Đà Nẵng cuối tuần
Mưa phía mênh mông
Hoàng bưng chén cơm, mắt dán vào bản tin thời tiết trên tivi. Trời mưa hoài mưa mãi, giờ lại thêm tin áp thấp trên Biển Đông, có nguy cơ mạnh lên thành bão. Thấy chồng trầm ngâm, Hiên giục chồng ăn cơm đi. Năm nào ông trời đến mùa này chẳng mưa nhiều như thế này, tránh làm sao được. Miếng cơm trệu trạo trong miệng dù hôm nay có món cá đồng kho nghệ Hoàng thích. Hoàng ngó xa xăm ngoài trời, mưa gió như kéo kỷ niệm buồn từ thuở ấu thơ của anh ùa về. Hoàng nói với Hiên, để chút xíu anh chạy qua nhà má coi lại mái hiên. Bữa trước gió mạnh làm bay mất miếng tôn mà chưa kịp chằm lại.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Khi anh mặc áo mưa ghé nhà thì má đang ngồi chân thấp chân cao trên giường ngó ra sân. Má tặc lưỡi bảo trời không tạnh để má còn nhổ cỏ, dọn vườn rau trước sân gieo ít hạt cải, hành ngò. Năm ni mưa nhiều quá, không khéo mưa tới Tết chứ chẳng đùa. Rồi má cúi xuống, đưa tay khều khều kẽ ngón chân bị nước ăn. Má là người ham công tiếc việc. Có những bữa mưa gió, Hoàng ghé nhà còn thấy má mặc áo mưa đội nón ra vườn. Hoàng càu nhàu thì má nói mấy cây cà tím bị gió làm ngã, má ra kiếm mấy cây tre chống lên chứ không gãy uổng. Mà hễ chân má dầm nước là kiểu gì cũng bị nước ăn, sưng tấy.
Lần đầu tiên Hoàng gặp má cũng là lúc má ngồi khều mấy móng chân dính đầy bùn đất trước hiên nhà. Bữa đó hình như má vừa ở ngoài đồng về. Má ngước nhìn lên, mắt nheo lại khi thấy một người đàn bà dắt theo một đứa con nít năm tuổi đi vào sân. Đứa bé đó là Hoàng, còn người đàn bà kia là mẹ ruột Hoàng. Hoàng sợ hãi như con mèo hen rụt rè, quíu cả người lại khi mẹ dùng hết sức mạnh để kéo Hoàng vào nhà. Hoàng nhớ mãi những gì mẹ nói, những lời nói tàn nhẫn như chiếc đinh đóng vào trái tim nhỏ bé của Hoàng:
- Nó là con của ông Năm, giờ tui mang lên trả…
Má đứng vụt dậy, tay vịn vào chiếc cửa gỗ cũ mèm. Chiếc cửa trượt tới phía trước khiến má suýt ngã nhào. Miệng má cứng lại, chẳng thể thốt ra được lời nào trước tình cảnh trái khoáy này. Cùng lúc đó ba đi ruộng về. Mặt ba biến sắc khi nhìn thấy mẹ con Hoàng đứng trong sân. Mẹ thấy ba về, lại ra sức kéo Hoàng vào trong nhà. Giọng gằn từng tiếng, nghẹn lại:
- Này… con ông đây. Tui trả…
Rồi mẹ Hoàng gạt nước mắt, quay lưng chạy xuống ngõ. Hoàng giật mình chạy theo. Con ngõ đầy rêu khiến Hoàng trợt té, mặt sấp xuống đất. Khoảnh khắc nhòe nhoẹt mưa và nước mắt đó Hoàng không nhớ rõ người đàn bà đó có quay lại hay không nhưng đó là lần cuối cùng Hoàng nhìn thấy mẹ. Sau cái buổi chiều mưa nhá nhem đó, mẹ bỏ đi đâu không rõ. Hoàng hoang mang chẳng khác gì chú chim non bị gió thổi bay khỏi tổ.
Hoàng nằm sấp không biết bao nhiêu lâu cho đến khi có đôi bàn tay gầy guộc xốc nách, rồi kéo Hoàng vào nhà. Từ bữa đó, Hoàng có thêm một người má.
Hình như ba má rất ít nói chuyện với nhau. Bình minh của má bắt đầu từ lúc gà eo óc gáy. Má ngồi dậy, búi vội mái tóc, nấu nồi cơm rồi luộc nhanh cái trứng vịt hoặc có khi má chiên lại nồi cơm nguội còn thừa chiều hôm trước để Hoàng có cái ăn trước khi đi học. Má quét sơ cái sân rồi lại tất tả ra ruộng. Ba cũng đi ruộng nhưng chẳng khi nào hai người đi cùng nhau.
Có những buổi chiều, ba má ngồi ăn cơm với nhau trong im lặng. Hồi nhỏ, Hoàng thường thắc mắc về sự thinh lặng lạ lùng trong căn nhà mình. Ba nằm giường ngoài, má ngủ trong buồng. Hoàng ngủ với má, lớn lên một chút qua ngủ với ba. Má chỉ nói với ba khi cần mua phân, thuốc trừ sâu, tháo nước cho đám ruộng gần đến ngày gặt… Tuyệt nhiên, Hoàng chưa bao giờ thấy ba má ngồi uống nước chè, tâm sự những chuyện vu vơ như những nhà khác trong làng.
Thím Sáu hàng xóm tặc lưỡi, phải là thím thì đã dứt áo ra đi, đâm đơn ra tòa ly dị chứ đâu có chuyện chung sống cả đời với người chồng bội bạc. Kể ra má bây là người giỏi chịu đựng! Hoàng biết, trong mắt hàng xóm, trong mắt người làng ba là người đàn ông rất tệ. Má về sống chung với ba hơn mười năm trời mà không sinh nở được. Người má héo hắt, gầy xọm như cây cỏ may co ro giữa chiều đông rét mướt. Mỗi bận giỗ chạp, mấy người lớn tuổi trong họ thường lôi má ra bóng gió rằng cây độc không trái. Ba buồn, uống rượu suốt. Rồi một mùa đông trời cũng mưa gió tơi bời như thế này, ba thường xuyên đi qua đêm. Người làng đồn ầm lên ba lang chạ với người đàn bà góa chồng cuối xóm. Người đàn bà đó là mẹ Hoàng.
Sau này má kể, má biết hết chứ nhưng biết làm gì ở trong hoàn cảnh đó. Ngày sinh Hoàng ở trạm xá, ba vắng nhà mấy ngày má cũng không hề mở miệng nói một lời. Mặc kệ hàng xóm nói thằng Hoàng giống ba y tạc má cũng chỉ biết rơi nước mắt một mình. Má vẫn đi ruộng, vẫn lom khom dặm lúa, vẫn ngồi khều mấy kẽ chân bị nước ăn trước thềm nhà như chưa hề có chuyện chồng mình có con rơi con rớt bên ngoài.
Má nói có đàn bà nào không ghen, không đau. Khi Hoàng mấy tháng, đột nhiên nỗi hờn ghen, oán giận bốc lên má đã tất tả qua nhà tìm mẹ Hoàng. Má đứng sau nhà, chân đặt trên những mảng rêu trơn trượt mùa mưa. Má nheo mắt, nhìn vào căn nhà tuềnh toàng chẳng có vật dụng gì đáng giá. Mẹ Hoàng đang vạch áo cho con bú trên chiếc chõng tre cũ mèm, kêu lên cót két mỗi khi đổi tư thế. Rồi mẹ Hoàng cất giọng ru con. “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ nồi cơm nguội… nhớ niêu nước chè”. Tự nhiên nỗi hờn ghen, giận dữ trong má biến mất. Âu cũng là phận đàn bà! Má không nỡ nặng lời, không nỡ trách móc mẹ Hoàng. Rồi má đội nón về nhà… Kể từ bữa đó, má chấp nhận chuyện ba có con riêng, chấp nhận chuyện ba lui tới với mẹ con Hoàng. Chỉ có điều với má, ba như đã chết đi rồi…
Mùa mưa, cái lạnh luồn từ những kẻ hở cửa sổ chui vào tận giường ngủ. Mỗi tối, má thường xúc một mẻ than hồng từ bếp lửa, phủ lên một lớp tro mỏng để dưới giường cho Hoàng ấm. Má nhường Hoàng tấm áo mưa lành lặn đi học, còn má mặc chiếc áo mưa mỏng dính ra đồng.
Ban đầu Hoàng sợ má lắm, cứ núp sau cánh cửa len lén nhìn má, ngơ ngác nhìn căn nhà xa lạ. Bữa sau, Hoàng lén chạy về nhà tìm mẹ. Căn nhà trống huơ trống hoác, Hoàng đứng khóc òa khi chẳng thấy mẹ đâu. Hoàng khóc lâu lắm, khi bóng nắng trước sân chuyển sang bóng tối, mấy con muỗi vo ve chích vào cánh tay Hoàng. Chiều đó, má tất tả ngược xuôi đi tìm Hoàng khắp nơi, rồi chợt nghĩ có khi Hoàng chạy về nhà. Má kéo vạt áo lau nước mắt cho Hoàng, bảo về nhà ở với má chứ mẹ ruột con đã ngồi xe đò đi xa lắm rồi.
Ba đi ruộng bắt được con cá tràu, má kho lá nghệ, gắp vào chén Hoàng khứa cá ngon nhất. Mỗi bận đi chợ, má đều có bịch chè, cái bánh cho Hoàng. Tình thương của má làm Hoàng bỗng chốc quên đi mình là đứa con rơi con rớt bên ngoài của ba. Bóng mẹ nhòe dần, Hoàng chỉ có má trên đời.
Má hay nhờ Hoàng chải tóc mỗi khi gội đầu bằng lá bưởi ngồi trước hiên lúc trưa hè. Tóc má quăn queo, sợi nào sợi nấy cứng như rễ tre. Má nói, đàn bà mà tóc tai cứng đơ như vậy số khổ lắm. Mà ngẫm lại cũng đúng, má có ngày nào sướng đâu. Khi Hoàng học cấp 2 thì ba mất, từ đó chỉ có hai má con thui thủi vui buồn. Hoàng lấy vợ, dựng căn nhà be bé gần bên, chạy qua chạy lại cho má vui. Thím Sáu mỗi lần thấy má con Hoàng ngồi với nhau lại bảo ở đời có nhiều sự lạ, như má con Hoàng là “bánh đúc có xương…”. Rồi làm ra vẻ hiểu biết, thím nói má Hoàng vậy mà biết trông xa, thương thằng Hoàng để tuổi già có chỗ tựa nương. Má mỗi lần nghe thím nói vậy thì lắc đầu “tui thương thằng Hoàng thiệt, chứ có tính chuyện xa gần gì…”.
Một buổi chiều, má gọi Hoàng qua nhà. Nhìn vẻ mặt của má Hoàng biết có chuyện quan trọng. Mãi một lúc sau má mới chậm rãi cất lời. Má hỏi Hoàng có còn nhớ mẹ ruột không? Mặt Hoàng đanh lại khi nghe má nhắc đến người đàn bà đó. Có cái gì nghẹn ứ nơi cổ, mắt anh cay xè khi nghĩ đến buổi chiều mưa lạnh mẹ tất tả chạy đi, chối bỏ anh như chối bỏ một cục nợ. Hoàng lắc đầu, cố nở một nụ cười gượng gạo nói con quên lâu rồi má à! Hồi bà ấy bỏ đi con mới 5 tuổi, giờ con đã qua ba mươi. Chừng ấy năm qua đi con chẳng nhớ gương mặt bà ấy dài hay ngắn. Bây giờ con chỉ có má thôi! Mà sao đột nhiên má nhắc làm gì?
Má kể, hôm qua có người bà con xa trên phố đến tìm má. Trò chuyện dông dài rồi người bà con ấy có nhắc đến mẹ Hoàng. Má nhìn xa xăm ra bầu trời đùng đục ngoài kia, bảo hồi xưa mẹ Hoàng bỏ đi cũng do nghèo quá. Mẹ Hoàng từ nhỏ đã mồ côi, sống lăn lộn, chật vật với mấy sào ruộng nhỏ tí. Mẹ Hoàng lấy chồng, tưởng có chỗ tựa nương ai ngờ người đàn ông kia suốt ngày say xỉn, cờ bạc, đánh đập mẹ Hoàng không thương tiếc. Rồi đứt gánh, mẹ Hoàng lở dở một đời chồng cho đến khi dan díu với ba và sinh ra Hoàng. Thỉnh thoảng cũng được ba dúi cho vài đồng mua sữa nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với gia cảnh nghèo khổ nên bà mới quyết định trả con cho ba Hoàng rồi lên phố mưu sinh…
Má dừng lại một chút, nhìn gương mặt đăm chiêu của Hoàng rồi kể tiếp. Bà ấy lên phố làm đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng chừng ấy năm cũng chưa có ngày nào thực sự thảnh thơi. Hình như có năm nào đó bà ấy về tìm Hoàng, nhưng khi thấy Hoàng được má thương yêu, sống hạnh phúc thì bà ấy lại quyết định không gặp. Bây giờ thì bà ấy bệnh nặng lắm, cũng chẳng còn bao lâu nữa…
Hoàng cắn chặt môi, gương mặt méo xệch vì cảm xúc đang trào dâng trong lòng. Bàn tay chai sần, mấy móng tay đen đúa của má cầm lấy tay Hoàng. Rồi má nhỏ nhẹ “con lên phố gặp mẹ con một chuyến nhé!” Quá bất ngờ, Hoàng lắc đầu lia lịa. “Con không gặp đâu, gặp làm gì hả má, bao nhiêu năm rồi con biết chuyện gì để nói”.
Ngoài trời ồ ạt đổ mưa. Má nhìn ra màn mưa giăng, im lặng cho cơn xúc động của Hoàng qua đi rồi nói đời người có bao nhiêu chuyện, làm sao phân định rạch ròi là đúng hay sai, là tốt hay xấu? Công sinh thành cũng nặng như là công dưỡng dục vậy. Má tin mẹ con cũng vì bất đắc dĩ nên ngày xưa mới dứt áo ra đi. Mẹ con cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa, nếu bây giờ không gặp thì má lo sau này con sẽ hối hận…
Dù cố gắng kìm lại nhưng nước mắt vẫn chảy trên gương mặt gã trai ba mươi tuổi. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, làm bầu trời sầm sập tối. Hình như cũng có những buổi chiều mưa nặng hạt như vầy, mẹ kéo Hoàng vào lòng rồi khe khẽ ru “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều…”. Mặc kệ mưa lạnh, mặc kệ bốn bề mênh mông mưa gió, mẹ hít hà lên trán, lên má Hoàng. Thực ra thâm tâm Hoàng cũng nhớ nhung, cũng thèm khát nhưng anh đã để buổi chiều mẹ bỏ anh đi lấn át biết bao buổi chiều êm đềm có mẹ có con...
Hoàng ngập ngừng rất lâu rồi đưa tay lau dòng nước mắt và nói với má: “má cho con địa chỉ, sáng mai con lên thành phố!”
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN