Đà Nẵng cuối tuần
Mấy khúc ngậm ngùi
Cơn mưa nhẹ bay trong trời chiều lay lắt gió, những bụi mưa đậu hững hờ lên mái tóc lơ thơ của má. Tôi chạnh lòng nhìn tấm lưng còng như đang khắc vào trời chiều một dấu chấm hỏi cô độc.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Mình về thôi má, muộn rồi! Tôi khẽ nói.
Má lập cập đứng dậy, đôi chân tê cứng khiến má nhăn nhó. Phải mất vài giây cho các cơ thẳng thớm, một tay vịn tay tôi, mắt không rời ngôi nhà đang run rẩy trước những cú va đập mạnh.
Tiếng xe múc với cái cần trục va vào vách tường nhà ầm ào, tiếng gãy đổ của những cây cột răng rắc, tiếng mưa rơi lộp bộp trên những mảnh tôn dùng che tạm mấy thứ đồ lỉnh kỉnh của đội thợ… Thứ tiếng nào cũng dọc ngang lòng má một vết thương. Má nhìn từng kỷ niệm của gia đình mình bị vùi sâu dưới mớ xà bần, nghe tim buốt rát. Trời này, đất này, có ai đau nỗi đau như má.
Nhà ngoại được bốn người con, hai trai, hai gái. Má là chị đầu, sau má là cậu Ba, rồi tới dì Bốn và cậu Út.
Cậu Ba bất phước, thanh xuân mãi neo lại nơi chiến trường khốc liệt. Hành trang mang theo chỉ vài bức thư tay của gia đình và bóng hình người thương nơi xa xôi đất Bắc.
Dì Bốn với cậu Út được mẹ đùm bọc cưu mang, ai cũng học hành đến nơi đến chốn. Dì theo chồng ra phố, cuộc sống trung lưu nhàn hạ. Cậu Út lập nghiệp miền Nam, vợ chồng làm ăn khấm khá, thi thoảng về thăm quê rình rang với đoàn tùy tùng gần cả chục người.
Má theo ba cũng đã bao mùa nắng mưa, cũng chịu nhiều cay đắng. Cuộc đời dạy má cách sống sao cho phải với đạo trời, mà quên dạy má cách chịu đựng những cơn đau từ chính người ruột rà gây ra, để rồi như hôm nay, lòng má héo như cái cây bị bứng mất rễ.
Mà mất gốc, mất rễ thật rồi. Con cháu sau này mùng năm, ngày Tết muốn về thắp ông bà nén nhang cũng chẳng biết tìm đâu. Nhà ngoại nay còn đâu!
Ôi cái chái bếp hanh hao khói, giàn trầu xanh rì ôm lấy mấy thân cau, giếng nước đầy những cây dương xỉ, vườn cây ăn trái xum xuê. Này là cây vú sữa tuổi đời hơn tuổi má, này là gốc me trái lúc lỉu cành, kia là cây xoài bám đất qua mấy cơn bão dữ. Hết rồi. Hết thật rồi!
Sau mấy cái giỗ của ngoại thì cậu Út xin đưa hương hỏa ông bà về thờ. Mẹ phận nữ nhi, xuất giá tòng phu, phải lo chuyện gia nương, đâu thể hương khói sớm hôm cho tổ tiên ông bà mình.
Má với dì đành đồng ý để cậu mang bát hương di ảnh vào tận miền Nam. Tết nhất giỗ kị, má lại về mở cửa quét màng nhện, rót miếng nước. Hai chị em ngồi bần thần nhìn lũ chuột chạy vào chạy ra, tự hỏi lòng không biết trong mắt chúng, mình có còn là chủ cái nhà này không.
Người mất cũng mất rồi, mà những nhớ thương cứ hằn lòng từng vết cứa.
Chợt điện thoại rung từng hồi, tôi bồi hồi mở máy:
- Là mợ Ba, là mợ Ba má à!
Đôi tay má run run, hai khóe mắt rưng rưng.
Giọng mợ Ba lanh lảnh:
- Chị hai à, em sắp xếp cả rồi, chuyến này em về ăn Tết cùng chị với các cháu. Sau đợt bão em thấy nhà mình nát quá, em có để dành được chút ít đây, mình sửa sang cho tinh tươm tí, với em tính về phục hồi lại cái ảnh cho anh Chiến, gần năm chục năm rồi…
Má chết lặng, lòng đau như thắt, biết nói với mợ thế nào.
Mợ Ba, người chưa từng một lần được làm cô dâu, chưa từng may áo cưới. Ngày cậu Ba ra Bắc tập kết, họ gặp và yêu nhau. Tình yêu đầu đời của cô gái xứ Kinh kỳ và chàng trai miền Trung xa xôi như được thêu dệt trong thơ.
Cô bị ánh mắt sáng và nụ cười hiền cùng những tài lẻ của chàng trai bắt mất. Rồi cũng như bao cuộc tình khác, họ trao kỷ vật và hẹn ngày thái bình. Cô giữ chiếc ảnh nhỏ cùng dòng địa chỉ ở quê của người trai ấy làm tin, để rồi chỉ mấy tháng sau, cô bàng hoàng nhận tin sét đánh. Tấm di ảnh được phóng to trang trọng nơi ban thờ, thứ kỷ vật thiêng liêng lưu dấu một tình yêu thánh thiện.
Sau ngày hòa bình lập lại một thời gian, cô tìm đến quê anh. Bỡ ngỡ, rụt rè, những kỷ vật mang theo làm hành trang cho chặng đường dài hơn nghìn cây số. Ngoại và mẹ ngỡ ngàng nhìn cô gái đứng trước mặt mình. Giọng nói ấm áp, dáng người thanh mảnh, khuôn mặt phúc hậu tròn đầy. Sau những hỏi han và phút giây cô gái mang ra di ảnh cùng bút tích của cậu, mẹ và ngoại ôm chầm lấy cô bật khóc.
Những giọt nước mắt mừng vui lẫn xót xa, mừng vui gặp được hồng nhan tri kỷ của cậu, và xót xa khi chuyện tình đẹp như cổ tích phải cách biệt âm dương. Cô gái ấy nguyện ở vậy thờ cậu, làm người vợ góa dẫu chưa một lần sống đời vợ chồng.
Ngoại nhất mực không chịu, chỉ muốn xem cô như con gái:
- Con về mà an ổn tấm thân, duyên trần không trọn thì giấu cái tình ấy thật kỹ trong lòng mà vui sống. Đời ngắn lắm, mà con gái có thì, con đừng để lỡ mất thanh xuân. Mẹ thương con nên mới nói vậy, khi nào có điều kiện thì về đây thăm mẹ và các chị em, nhà mình luôn rộng cửa chờ con. Chiến nơi suối vàng chắc cũng mong thế.
Cô gái ấy im lặng rúc vào lòng ngoại mà khóc, rồi mặc nhiên thành mợ tôi từ đó. Là mợ tự xưng thế, ngoại la, bảo gọi dì thôi, để dì còn đi lấy chồng. Mợ cười hồn nhiên, bảo chồng con trên kia mà má! Nhìn mợ thế ngoại và má tôi không nén được lòng.
Những tưởng thời gian qua đi, lòng người cũng nguôi ngoai đôi phần, và mợ sẽ tìm cho mình được một đấng trượng phu để gửi gắm tấm thân. Ngờ đâu mợ vẫn thui thủi một mình, sớm tối nhớ thương người tình cũ.
Mãi đến năm mợ gần bốn mươi tuổi, trước rất nhiều sức ép từ gia đình, mợ tự túc một đứa con để sau này có người nương tựa. Làm việc trong môi trường bệnh viện, mợ đủ tự tin để xin một nhân tốt cho hậu thế, là tôi nghe mợ bảo vậy.
Ngày mợ sinh em, ngoại và má tôi khăn gói lần đầu theo tàu ra Bắc, cảm xúc mừng vui khó tả. Một tình huống chưa từng có tiền lệ trong cuộc đời.
Tôi lớn lên trong vòng tay ba má, cảm xúc đủ đầy yêu thương, mới thấy cái Bống, con mợ Ba thật thiệt thòi. Mới thấy tình yêu mợ dành cho cậu tôi thiêng liêng vĩnh cửu.
Thi thoảng mợ dắt em về, ngoại tôi có thêm người con, người cháu. Mọi sự kiện trong nhà đều có mợ tham dự, như đám đình, giỗ kỵ. Không về được thì mợ cũng cố tìm cách gửi tiền về, như một đứa con phải đạo hiếu với cha mẹ ông bà.
Vậy mà cậu Út, đứa con ngoại rứt ruột đẻ ra, nuôi nấng ăn học thành tài, công thành doanh toại lại nỡ lòng bán đứt hương hỏa ông bà.
Hôm cậu Út về tổ chức bữa tiệc linh đình tận nhà hàng sang trọng, mời hết họ hàng, bảo nhất định phải có mặt đông đủ. Những người nhà quê chân đất lần đầu được thết đãi tử tế trong một nhà hàng lớn, tự nhiên cảm thấy mình quan trọng hẳn, danh giá hẳn. Họ tự hào là bà con dòng họ thân thiết với cậu Út.
Lúc mọi người điên cuồng chuốc rượu nhau, cậu đã cho người tới ngó nghiêng miếng đất và căn nhà.
Rồi sau đó cậu lại về, bảo muốn đưa ông bà với cậu Ba vào trong ấy cho tiện hương khói, chứ đi về xa xôi bất tiện.
Nhà cậu làm ăn lớn, mỗi năm phải không với người ta quá nhiều, cũng phải có cái để thiên hạ qua lại, nên đám giỗ là lý do chính đáng để đối tác phải không với cậu.
Mẹ và dì lặng thinh, nghe cậu nói câu nào cũng đúng lý của cậu, chỉ biết ậm ừ.
Cậu út âm thầm bán căn nhà. Khi những chiếc máy cẩu rề rà tiến vào ngôi nhà của ngoại, hàng xóm xông vào can ngăn rồi báo tin cho má, má hớt hải bỏ mớ rau dưới chợ hộc tốc chạy về. Khuôn mặt người kia đanh lại, chìa cái hợp đồng mua nhà có chữ ký và tên cậu rành rành. Má quờ quạng túi áo tìm chiếc điện thoại, giọng má run rẩy.
Tiếng mợ Út đầu dây bên kia lạnh tanh:
- Cha mẹ về đây với tụi em rồi, nhà không ai ở để cũng phí ra, vợ chồng em bán đi lấy tiền kinh doanh làm ăn thôi.
- Nhưng đó là hương hỏa ông bà, giọng má nghẹn lại tức tối...
Má ngồi phịch xuống ôm ngực, đau như thể muốn chết ngay đi. Sao có thể cạn tàu ráo máng thế kia, trời ơi! Má giận thằng em bạc nhược, má giận cô em dâu khôn khéo đanh ngoa.
Sau bận thẩn thờ nhìn ngôi nhà thân quen của ngoại ngã nhào dưới những nhát cào, má ốm liệt giường mất mấy hôm.
“Cây có cội mới tỏa cành xanh lá. Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông”, câu hát ru khi xưa má vẫn thường ngân nga bên chiếc nôi dỗ cậu Út ngủ nay lại vẩn vơ hồn.
Có một dự cảm không mấy tốt đẹp cứ ám ảnh lòng má. Nghĩ đến cảnh ly tan của những gia đình bán đứt hương hỏa ông bà mà rùng mình, nghe chuyện làm ăn của cậu mợ Út trong ấy đang bất trắc mà thấy hoang mang. Bán cả đi rồi sau này con cháu tìm về thì biết đâu nguồn cội.
Ôi. Ngày sau rồi sẽ ra sao…
Mợ Ba bảo giá nào cũng phải mua lại cho bằng được ngôi nhà ngoại.
Hình dung con cháu xa quê thi thoảng về viếng hương ông bà phải ngác ngơ tìm ngôi nhà ba gian quen thuộc, tìm gốc me cổ thụ trái xum xuê và những hàng dừa nặng quả, bụi tre rì rào xào xạc sau hè đón những cơn gió lộng triền đê. Này là gian bếp đầy bồ hóng, ấm nước chè đậm sánh, ông ngoại ngồi nhẩn nha vê thuốc rê bằng miếng lá chuối non đã hơ nhẹ qua lửa, bà dằm trì trật cơi trầu, miệng móm mém hỏi đứa nào về đó bây, hái dùm mẹ mấy trái cau, ăn cau khô miết chừ thèm cau tươi quá.
Nước mắt má cứ thế tự nhiên chảy thôi.
HỒ LOAN