Đà Nẵng cuối tuần
Nhà "Huế học" người Quảng
Có một người Quảng ra Huế sinh sống từ lâu đã trở thành hội viên sáng lập của Hội Những người bạn của Cố đô Huế (AAVH). Ông có nhiều nghiên cứu về văn hóa Huế, được người đời sau tôn vinh là nhà “Huế học” thuộc thế hệ thứ nhất, đó là Nguyễn Đình Hòe.
Tác giả Nguyễn Đình Hòe và một số Tập san BAVH được dịch và in lại. Ảnh: LÊ THÍ |
Sự ra đời của AAVH và bộ môn “Huế học”.
Vào những năm đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XX, một tổ chức có tên là Association des Amis du Vieux Hué viết tắt là AAVH thường được gọi là Hội Những người bạn của Đô thành Huế xưa hay Hội Đô thành hiếu cổ được thành lập. Hội tập hợp nhiều người Pháp và một số người Việt yêu thích nghiên cứu lịch sử, văn hóa và nghệ thuật xứ Huế. Điều lệ của hội có ghi rõ mục đích này: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”. Tồn tại suốt 33 năm, đến năm 1944 vì thời cuộc phải giải thể, AAVH được đánh giá là nơi tập hợp những nhà thông thái, một “Hàn Lâm viện địa phương” (Academie Régional).
Để thực hiện mục đích này, hội có nhiều hoạt động trong đó nổi bật là cho ra đời tập san của hội, mang tên Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ - Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) và thành lập Bảo tàng Khải Định (tiền thân của Bảo tàng Bảo vật Cung đình Huế). Suốt thời gian tồn tại, BAVH đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với tổng cộng khoảng 13.000 trang bài viết, 2.800 phụ bản và 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu rất công phu. Tập san được đánh giá “là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó”. Sự ra đời của AAVH cùng với tập san là thời điểm ra đời cho bộ môn đặc biệt, chuyên nghiên cứu về địa phương “nơi ta đang sống”, sau này được gọi là môn Huế học.
Hai người Pháp có công đầu tiên đối với sự ra đời của hội và của bộ môn đặc biệt này là ông Richard Orband, đại diện chính phủ Pháp tại triều đình Huế và Léopold Michel Cadière (1869-1955) một linh mục, nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris tại Việt Nam. Hai người Việt Nam là hội viên đầu tiên của hội, là cộng tác viên sớm nhất của BAVH, đó là Đào Thái Hanh (1871-1916) từng là Tuần phủ Quảng Trị và Nguyễn Đình Hòe (1866-1942) từng là Phó Hiệu trưởng trường Hậu Bổ, Thượng thư Bộ Lễ.
Riêng Nguyễn Đình Hòe là một người Quảng. Ông vốn có quê gốc ở làng Hiền Lương, huyện Lễ Dương; nay là xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là một võ quan của triều Nguyễn ra làm quan ở Huế và mang theo cả gia đình ra sinh sống ở làng Thọ Lộc, Thừa Thiên.
Nhà “Huế học” người Quảng
Nguyễn Đình Hòe không chỉ là hội viên sáng lập, người của Ban biên tập BAVH mà còn là một trong những cây bút chủ lực của tập san. Ông đóng góp 13 chuyên đề nghiên cứu (viết bằng tiếng Pháp) có giá trị, chủ yếu là về văn hóa lịch sử Huế đăng trên BAVH.
Trong năm 1914, năm đầu tiên phát hành tập san của hội, Nguyễn Đình Hòe đã có 3 bài đăng liên tiếp trên tập san này. Note sur les Pins du Nam-Giao, (Esplanade des sacrifices) - Ghi chú về những cây thông ở Nam Giao. La Pagode de l’Eléphant qui barrit - Miếu Voi Ré. Note sur les cendres des Tay Son dans la prison du Kham Duong” - Ghi chú về các tro di cốt Tây Sơn trong Khám Đường.
Năm 2015 ông có thêm 2 bài. Histoire de l’école des Hậu-Bổ de Hué - Lịch sử trường Hậu Bổ ở Huế. Le Huệ-Nam-Điện - Điện Huệ Nam.
Năm 1916 ông viết nhiều bài hơn. Quelques renseignements sur les familles de Chaigneau et de Vannier - Vài tư liệu về gia đình Chaigneau và Vannier). Les Barques royales et mandarinales dans le Vieux Hué - Thuyền ngự và thuyền quan thời Huế xưa. La Pagode Diệu-Đế - Chùa Diệu Đế. La berge de la Chûte de Cheval - Trại ngựa. Đặc biệt, ông viết chung với Bác sĩ Albert Sallet mục Enumération des Pagodes et lieux de Culte de Hué - Liệt kê đền miếu và các nơi thờ tự ở Huế, đăng trên nhiều số tạp chí năm này. (Albert Sallet, một người Pháp, được tôn vinh là nhà “Quảng Nam học” vì nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa - lịch sử vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng).
Năm 1922, ông viết chung với Léopold Michel Cadière bài Quelques coins de la Citadelle de Hué - Một vài nơi ở kinh thành Huế.
Các công trình nghiên cứu của Nguyễn Đình Hòe được giới trí thức đánh giá cao, được những nhà nghiên cứu đời sau sử dụng như những tài liệu nguồn.
Trên Tạp chí Sông Hương, nhà nghiên cứu Trần Văn Dũng đã nhận định về những công trình nghiên cứu về Huế của nhà “Huế học” người Quảng này: “Nếu không có sự biên khảo có tầm vóc lớn như thế, thì giới nghiên cứu chúng ta ngày nay sẽ rất khó trong việc đi tìm tư liệu lịch sử đối với văn hóa lịch sử Huế xưa” (Về hai người Việt cộng tác sớm nhất cho tập san BAVH: Nguyễn Đình Hòe và Đào Thái Hanh, số ngày 30-8-2013).
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế khi nhận xét về bài Quelques coins de la Citadelle de Hué (Một vài nơi ở kinh thành Huế) đã cho biết: “Với các nguồn tư liệu dân gian qua giai thoại, câu hò, câu hát, ca dao, tác giả Nguyễn Đình Hòe cũng có phác thảo bước đầu về những đặc trưng văn hóa dân gian xứ Huế; bài khảo cứu này lại có thêm phần chú thích phong phú và uyên bác của linh mục L.Cadière, mở ra một số gợi ý nghiên cứu địa danh học xứ Huế... Nếu không có sự biên khảo có tầm vóc lớn như thế, giới nghiên cứu chúng ta ngày nay sẽ rất khó trong việc đi tìm tư liệu lịch sử đối với văn hóa lịch sử Huế xưa…”.
LÊ THÍ