anh Diêng sang giúp. Anh Diêng cúi xuống loay hoay tìm cách bế tôi lên nhà mà không bị chạm vào cái chân đau. Anh bảo tôi vòng tay ôm cổ anh, tôi co rúm người lại. Tôi nhận thấy anh hơi khựng lại trong thoáng chốc, chỉ một lát thôi rồi anh lại giục tôi ôm chặt cổ anh để không bị ngã. Có lẽ giọng nói trầm ấm và ánh mắt màu chiều muộn của anh làm tôi yên tâm phần nào. Anh bế tôi lên, tôi nhắm chặt mắt lại. Tôi bồng bềnh theo mỗi nhịp chân của anh.

Bà hỏi tôi có đau nhiều không bằng giọng lo lắng. Tôi lắc đầu. Tôi không muốn nói hay đúng hơn là tôi không dám mở miệng ra để nói. Tôi muốn giữ lại nguyên vẹn cảm giác lâng lâng lạ lùng ấy trong lòng, sợ nếu mở mồm nói thì nó sẽ theo lời nói mà bay đi mất. Tối đó tôi không ăn cơm cứ nằm im trên giường, bà sờ vào trán tôi bảo tôi bị sốt. Bà lấy khăn nhúng nước đặt lên trán tôi. Tôi không thể giải thích cho bà hiểu tôi bị nóng bừng cả người như thế này đâu phải tại cái chân đau.

Trước đây, mỗi lần ngồi nhìn bà xếp khăn Piêu để bán cho người phụ nữ trong bản tôi chỉ thấy trong lòng mình một nỗi buồn hoang hoải, thoang thoảng như con gió chiều vẫn lướt qua. Nhưng bây giờ khi nghĩ đến tại sao bà phải bán những chiếc khăn Piêu thì trong lòng tôi đau nhoi nhói. Nếu như chiều đấy tôi đừng ra ngồi thêu khăn gần chỗ cầu thang, nếu như tôi đừng bị ngã để anh Diêng phải bế thì tôi sẽ lặng lẽ sống bên bà, ngày này qua ngày khác, cho đến một ngày tôi nằm ngủ một giấc thật dài và sẽ không bao giờ trở dậy. Nhưng bây giờ thì tôi đã được nếm cái cảm giác đê mê ấy rồi thì làm sao tôi có thể giữ cho cơ thể mình không bị nổi loạn đây.

Khi ấy đang là mùa tra hạt. Từ sáng tinh mơ bà đã trở dậy đồ xôi để đem vào nương ăn trưa. Bà ở lại cả ngày trên nương để tra hạt cho kịp lúc đất đang đủ độ ẩm, trước khi lưỡi cuốc bị bật ra vì cái nắng cái gió hút đến cạn kiệt nước. Chiều muộn bà về, mệt mỏi ăn qua loa bữa tối rồi đi ngủ sớm cho thẳng cái lưng. Tôi vén áo bà lên, xoa vào cái lưng gầy gò của bà. Chưa được bao lâu thì bà đã ngáy giòn giã. Bây giờ bà có tuổi rồi lại làm việc cả ngày nên tối đến bà mệt nhoài chứ không khỏe như mọi mùa rẫy trước.

Tôi vòng tay ôm chặt cổ anh, cuống cuồng như sợ đó là giấc mơ, tỉnh dậy nó sẽ biến mất như mọi lần tôi vẫn mơ như thế. Anh bế thốc tôi lên chạy như gió lướt xuống cầu thang, nhịp chân dìu dặt như tiếng sáo trúc thi thoảng anh vẫn thổi vào những đêm trăng sáng. Đất trời nghiêng ngả chòng chành, tôi thấy bên tai mình tiếng du dương của gió, tiếng con chim Pít gọi bạn tình khắc khoải nhớ thương, và cả mùi hoa bóp boi thoảng nhẹ trên môi anh ấm nóng. Nhưng lẫn trong những âm thanh ấy là tiếng gọi tên tôi. Là tiếng bà gọi, tiếng gọi thất thanh vang lên trong đêm khuya lặng gió, nó vang đi khắp mọi nơi, len vào từng khe núi hẻm rừng rồi bật ngược trở lại, vỡ ra hàng loạt tiếng gọi tiếp theo. Tiếng khóc tiếng gọi tên chị Hôm, tên anh Diêng, tên những người hàng xóm của bà vang lên thảng thốt. Tôi choàng tỉnh mở to mắt ra nhìn anh trong đêm tối, mùi hoa bóp boi tan biến chỉ còn lại tiếng khóc nức nở của bà.

Bà bước vào nhà vừa khóc rưng rức vừa gọi tôi. Ngồi trên giường tôi mấp máy môi gọi “Bà ơi”. Tiếng khóc lập tức im bặt, bà kêu ơ ơ như nhìn thấy điều gì làm bà sợ hãi. Bà và chị Hôm chạy đến bên giường, khi tôi gọi “Bà ơi” thêm vài lần nữa thì chị Hôm và bà mới dám sờ vào tôi, cầm tay tôi lắc lắc. Rồi bà lại khóc vừa khóc vừa chửi: “Cha mày, đi đâu mà để bà tìm khắp thế hả con”. Chị Hôm cúi xuống nhặt một cọng cỏ còn vướng lại trên tóc rồi buộc lại mớ tóc xõa xượi cho tôi. Vừa lúc những người hàng xóm cũng về đến nơi, họ nhìn tôi ngơ ngác bắt đầu thì thầm to nhỏ nhưng tôi vẫn nghe được. Họ bảo “Chắc bị ma bắt đi chứ chân tôi như thế thì đi lên đi xuống cầu thang thế nào được, từ bé đến giờ có khi nào nó ra khỏi nhà”. Mọi người ra về sau khi dặn bà mai chuẩn bị các thứ để nhờ thầy cúng gọi hồn đi lạc của tôi về. 

Bà ngồi nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt thật lạ. Tôi thấy chị Hôm và bà thầm thì với nhau ngoài sàn quản. Chị Hôm vâng dạ chạy đi một hồi mới quay lại rồi lạch cạch xách ấm đun nước. Một lúc sau mùi từ ấm nước bốc ra ngai ngái. Chị rót nước ra bát, bà cầm cái quạt tre trong tay quạt phành phạch phía trên lớp khói. Một hồi chừng như bát nước đã đỡ nóng, bà bê đến chỗ tôi bảo tôi uống. Tôi nhìn vào thấy thứ nước đen thui sền sệt trong bát. Tôi đoán bà  đang cho tôi uống thứ thuốc mà đã có lần bà kể cho tôi nghe. Tôi bịt chặt mồm lại, lắc đầu quầy quậy, vục mặt vào gối. Bà ngồi thụp xuống ôm lấy cái giường tôi nằm mà khóc. Bà bảo tôi có thương bà thì hãy uống bát thuốc ấy đi...Không kìm được tôi bỗng òa lên khóc nức nở. Nhưng kể cả khi thấy tôi khóc, ánh mắt của bà vẫn như nước chảy trên lá ráy. Tôi liền quệt nước mắt, lặng lẽ cầm lấy bát thuốc, cúi mặt uống ừng ực một hồi hết bát thuốc rồi nằm vật xuống giường. Lưỡi tôi tê dại vì đắng, ruột gan tôi lúc thì co thắt lại lúc lòng thòng duỗi ra, nhào lên nhào xuống như khi bà nhào bột ngô để làm bánh.

Đêm ấy bà uống rượu, điều mà tôi chưa bao giờ thấy. Bà cho vào bếp một khúc củi to, chắc cháy cả đêm cũng không thể hết. Ngoài trời không có tiếng gió nhưng lại có cảm giác mơn mơn lướt qua da thịt làm tôi thấy gai lạnh. Bỗng nhiên tôi thấy có một cái gì đó cứ cản tôi lại không muốn nghe bà kể nữa, nhưng lời đã nói ra rồi thì không thể thu về. Ở Nậm Ét này ai cũng vậy, đã nói là làm không thể khác. Rồi bà kể trong lúc trên tay vẫn cầm bát rượu đầy sóng sánh. Mẹ khi ấy hơn tôi một tuổi, đẹp dịu dàng như bông Bó ưởng quai. Ở bản nhiều trai làng yêu thầm trộm nhớ mẹ nhưng mẹ chưa nhận lời với ai. Khi mặt trời đã gác núi, đêm đã trùm tấm màn đen xuống người ta lại nghe tiếng sáo trúc nỉ non những lời yêu thương mặn nồng vang lên từ vạt rừng bên cạnh.

Một ngày mẹ bảo với bà phải ở lại trông nương vì khỉ về bẻ hết bắp. Những bắp ngô đang kỳ nuôi hạt râu ngô còn óng nuột màu xanh lơ đã bị khỉ đến phá. Bà bảo để bà lên trông nương cho còn mẹ thì ở nhà trông nom gà lợn, với lại dạo này bà thấy mẹ có vẻ xanh xao, nước da thì tai tái như người ốm. Mẹ bảo mẹ vẫn khỏe bà đừng nghĩ nhiều, bà nên ở nhà vì ban đêm trên nương rất lạnh, hơi ẩm từ trong núi đá vôi gần đấy thổi ra làm cho người ta đau mình mẩy xương khớp, mà bà lại có bệnh đau khớp nặng lắm, cứ trời lạnh là hai đầu gối của bà sưng mọng sốt nóng... Bà đành gật đầu, nhà không có đàn ông nên những lúc như thế này chẳng biết trông cậy vào ai.

Hai hôm rồi cái đầu gối bà sưng to, đi lại khập khiễng khó quá nên bà không lên nương được. Sốt ruột quá nên sáng nay bà chống gậy tập tễnh đi từ lúc trời còn ngái ngủ. Đến gần nương bà đã gọi mẹ nhưng gọi mấy tiếng rồi mà bà vẫn không thấy mẹ thưa. Chỉ còn vài bước chân nữa là đến cửa nhà nương mà bà cuống cuồng chạy quên cả cái chân đau. Bà mở cửa chòi, bà suýt chết ngất miệng ú ớ không kêu lên được một tiếng. Ngay trên cái chõng tre, phía dưới mẹ, một sinh linh bé tý đang cựa quậy khóc yếu ớt. Bà hốt hoảng lay mẹ, mẹ cố gắng mở mắt ra nhưng không thể mở được nữa, chỉ đáp lại tiếng gọi tha thiết của bà bằng hai hàng nước mắt. Rồi tiếng kêu khóc của bà làm cho những người ở lán nương bên cạnh chạy đến. Họ cắt dây rốn đang quấn quanh cổ tôi rời khỏi bụng mẹ bằng con dao phát nương sắc lém, quấn tôi lại bằng những mảnh áo họ cởi vội ra khi đang mặc trên người. Khi thu dọn đồ của mẹ, họ nhặt được một dải khăn dài. Họ bảo với bà đó là dải khăn mẹ đã dùng để buộc bụng trong thời gian mang thai tôi. Khi ấy đang là mùa mưa, mùa trời buông nhiều nước, nhiều đến nỗi rừng không uống nổi nữa phải nhè ra làm cho các khe núi tràn đầy.

Mẹ đã chết nên làng bản chẳng ai bắt vạ mẹ, làm khổ mẹ được nữa. Bà như cái bóng thoắt đi thoắt về tránh gặp mặt mọi người để không phải quặn lòng trước những cái nhìn soi mói, những lời nói có gai. Nhưng điều làm cho lưng của bà còng xuống, tóc của bà nhanh chóng đổi thành màu trắng lại là đôi chân của tôi. Đêm đêm trong căn nhà sàn cũ kỹ, bà chỉ còn biết ôm lấy tôi, tìm hơi ấm từ thân thể tôi để vơi đi nỗi buồn tủi trong lòng.

Bà hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra. Bà bảo nếu có chết bà cũng yên lòng vì đã kể hết mọi chuyện cần phải kể với tôi rồi. Tôi lắc đầu, bà chưa kể hết đâu vì bà không biết hết. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết được ai là bố của tôi, ai là người đã bỏ rơi để mẹ tôi phải một mình đơn độc như vậy.

Một hôm bà về nhà mặt buồn lắm. Tôi chưa kịp hỏi bà đã kể nhà anh Diêng chị Hôm chuyển nhà đi ở nơi khác rồi. Đang là chỗ hàng xóm thân thiết bây giờ chuyển đi nên bà thấy hẫng hụt như mất đi thứ gì quý giá. Tôi lẳng lặng bỏ chiếc khăn đang thêu dở nằm vật ra giường. Nước mắt tôi cứ mặc nhiên chảy ra dù tôi đã lấy hai tay kéo chặt bờ mi lại.

Bà bị ốm đã nhiều ngày rồi. Bà nằm còng queo trên giường chẳng chịu ăn gì chỉ uống hớp nước. Tôi ngồi cạnh bà thức suốt đêm không dám chợp mắt. Tôi sợ khi mở mắt ra thì bà đã nằm im mà không chào tôi. Đêm ấy sau mấy ngày ngủ vùi, bà tỉnh lại cầm lấy tay tôi gọi tên mẹ tôi. Tôi nói thầm vào tai bà: “Bà ơi, con là Ban mà”. Bà nhìn tôi một hồi lâu rồi bảo: “Ừ là con vậy mà bà cứ tưởng mẹ con về, con giống mẹ con lắm”. Rồi bà mếu máo: “May mà bà có con, sau này bà đi rồi thì con...”. Tôi không dám khóc chỉ nuốt nước mắt ừng ực vào bụng, cầm chặt tay bà, áp mặt vào đôi má nhăn nheo như quả Sơn Tra bị đem phơi nắng.

Một đêm trời không trăng không sao, gió cũng ngừng thổi, bà nhìn tôi mắt ngân ngấn nước rồi lịm đi mà không nói với tôi được vì bà mệt quá. Bàn tay bà đang túm chặt vào tay tôi cứ lỏng dần lỏng dần rồi bỗng xõa ra, thõng thượt.

Mùa mưa lại đến, như ngày còn bà tôi vẫn không ngủ vào những đêm trời buông mưa. Tôi thong thả cho thêm củi vào bếp, lửa cháy bùng lên nhưng tôi vẫn có cảm giác gai lạnh trong người. Tôi không gục đầu xuống gối mà ngẩng đầu lên, nhìn khắp mọi ngóc ngách trong nhà để mong bắt gặp bà và mẹ đang đứng ở đâu đó nhìn tôi nhưng chẳng thấy gì, chỉ thấy cái bóng của mình lẻ loi xiêu vẹo trên vách nhà cũ nát. Những lúc ấy vì nhớ bà quá không chịu được tôi lại thì thầm gọi: “Bà ơi”. Không có tiếng trả lời của bà, chỉ có tiếng mưa rơi trĩu nặng trên mái nhà và tiếng gầm gào của nước xé nhau ngoài khe núi.
Trời vẫn mưa, sao trời mưa nhiều đến thế.

HOÀNG LỆ THỦY

.