Đà Nẵng cuối tuần
Giữ nếp làng
Trong đời sống của người Việt từ xưa đến nay, những giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng. Người Việt dù ở đâu cũng sống và tổ chức lối sống theo nguyên tắc trọng tình, trọng nghĩa; ý thức cao trong việc gìn giữ nền nếp, gia phong của dòng tộc, họ hàng, hay vun vén để gắn kết mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Các bậc cao niên trong làng đứng ra cử hành Lễ rước sắc phong tại đình làng Túy Loan. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Nắm giữ vai trò kết nối và kế thừa các giá trị ấy, nếp làng với những phong tục, tập quán lâu đời, được truyền thừa qua nhiều thế hệ vẫn luôn được xem là phần tinh hoa của văn hóa dân tộc.
Mạch nguồn vẫn chảy
Cách trung tâm thành phố gần 20km về phía tây nam, bên dòng sông Túy Loan thơ mộng, đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) với màu mái ngói thâm nâu và vẻ trang nghiêm cổ kính như càng tôn lên vẻ đẹp yên bình, nên thơ của một trong những ngôi làng có tuổi đời cổ xưa nhất ở Đà Nẵng. Theo sử sách ghi lại, Đình lập ra để thờ thần, Thành hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan.
Đình làng Túy Loan hiện nay mô phỏng lại kiểu kiến trúc thời Nguyễn với vật liệu chủ yếu để xây dựng là gạch, vôi và gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường dày 30cm. Những ghi chép cụ thể, chi tiết về lịch sử hình thành và gìn giữ đền làng Túy Loan có giá trị lớn trong việc lưu giữ lại một phần lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành làng cổ Túy Loan xưa, nay là thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Một trong những điều tự hào mà người dân ở làng Túy Loan vẫn thường nhắc đến mỗi khi kể về lịch sử của Đình làng Túy Loan, đó là 25 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban tặng. Hình ảnh về “cây đa, bến nước, sân đình”, những biểu tượng cho làng quê truyền thống của Việt Nam vẫn hiển hiện rõ nét khi ở khu vực đình làng Túy Loan.
Ông Đặng Công Báng (72 tuổi, ở thôn Túy Loan Đông 2), hiện là Chánh Hội chủ Làng Túy Loan, cho biết, hằng năm, Đình làng Túy Loan là nơi diễn ra 2 lễ lớn là lễ tế xuân và tế thu (vào các ngày 14 và 15 tháng 2) để cầu quốc thái dân an (gọi tắt là cầu an), cầu cho người dân quanh năm làm ăn lao động sản xuất được mùa no đủ. Sau phần lễ tế là phần hội với các hoạt động vui chơi dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước như kéo co, nhảy dây, đập om, thi các loại đẩy cây, nấu cơm, cờ tướng… Có năm tổ chức hát bội, hò khoan đối đáp, tổ chức chơi bài chòi… Sau các buổi lễ, người dân trong làng tập trung tại sân đình cùng nhau ăn bữa cơm do chính người dân trong làng cùng nhau bày soạn với ý nghĩa tăng cường sự đoàn kết của cả cộng đồng, đây là một nét đẹp văn hóa của nếp làng Túy Loan. Với sự long trọng và ý nghĩa đó, hằng năm, vào mỗi dịp làng tổ chức lễ hội thì con cháu trong làng dù làm ăn, sinh sống ở tứ xứ đều tụ hội về làng để tạ lễ tổ tông và gặp gỡ anh em.
Bởi thế mà với chị Đặng Thị Hoài (SN 1982, ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), dù đi đâu, làm gì thì mỗi năm khi đến ngày diễn ra hội làng, chị đều tranh thủ về quê. Làng vì thế trở nên đông vui và ấm áp hơn.
Kế thừa và gìn giữ
Khi cơn gió của nền kinh tế thị trường thổi tới, khái niệm làng được thay thế bởi những tên gọi khác như phường, xã với những quy định và cách thức hoạt động mới. Nhiều nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các ngôi làng Việt, điển hình là nền nếp sinh hoạt cộng đồng, vì thế dần bị mất đi để thay bằng thói quen sinh hoạt ở quy mô nhỏ của các gia đình, không gian sinh hoạt chuyển từ sân đình rộng thoáng chuyển sang sự riêng tư với những ngôi nhà có tường rào bao quanh kín mít như thường thấy. Đi cùng với lề lối sinh hoạt mới, các giá trị đạo đức và văn hóa ứng xử truyền thống cũng không còn vẹn nguyên như trước.
Nhưng bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương, sự đồng thuận cao của nhân dân những “cây đa, bến nước, sân đình” vẫn được lưu giữ, những lễ hội truyền thống như Lễ hội Đình làng Hải Châu, Lễ hội Đình làng Túy Loan… được phục dựng và duy trì tổ chức hằng năm một cách bài bản, chỉn chu và trang trọng. Qua đó, đã góp phần giữ vai trò nền tảng vững chắc cho việc duy trì các lễ hội văn hóa, văn nghệ dân gian sôi nổi, giàu bản sắc, góp phần gìn giữ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời, trở thành điểm nhấn nổi bật, thúc đẩy đến phát triển du lịch tâm linh, truyền thống tại Đà Nẵng.
Từ khi lễ hội Đình làng Túy Loan được các cấp ngành quan tâm, tổ chức thường niên đã quy tụ được đông đảo bà con trong vùng hướng về cội nguồn. Thông qua lễ hội, bà con nhân dân, nhất là thế hệ trẻ càng hiểu thêm sâu sắc về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tinh thần đoàn kết toàn dân. Họ cũng biết trân quý và có ý thức xây dựng dòng họ, dòng tộc. Để gìn giữ những truyền thống quý giá này, ngay từ bây giờ, chúng tôi đã lựa chọn thế hệ kế cận để tiếp nối việc gìn giữ nếp làng”, ông Đặng Công Báng (72 tuổi, ở thôn Túy Loan Đông 2) Chánh Hội chủ Làng Túy Loan bày tỏ.
Bên cạnh đó, theo những người lớn tuổi, có vai trò quan trọng trong gìn giữ các giá trị truyền thống như ông Đặng Công Báng, bác Trần Sự thì từ xa xưa, làng của người Việt vốn được tạo nên bởi mối quan hệ cộng đồng bền chặt, chính vì thế, muốn giữ lấy nếp làng, đầu tiên cần phải xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong toàn dân. Nhiều năm qua, từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng gia đình văn hóa đã tạo hiệu quả tích cực, đẩy lùi các nguy cơ suy đồi trong đạo đức, lối sống.
Từ phong trào đó, vai trò của những người đứng đầu thôn xóm, dòng họ, gia đình được đề cao. Hay từ phong trào xây dựng nông thôn mới những thuần phong, mỹ tục của làng bị lãng quên nay được chú trọng khôi phục và phát huy giá trị trong cộng đồng dân cư. Làng và nếp sinh hoạt văn hóa của làng nhờ đó đã và đang tạo nên những giá trị tinh thần, vật chất quan trọng cho sự phát triển chung của xã hội. Xã hội càng phát triển thì các giá trị truyền thống cần được gìn giữ và phát huy. Nếp làng, vì thế cần phải được gìn giữ.
KHÁNH HÒA