Đà Nẵng cuối tuần
Giữ mái đình giữa phố
Nằm giữa trung tâm thành phố náo nhiệt, những đình làng cổ xưa là chứng tích lịch sử ghi dấu chân khai hoang lập ấp của các bậc tiền nhân. Dưới những vòm mái ngói âm dương rêu phong vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật và lễ hội dân gian địa phương có giá trị văn hóa lịch sử, qua đó nhắc nhở chúng ta luôn biết quý trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau.
Đình làng Thạc Gián vẫn giữ được nét cổ xưa sau khi được trùng tu. Ảnh Đ.H.L |
Chung tay giữ “nếp làng”
Tìm về đình làng Hải Châu giữa mùa thu nắng vàng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ phụ trách văn hóa thông tin của UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), là một trong những người có thâm niên gắn bó với lễ hội đình làng Hải Châu hiện nay. Cứ vào ngày 8, 9 tháng 3 âm lịch hằng năm, ông Minh cùng Hội Người cao tuổi của phường đứng ra đảm nhiệm việc giới thiệu cho ban tổ chức các cụ cao niên bảo đảm sức khỏe, mẫu mực trong gia đình và có uy tín trong khu dân cư tham gia lễ chánh bái. Bên cạnh đó, mời gọi các đoàn viên, thanh niên các trường học trên địa bàn tham gia học trò dâng lễ.
Chia sẻ về công tác tổ chức lễ hội, ông Minh cho biết, đến nay ông đã làm công việc viết văn tế và chủ tế được hơn 13 năm. Đây là công việc khá vất vả vì phải hiểu chữ Hán - Nôm bởi văn tế trong nghi lễ phải thuần Việt thì mới đem đến sự thành kính cho mọi người. Chương trình lễ hội đình làng Hải Châu được thực hiện thuần túy theo dân gian, trong đó đáng chú ý là lễ thả chim bồ câu cầu quốc thái dân an và thả hoa đăng trên hồ sen đình làng. Về phần hội, ban tổ chức tổ chức nhiều cuộc thi nhằm thu hút người dân tham gia như thi vẽ tranh, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, múa rối nước... Tất cả các hoạt động đều được thực hiện xã hội hóa. Đặc biệt, trước đây, lễ hội có thêm hoạt động biểu diễn tuồng của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhưng sau thời điểm Covid-19 bùng phát, hoạt động này không còn duy trì do khó khăn về kinh phí.
“Sợ mai một các lễ hội, sau khi đình làng Hải Châu được công nhận di tích cấp quốc gia thì các lễ hội lập tức được phục dựng lại theo nghi thức truyền thống. Các nghi lễ vẫn giữ được như xưa nhưng nội dung các hoạt động của phần hội luôn thay đổi luân phiên hằng năm cho mới mẻ để thu hút người dân tham gia, trong đó có các cuộc thi như làm bánh chưng, bánh tét, têm trầu cánh phượng, làm hoa quả dâng cúng tổ tiên, qua đó giúp thế hệ trẻ tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân khai hoang lập ấp”, ông Minh bộc bạch.
Là người có thâm niên hơn 14 năm tham gia học trò gia lễ, em Bùi Anh Tú, Phó Bí thư Đoàn phường Hải Châu cho biết, cứ vào dịp lễ hội đình làng, em cảm thấy rất vinh dự khi được ban tổ chức chọn tham gia vào đội hình bưng lễ vật theo nghi thức của làng. “Đội bưng lễ gồm có 10 người mặc áo dài và đội mũ học trò gia lễ. Chúng em được tập luyện kỹ càng về cách bưng lễ vật sao cho đều và đẹp, đồng thời hỗ trợ các hoạt động tại lễ hội như thắp hương, dâng lễ… Nhờ đó, em hiểu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc của ông cha ta ngày xưa và biết ơn các vị tiền nhân”, Tú chia sẻ.
Khác với các đình làng ở nông thôn, hiện nay đình làng Hải Châu không còn con cháu dòng họ sống xung quanh đình do họ di cư nơi khác nên không tham gia tổ chức lễ hội cùng với địa phương, thậm chí địa phương có gửi thư mời nhưng vẫn không về dự được. Nhiều người chỉ quay về dâng hương khi có dịp vào ngày rằm, mồng 1 để giải bày tâm linh. Do đó, để lễ hội đến rộng rãi hơn với người dân và du khách thập phương, theo ông Minh, cần có sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan về công tác truyền thông. Đình làng Hải Châu là di tích cấp quốc gia nên việc sửa chữa phải có ý kiến từ cấp sở và bộ. Đây cũng là khó khăn của địa phương trong công tác quản lý khi các hạng mục bị xuống cấp.
Với nhiều năm trông coi và tham gia lễ hội đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê), ông Nguyễn Ngọc Mạnh cho biết, ngày xưa, cứ 2 năm/lần, đình làng tổ chức lễ hội vào ngày 16-2 âm lịch trong ngày tế xuân. Đến năm 2011, lễ hội chuyển sang tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch, vừa làm lễ tế xuân vừa giỗ tổ Hùng Vương. Tuy nhiên, đến năm 2023, ông Mạnh đã đề xuất cấp trên quay trở lại tổ chức lễ hội vào ngày 16-2 âm lịch theo tục lệ xưa.
“Năm nay, lễ hội đình làng Thạc Gián được tổ chức hai ngày. Vào ngày 15-2 âm lịch, tổ chức dâng mâm ngũ quả, lễ tế cáo trời đất, lễ vọng, lễ tế âm linh và thi viết chữ đẹp, vật tay, têm trầu cánh phượng. Trong ngày 16-2 âm lịch, lễ hội mới diễn ra chính thức, trong đó tổ chức các hoạt động như dâng bánh truyền thống, đánh trống khai hội, lễ thả chim bồ câu, lễ tế xuân, lễ tế tiền hiền, biểu diễn trống hội múa lân và thi nướng bánh tráng, nấu xôi, đập om, viết thư pháp, bịt mắt bắt vịt… Tuy nhiên, thời gian tổ chức giữa các ghi lễ và phần hội quá sát nhau đã làm ảnh hưởng đến sự tôn kính khi tế lễ. Do đó, cần sắp xếp lại thời gian tổ chức các hoạt động lễ hội sao cho hợp lý hơn”, ông Mạnh đề xuất.
Thận trọng trong việc trùng tu di tích
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 47 di tích đình làng được xếp hạng, trong đó có 5 đình làng được xếp hạng cấp quốc gia, 42 đình làng được xếp hạng cấp thành phố.
Nói về giá trị văn hóa đình làng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là thành phố có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Điều này được thể hiện qua việc còn lại nhiều di tích đình làng có giá trị lịch sử văn hóa gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương. Các đình làng là nơi thờ các vị thần hoàng, tiền hiền, hậu hiền, các chư phái tộc và mang đậm phong tục tập quán tín ngưỡng của mỗi làng. Hằng năm, các đình làng đều có lễ hội thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với các tiền nhân đã có công khai hoang lập làng. Để thực hiện tốt công tác quản lý, trong thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã tham mưu Sở Văn hóa - Thể thao dự thảo quy chế phân cấp quản lý di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sở Văn hóa - Thể thao đã trình UBND thành phố phê duyệt Quyết định số 5009/QĐ-UBND ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.
Đối với di tích cấp quốc gia, thành phố giao UBND quận, huyện quản lý; đối với di tích cấp thành phố thì giao UBND phường/xã quản lý. Nhờ đó, các ban quản lý di tích phát huy được vai trò của mình và quan tâm bảo quản, gìn giữ môi trường đình làng xanh - sạch - đẹp. Hằng năm, thành phố cấp 35 triệu đồng cho các di tích cấp thành phố và 100 triệu đồng cho các di tích cấp quốc gia để thực hiện công việc hương khói và cử người trực khi có khách hoặc con cháu đến tham quan và dâng hương. Bên cạnh đó, thành phố còn chú trọng đến công tác tu bổ, phục hồi.
Hiện nay, việc bảo tồn các yếu tố gốc của di tích được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình 3 bước: Thứ nhất, lấy ý kiến cộng đồng đối với bản phác thảo, sau đó đơn vị tư vấn sẽ hoàn thiện lại hồ sơ bản vẽ kỹ thuật 2D, 3D. Thứ hai, lấy ý kiến lần hai để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trước khi trình bộ thẩm định. Thứ ba, các đơn vị quản lý sẽ nghe đơn vị thiết kế phân tích, báo cáo bản vẽ chi tiết và có sự thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng. Đối với công trình 20 năm thì sẽ tiến hành sửa chữa, công trình 50 năm thì trùng tu, còn công trình trên 100 năm thì tiến hành đại trùng tu.
“Nhờ làm tốt công tác này mà thời gian gần đây, nhiều công trình đình làng được trùng tu như đình làng Nam Ô, đình làng Hải Châu, đình làng Bồ Bản… được cộng đồng và người dân địa phương đánh giá cao về chất lượng công trình. Đặc biệt, việc coi trọng ý kiến cộng đồng không chỉ giúp làm tốt công tác trùng tu mà còn giúp người dân hiểu sâu hơn về những công trình họ đang thụ hưởng”, ông Thiện nhấn mạnh.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG