Đà Nẵng cuối tuần
Mùa gặt vắt trong nỗi nhớ
“Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát...” Tôi nghe lại những câu từ ấy trong một thoáng tình cờ trên chuyến xe xuôi phố. Khúc ca giản dị một thuở say sưa tôi, nhưng bây giờ nó đã như một chuyến đò để ngược bến sông nay đưa tôi trở về miền xưa cũ, về với một thuở mênh mang của cánh đồng đang nao nức trong mùa gặt.
Trời đang thu... Mùa thu ở xứ phố này ước lệ bởi hương thơm nồng nàn của hoa sữa, của mùa cốm ý vị trong thớ lá sen xanh, của heo may se lạnh như tấm khăn quàng vào những con phố dài. Còn nơi chốn quê, sắc màu bình yên, dung dị vẫn chủ đạo nơi bức tranh thu. Mùa thu gắn với mùa lúa vụ Hè Thu đã đến độ.
Những ngày ấu thơ xa xăm, tôi cứ hay cảm nhận dòng chảy của thời gian bằng những sự vật bình dị ở quê. Những bông lúa Hè Thu đã nương vàng tay bố mẹ, ấy là khi tháng Tám đã điểm ngày, năm đã trôi về khoảng cuối. Mùa thu ấy, cả làng quê tôi dâng ngập trong sắc vàng của cánh đồng. Vẫn là cái bầu không gian ấy, nhưng sắc vàng của mùa lúa tháng Chín, tháng Mười có những nét điệu riêng so với mùa lúa tháng Năm. Màu vàng vẫn bất tận, vẫn bao dung, lúa từng bông vẫn sáng dài sóng soãi kê mái vào nhau nhưng có lẽ bởi sắc nắng thu vàng như rót mật mà cánh đồng vàng cũng dìu dịu và nhẹ nhàng hơn trong sắc độ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Những sáng thu xưa nghỉ học, tôi hay theo chân mẹ ra đồng gặt lúa. Những bước chân thoăn thoắt trên con đường làng nhộn nhịp, chộn rộn niềm vui. Phải rồi, mùa vàng, mùa của hạnh phúc! Trong bảng lảng sương thu, chờ khi đến gần giữa buổi ánh mặt trời mới lộ dạng và phơi hong cánh đồng. Tôi tập tành những nhát liềm đầu tiên đầy vụng về, rồi cẩn thận để thành ôm cho mẹ gom bó thành bòn. Dấu liềm in vết rơm xơ.
Mùi hương của lúa chín ròng, của cỏ thu sang, của bùn non, của bờ ruộng, hương mặn của mồ hôi quyện vào lời gió; chúng hòa quyện lại, chưng cất nên một dư vị rất riêng của làng quê mùa gặt. Để rồi, khi say sưa trong mùi hương đó từ nhiều góc cạnh mà ta sẽ có những cảm nhận khác nhau. Có thể, những đứa trẻ sẽ cảm giác đó là hương mùi xót và tanh; người nông dân biết ơn và hạnh phúc bởi mùi hương đó; người tha hương lại men vào hương vị ấy để chạm vào nỗi khắc khoải nhớ hồn quê... Chính mùi hương đó đã làm đầy nơi lồng ngực tôi, và khi đã rong ruổi theo phía giấc mơ nơi phố thị, lúc thương nhớ, hương mùa ấy lại rộn lên.
Nơi ruộng lúa chín tới khô vàng, hai mẹ con tôi say sưa gặt mùa. Thi thoảng, mẹ đứng thẳng người dậy để hong lấy gió đồng. Trời thu dìu dịu nhưng mồ hôi mẹ vẫn ướt đẫm mảnh vai. Chiếc nón mê vì thế là công cụ để mẹ khoát gió. Tôi cứ nhớ cái hình ảnh ấy. Chiếc nón nhấp nhô thành điệu, ấy như một nét cọ mỏng đầy tính điểm xuyết nhưng nhờ nó mà bức tranh mới trở nên hoàn mĩ. Để rồi, đi qua bao mùa gặt, nơi những góc nhà mẹ vẫn để chiếc nón cẩn thận dẫu nó đã mòn phai. Nhiều lần, tôi đã hỏi mẹ rằng: “Nón đã phai bạc lắm rồi, răng mẹ vẫn giữ mãi mần chi?”. Mẹ mỉm cười rồi tâm tình với tôi rằng: “Con ạ, sau này con sẽ hiểu, chiếc nón dẫu đã mòn phai nhưng nó là người đồng hành với mẹ, chở che mẹ qua bao nắng mưa nơi ruộng đồng...”.
Con đường sông kia cũng tràn ngập sắc vàng. Rơm đồng phủ đầy làm xơ ngọt cả con đường cằn khô sỏi đá. Những xe lúa chất đầy đang chờ người nông dân chuyên chở về làng. Gió thênh thang mang gửi những tình ca ngọt ngào. Gió làm vơi đi mặn mòi mồ hôi bết bát nơi tóc mẹ. Nơi những góc sân, khoảng trời tươm nắng, những hạt thóc hình thoi chắc nịch. Tôi nhớ những bữa cơm ngày mùa bên mẹ, những bữa cơm thơm thảo mùi mùa mới.
Mùi ấy khô dần rồi phảng, rồi đong đầy mái nhà thân thuộc. Để rồi, sau những ngày mùa mẹ tôi lại thành kính làm mâm cơm nấu từ gạo mới dâng lên bàn thờ tiên tổ.
Cánh đồng mùa gặt đẹp như một giấc mơ. Miền quê mùa thóc đến đẹp như những vần thơ. Tôi cứ nhớ để rồi cứ một mình say sưa nơi thành phố đô hội. Đó chẳng phải là một “Mùa thu vàng” của họa sĩ Levitan, mà đó là một “mùa thu vàng” của những con người với hết thảy niềm yêu cuộc sống, yêu hồn quê kết dệt nên. Họ là những người nông dân thuần hậu chân chất, âu cũng là những họa sĩ ngày mùa tài hoa...
“Qua phố đi, giấc mơ sẽ bay thật xa...!” Tôi nghe tiếng gọi đó và rồi cũng đã đi theo tiếng gọi đó. Nhưng bấy lâu nay dù cố gắng nhưng tôi vẫn không đổi được giọng quê, chất giọng miền Trung thật thà vẫn cứ đưa tôi đến với những con người nhiều điều thú vị. Chẳng biết bao giờ giấc mơ ấy trở thành sự thực, nhưng quyền tôi, tôi cứ cho mình như là một quả lắc, để dao đi dao lại giữa hiện tại và quá khứ, giữa phố thị và thôn quê...
TRẦN VIỆT HOÀNG