Đà Nẵng cuối tuần

Tìm về nét xưa

08:16, 08/10/2023 (GMT+7)

“Đà Nẵng - Di tích và danh thắng” (NXB Đà Nẵng, 6-2023) của nhà nghiên cứu, ThS. Hồ Tấn Tuấn không chỉ giới thiệu về những di tích, danh thắng của thành phố mà lồng vào đó là những trang viết lịch sử về hành trình mở cõi, về công cuộc chống xâm lăng anh dũng của quân và dân Đà Nẵng. Với ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, đầy lôi cuốn, tác phẩm đã dẫn dắt độc giả đến với cuộc hành trình tìm về những nét xưa.

Tác giả Hồ Tấn Tuấn là một nhà nghiên cứu về di sản văn hóa trên địa bàn thành phố, cũng không ngoa khi cho rằng ông là chuyên gia trong lĩnh vực này. Với gần 38 năm làm việc, gắn bó với ngành bảo tồn - bảo tàng, ông đã trực tiếp sưu tầm, tìm kiếm tư liệu lập hồ sơ các di tích lịch sử - văn hóa. Đây có lẽ là lợi thế mà ít nhà nghiên cứu nào có được. Điều này làm cho tác phẩm của ông mang nhiều giá trị với những cứ liệu lịch sử và tư liệu khảo sát thực tế, có thể trở thành nguồn tài liệu quý giá đối với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, ngành văn hóa, du lịch…

Cuốn sách gồm 508 trang khảo tả khá chi tiết về 71 di tích và danh thắng ở Đà Nẵng và được chia làm 3 phần chính: phần 1 là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”, phần 2 là “Di tích cấp quốc gia”, phần 3 là “Di tích cấp thành phố”. Tác phẩm còn có phụ lục hình ảnh gồm 40 bức về di tích được in màu, trong đó đa số là do chính tác giả chụp trong quá trình điền dã thực tế tại các di tích, danh thắng và 43 tài liệu tham khảo được sử dụng làm cứ liệu cho tập sách. Ở mỗi di tích, danh thắng, tác giả đã phân tích chi tiết về di tích, về lịch sử hình thành và tồn tại, các mặt giá trị văn hóa lịch sử.

Đến với “Đà Nẵng - Di tích và danh thắng”, độc giả không chỉ được khám phá lịch sử, cảnh đẹp và cả những áng văn chương của nhiều bậc trí giả nổi tiếng tại các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng như Ngũ Hành Sơn, Hải Vân quan, mà còn được sống lại những cuộc kháng chiến anh dũng và bi hùng của nhân dân Đà Nẵng những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rồi sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua cứ liệu miêu tả các di tích: Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê, Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh… Độc giả được trải nghiệm tìm hiểu về các kiến trúc tín ngưỡng dân gian nổi tiếng ở Đà Nẵng như đình làng Bồ Bản, Thạc Gián, Túy Loan, Nại Nam, Phong Lệ Bắc…; được biết về lịch sử hình thành thời ông cha đi mở cõi, khai đất, lập làng qua các di tích như các nhà thờ chư phái tộc Hải Châu, Quá Giáng, Lỗ Giáng, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu…; được tìm hiểu về những nét văn hóa trong điêu khắc, tín ngưỡng của cư dân Chăm-pa xưa thông qua các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cùng những phế tích, di tích Chăm-pa còn sót lại trên mảnh đất Đà Nẵng như di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ…. Cuốn sách càng cuốn hút độc giả bởi những lễ hội dân gian truyền thống đã hiện diện lâu đời, gắn liền với các di tích như lễ hội Cầu ngư làng Mân Thái, Nam Ô, Thanh Khê, lễ hội Đình làng Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, lễ rước Mục đồng làng Phong Lệ… vừa đa dạng, vừa có giá trị lịch sử văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác của cư dân Đà Nẵng.

Tác giả Hồ Tấn Tuấn cho biết, thông qua “Đà Nẵng - Di tích và danh thắng”, ông hy vọng sẽ quảng bá rộng rãi hơn các di tích, danh thắng của thành phố đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời qua đó góp phần trong việc bảo tồn và gìn giữ các di tích, danh thắng để con cháu mai sau vẫn có thể tìm hiểu, trân trọng những giá trị truyền thống mà thế hệ đi trước đã để lại.

Những năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng. Qua đó đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, trân trọng gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ cho việc tham quan du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

“Đà Nẵng - Di tích và danh thắng” chắc chắn sẽ đem đến cho độc giả nhiều kiến thức và trải nghiệm thú vị, đồng thời là một tư liệu quan trọng đối với những nhà nghiên cứu, nhà quản lý, và những ai yêu mến lịch sử, văn hóa Đà Nẵng. Nếu công trình này được đưa vào giới thiệu tại các trường học trên địa bàn thành phố thì sẽ góp phần rất lớn trong việc giáo dục thanh-thiếu niên về lịch sử cha ông, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tính cố kết cộng đồng, và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa của các bậc tiền nhân để lại.

 Nhà nghiên cứu, ThS. Hồ Tấn Tuấn quê ở Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện là Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ông là tác giả của những công trình nghiên cứu về di sản văn hóa ở Đà Nẵng như: Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa và Danh thắng (NXB Đà Nẵng, 2014), Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2015), và Đà Nẵng - Di tích và Danh thắng (NXB Đà Nẵng, 2023). Ông là người có công lớn trong việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ của các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp thành phố.

ĐINH THỊ TRANG

.