Đà Nẵng cuối tuần

VĂN HÓA LÀNG

Chung sức lo việc làng

13:56, 24/09/2023 (GMT+7)

Việc cùng nhau tổ chức sự kiện, lễ hội đình làng hoặc phát triển kinh tế nông thôn góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thể hiện văn hóa đặc trưng của mối quan hệ làng xã.

Cộng đồng người Cơ tu chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: T.Y
Cộng đồng người Cơ tu chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: T.Y

Truyền cảm hứng cho làng làm du lịch

Mỗi lần ghé thăm homestay A Lăng Như (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), chúng tôi đều thấy anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí đang tất bật hỗ trợ các dự án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Chừng 5 năm trước, thời điểm UBND huyện Hòa Vang khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái, anh Như xung phong mở điểm du lịch cộng đồng đầu tiên tại huyện Hòa Vang nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Đặc biệt, khi homestay bắt đầu hoạt động cuối năm 2019, ngoài làm chủ, anh kiêm luôn người hướng dẫn, thuyết trình, chuẩn bị món ăn lẫn giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đồng bào Cơ tu. Anh chia sẻ, để có thể tự tin đứng trước đám đông giới thiệu mảnh đất, con người Hòa Bắc, anh không ngại tham gia các lớp tập huấn do thành phố tổ chức, cũng như dành thời gian tìm hiểu thêm về văn hóa, nếp sống của cộng đồng mình.

Homestay A Lăng Như có diện tích khoảng 500m2, được anh Như xây dựng trên mảnh đất sau nhà nhằm tiết kiệm chi phí. Cổng vào khá đơn giản, mộc mạc với hàng rào gỗ tạp và chè dây. Để tạo nét mới cho địa chỉ mình dày công đầu tư, anh sưu tập, bày biện những vật dụng sinh hoạt gần gũi với nếp sống hằng ngày của người Cơ tu. Điều này giúp du khách có dịp trải nghiệm và hiểu hơn về đời sống người đồng bào. Bên cạnh khu nhà lưu trú nằm bên bờ suối là sân cỏ rộng thoáng phục vụ khách đốt lửa trại, vui chơi, sinh hoạt tập thể và thưởng thức những món ăn bình dị như ốc suối, bánh sừng trâu, gà đồi nướng, cơm lam, cá niên, rau dớn xào tỏi… 

Anh kể, quyết định làm homestay, bước đầu anh gặp khó khăn về vốn và không nhận sự ủng hộ từ gia đình. “Khi ấy cả làng mình có biết homestay là gì đâu. Gia đình cản, hàng xóm cản, người thân cũng nói ra nói vào khi nghe mình đi vay mấy trăm triệu về xây dịch vụ lưu trú. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm làm với niềm khao khát người Cơ tu có thể phát triển kinh tế du lịch, nông nghiệp tại địa phương”, anh Như chia sẻ.

Ý tưởng mở homestay xuất phát từ lần anh Như thấy du khách từ phố lên Hòa Bắc tắm suối, nhưng không tìm được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống. Anh cho hay, ban đầu chỉ nhìn thấy lợi nhuận, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy trăm việc khó, nhất là khoảng thời gian 2 năm ảnh hưởng Covid-19. May mắn, gần 1 năm nay du lịch phục hồi, lượng khách đến homestay tăng lên đáng kể. Để có thể phục vụ du khách tốt hơn, anh đứng ra thành lập Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homstay do anh làm tổ trưởng, gồm 45 người, chia thành các nhóm như: văn nghệ, ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan đát, điêu khắc gỗ. Giờ đây, mỗi khi có khách ghé thăm Hòa Bắc, anh Như lại khoác lên người bộ trang phục truyền thống tiếp đón, giới thiệu văn hóa bản làng.

Anh nói, thành công bước đầu của mô hình du lịch homestay A Lăng Như góp phần truyền cảm hứng cho người Cơ tu sinh sống tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí làm du lịch. “Người Cơ tu làm nhiều hơn nói, nên muốn để dân tin, dân theo, phải làm trước nói sau. May mắn tôi được dân tin tưởng, động viên nên thuận lợi trong việc kêu gọi, vận động, mới đây nhất là kêu gọi người đồng bào Cơ tu tham gia vào chiến dịch “Người Cơ tu giữ rừng”, thuộc hương trình “Bring the forest back to life” (tạm dịch: Mang rừng về nguyên bản) do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp Viện Gustav-Stresemann (GSI, Đức) tổ chức. Hoạt động khởi động cho nhằm mục tiêu gây quỹ hỗ trợ cộng đồng người Cơ tu tại xã Hòa Bắc, trồng 60.000 cây gỗ lớn thay cho trồng keo (tương đương với 50ha rừng cây bản địa). Đây là một trong những dự án được người dân mong đợi bởi học tập - trải nghiệm - chia sẻ - kết nối - giữ gìn tài nguyên rừng là yếu tố quan trọng duy trì du lịch cộng đồng dài lâu và bền vững. Tôi luôn nói với người làng mình rằng, muốn giữ gìn giá trị văn hóa bền vững của người Cơ tu, qua đó phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm có thu nhập, chúng ta cần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, nơi người dân chung tay tổ chức sự kiện, lễ hội và những hoạt động có ích cho cộng đồng, làng xã”, anh Như đúc kết.

Với cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Bắc, Đinh Văn Như giống sợi dây kết nối và lan tỏa năng lượng tích cực. Nhất là khi làng có hội, dưới sự hướng dẫn của anh, người dân chung tay chuẩn bị mâm cỗ, khoác lên mình trang phục truyền thống tiếp đón khách phương xa. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng khẳng định, trong hoạt động bảo tồn, phát triển, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống cũng như xây dựng mô hình du lịch cộng đồng của người Cơ tu, rất cần những nhân tố bản địa hết lòng vì cộng đồng, làng xã như anh Đinh Văn Như. Bởi lẽ, người Cơ tu có thói quen nhìn trước - làm sau, nghe trước - thực hành sau và hơn hết, họ cần người dẫn đường uy tín như anh.
Dồn sức cho việc chung

Hơn 20 năm dồn tâm sức cho việc bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng dân gian vùng biển, lão ngư Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được người dân ví von là “kho nghi thức” của làng. Hầu như lễ cúng nào, ông cũng đóng vai trò chủ tế. Theo ông, đích đến của tục thờ cúng là cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt và thể hiện lòng biết ơn đối với các thế lực siêu nhiên (các vị thần trong vũ trụ) đã che chở họ suốt những năm tháng hành nghề.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho rằng, các bước cúng tế của người dân vùng biển rất đa dạng và chỉn chu, thể hiện sự nghiêm túc, trân quý của người dân đối với tín ngưỡng dân gian. Như, bên cạnh lễ cầu ngư, người làng biển còn có nhiều nghi lễ gắn với quá trình hành nghề, như phạt mộc, giáp ghim, hạ thủy, khai quang điểm nhãn, đưa dăm tống mộc, lễ cúng sương mành, lễ nhúng nghề, lễ tất niên thuyền, cúng cáo thủy và nhiều nghi lễ xung quanh công việc đánh bắt cá như lễ cầu bông cầu ba (cầu mùa), lễ cúng tạ, lễ tống cói, lễ cúng vũng, cúng vịnh… Vì lẽ đó, làng có một người am hiểu nghi thức thờ cúng như ông Minh là điều đáng quý.

Là chủ 2 con tàu công suất lớn khai thác ngư trường Hoàng Sa, lão ngư Cao Văn Minh rành rẽ mọi lễ nghi và phong tục trên biển. Hàng chục năm lênh đênh trên biển giúp ông rành rẽ từng con sóng, từng áng mây. Chất liệu cuộc sống, nghề nghiệp và văn hóa tín ngưỡng ấy được ông truyền tải đầy đủ trong kịch bản dân ca, bài chòi “Hồn biển” do mình chấp bút năm 2021. Ông kể, trước khi viết kịch bản này, ông đã mời các vị cao niên làng biển tới nhà chuyện trò, hỏi thêm những góc khuất cũng như vinh quang của nghề. Nhờ đó, mỗi ngư dân, theo cách của mình đã đóng góp câu chuyện vào kịch bản “Hồn biển” gồm 3 phần, 13 cảnh. Điều đặc biệt, những “diễn viên” biểu diễn tác phẩm kịch dân ca, bài chòi “Hồn biển” ở lễ hội cầu ngư hằng năm phần lớn là người dân, ngư dân đang sinh sống trên địa bàn phường Nại Hiên Đông.

“Theo tôi, nét đẹp của người dân làng biển là tính cố kết cộng đồng, thể hiện qua sự giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, trong các dịp cúng tế theo nghi thức tín ngưỡng dân gian truyền thống, mỗi người dân - với trách nhiệm của mình - đã đóng góp từ kinh phí đến con người để hoạt động diễn ra trọn vẹn, đoàn kết và vui vẻ. Có lần, cần phải huy động gấp 30 ngư dân trẻ tham gia hỗ trợ lễ hội cầu ngư, tôi chỉ cần nhấc điện thoại lên là có ngay danh sách”, ông Minh vui vẻ nói.

Có thể nói, tinh thần cố kết cộng đồng là mạch nguồn văn hóa xuyên suốt của người Việt bao đời nay. Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, thành phố luôn khuyến khích người dân phát huy tính liên kết cộng đồng, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời tạo điều kiện để người dân tổ chức các lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư… Theo ông Vỹ, mỗi lễ hội là dịp để người dân gắn kết, chung sức tạo nên những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng làng xã, khu dân cư. Và hơn hết, người dân chính là nhân tố quan trọng góp phần gìn giữ những thuần phong mỹ tục, những quy ước xây dựng làng xã văn hóa, gia đình văn hóa trên tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng phát huy thế mạnh của cộng đồng dân cư.

TIỂU YẾN

.