Đà Nẵng cuối tuần
Đi tìm cây đàn của P. McCartney
Với ông Paul McCartney - cựu thành viên nổi tiếng của ban nhạc một thời The Beatles - cây guitar bass đã mất của ông là vô giá. Cùng với nó, ông tạo nên những giai điệu tuyệt vời, mê đắm nhiều người như Love Me Do và Let It Be, bởi thế, việc mất nó khiến ông đau khổ trong suốt mấy chục năm sau đó.
Paul McCartney và cây guitar bass 500/1 Höfner của ông trong buổi tập dượt chuẩn bị cho tour lưu diễn tại Mỹ của Beatles năm 1964. Ảnh: POPPERFOTO/GETTY IMAGES |
Sau hơn nửa thế kỷ, vào đầu tháng 9 năm nay, một chiến dịch vận động để tìm lại cây đàn cho McCartney được những người yêu mến ông phát động. Hàng ngàn cư dân mạng đã tham gia chiến dịch này. Nhưng vì sao lại có cuộc vận động đó và câu chuyện phía sau của chiếc đàn đó - “nhân vật chính” trong sự việc được gọi là “bí mật lớn nhất trong lịch sử rock and roll” này.
Lưu luyến hơn nửa thế kỷ
Chiếc guitar bass Höfner 500/1 của Paul McCartney bị mất từ năm 1969, thời điểm ban nhạc rock huyền thoại Beatles của Anh tan rã. Beatles ra đời vào năm 1960 tại thành phố Liverpool với các thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr. Trong khoảng từ năm 1962 đến năm 1970, họ có nhiều ca khúc cũng như album “hit”, trong đó phần lớn các ca khúc do hai thành viên của nhóm là Paul McCartney và John Lennon sáng tác.
Vài chục năm trôi qua, sự mất tích bí ẩn của chiếc guitar bass, cộng với lòng yêu mến với Beatles cũng như cá nhân McCartney, những người hâm mộ thậm chí còn ví nó như chiếc Chén Thánh của nền âm nhạc pop, rock. Ngày 2-9 vừa qua, chiến dịch mang tên The Lost Bass Project (Dự án tìm cây bass bị mất) đã được phát động, nhằm thu thập thông tin để tìm lại cây đàn của Paul McCartney. Ngoài sự trợ giúp của một trang web cùng chiến dịch truyền thông trên báo chí quốc tế, mã chủ đề “#tracingthebass” cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
Nhưng tại sao sau hơn nửa thế kỷ, người ta lại phát động một chiến dịch như vậy? Ông Nick Wass, cố vấn kiêm cựu giám đốc marketing của nhà sản xuất thủ công các loại đàn bộ dây Höfner nổi tiếng của Đức, lý giải: “Vài năm trước, tôi có tới thăm phòng thu của ông Paul ở Sussex, Anh, để chỉnh sửa nhạc cụ cho ông ấy. McCartney có hỏi tôi là “anh có biết cái guitar bass đầu tiên của tôi đi đâu rồi không?”. Tôi cảm thấy nó thật nhiều ý nghĩa với ông ấy, vậy nên tôi bắt đầu tìm kiếm - nhưng nhạc cụ đó có thể đang ở một nơi nào đó trên thế giới. Tôi đã hợp tác với hai cựu nhà báo Anh là Scott và Naomi Jones, những người có nhiều mối quan hệ và chiến dịch này đã bắt đầu như thế”.
Phải lòng từ lúc mua
Khi một nhạc sĩ có thể chơi chuyên nghiệp nhiều nhạc cụ nhưng vẫn không thể quên chiếc Höfner 500/1 của mình, người ta hiểu rằng chiếc guitar bass ấy đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời ông.
Hồi nhóm Beatles mới hoạt động, ông McCartney chơi guitar trong khi nghệ sĩ người Scotland Stuart Sutcliffe chơi guitar bass. Tuy nhiên sau khi Stuart Sutcliffe rời nhóm vào năm 1961 để theo đuổi sự nghiệp riêng, McCartney bất đắc dĩ trở thành tay bass của ban nhạc và tiếp quản chiếc guitar bass của Stuart Sutcliffe. Tuy nhiên trong một lần tới thành phố cảng Hamburg của Đức với 3 người bạn, McCartney bắt gặp một cây guitar semi-acoustic màu đen rất nhẹ. “Hai bên đường cong đối xứng trên thân đàn gợi nhớ tới một chiếc violin có thể khiến những người chơi thuận tay trái như Paul có thể chơi được”, ông Wass chia sẻ thêm với báo Le Monde của Pháp.
Chưa kể, vào thời điểm ấy, một chiếc guitar nhỏ của nhà sản xuất Đức cũng có giá phải chăng hơn (có giá 30 bảng Anh lúc đó), không đắt như những mẫu đàn nặng hơn của Mỹ. “Ngay khi mua nó, tôi đã phải lòng nó rồi”, McCartney đã từng nói về cây đàn đặc biệt này trong cuốn The Beatles Diary. An Intimate Day-by-Day History (Hors Collection, 2000) của Barry Miles.
Trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1963, McCartney cùng với cây bass của ông không chỉ tạo nên những âm thanh tuyệt vời cho ban nhạc, mà còn tạo ra những ca khúc huyền thoại của Beatles. Cùng với nó, ông thu âm hai album đầu tiên của ban nhạc là Please Me và With the Beatles vào năm 1963 và sáng tác các ca khúc She Loves You và Love Me Do. Chiếc guitar bass Höfner 500/1 đã theo ông tới mọi nơi, từ lúc thu album Abbey Road của nhóm cho tới các tour lưu diễn khắp thế giới. Vào năm 1963, một chiếc bass Höfner mới được gửi tới trong lúc chiếc Höfner 500/1 đang cần sửa chữa.
Theo lời kể của ông Wass, chiếc đàn của McCartney được sửa xong vào năm 1964 và có thay đổi chút ít, cụ thể là nó được sơn màu vàng. McCartney dùng nó làm chiếc bass dự phòng cho tới năm 1965 và cho tới lúc biến mất, ông đã dùng nó được 8 năm. Cũng vào khoảng năm 1965 đó, Beatles bắt đầu kiệt sức với quá nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt thái quá và những chương trình biểu diễn mệt mỏi. “Họ chán nản vì được nhìn nhận như là một nhóm nhạc rock and roll chứ không phải một nhóm nhạc rock thực sự”, ông Wass giải thích thêm. “Họ đã quyết định dừng lưu diễn, thay đổi kiểu tóc và diện mạo”.
Paul McCartney sinh ngày 18-6-1942, là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất phim và thu âm nổi tiếng người Anh. Ông là một trong các giọng ca chính, cũng là người đồng sáng tác và chơi guitar bass của ban nhạc. Ông và John Lennon đã trở thành bộ đôi sáng tác vĩ đại nhất trong lịch sử. Sau khi nhóm Beatles tan rã, McCartney theo đuổi sự nghiệp riêng và thành lập ban nhạc Wings. Là một nhạc sĩ tự học nhưng McCartney có thể chơi thành thạo các nhạc cụ như guitar, guitar bass, organ và trống. |
TRẦN ĐẮC LUÂN