Đà Nẵng cuối tuần

Đường đến công nghiệp văn hóa

15:40, 30/12/2023 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tại hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ngày 22-12-2023, trong mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đà Nẵng được xác định vừa là một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) vừa là một trong các địa phương được đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo. Điều này chứng tỏ trên đường đến với công nghiệp văn hóa, Đà Nẵng không bắt đầu từ số không.

Không gian cầu Rồng và vùng phụ cận từng xuất hiện trong bộ phim của Hàn Quốc Taxi Driver 2 ra mắt hồi đầu năm 2023. Ảnh: S.T
Không gian cầu Rồng và vùng phụ cận từng xuất hiện trong bộ phim của Hàn Quốc Taxi Driver 2 ra mắt hồi đầu năm 2023. Ảnh: S.T

Đối với từng ngành công nghiệp văn hóa, mỗi địa phương có thể tham gia theo ba cấp độ: Cấp độ cao là tự mình sáng tạo nên những sản phẩm công nghiệp văn hóa đủ sức trực tiếp cạnh tranh trên thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Cấp độ thấp hơn là góp phần vào quá trình sáng tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa của địa phương khác hay của nước khác - trở thành phim trường trong nhà hoặc lộ thiên (như không gian cầu Rồng và vùng phụ cận từng xuất hiện trực diện trong bộ phim hành động của Mỹ The Protégé/Môn đồ trình chiếu năm 2021 hay trong bộ phim của Hàn Quốc Taxi Driver 2 ra mắt hồi đầu năm 2023…). Ở cấp độ thấp hơn nữa là chỉ có thể đảm nhận vai trò thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, từ nay đến năm 2030, sẽ có 6/12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển bao gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế. Theo quan sát của tôi, Đà Nẵng có tiềm năng và thế mạnh ở 4/6 lĩnh vực mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa và thủ công mỹ nghệ.

Chẳng hạn, trên lĩnh vực điện ảnh, qua Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất, 2023 (The 1* Da Nang Asian Film Festival - DANAFF I) tổ chức hồi tháng 5 vừa rồi, Đà Nẵng hoàn toàn có thể tự tin để theo đuổi ngành công nghiệp được mệnh danh là “nghệ thuật thứ bảy” này. Điều này có nghĩa là ngay ở cấp độ cao, Đà Nẵng vẫn có thể góp mặt bằng cách phát huy thế mạnh phim tài liệu điện ảnh trực tiếp của các nhà làm phim theo phong cách phim tài liệu Varan từng mang chuông đi đánh xứ người như Đoàn Hồng Lê, Dương Mộng Thu, Trương Vũ Quỳnh…

Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Đà Nẵng cũng từng được Hiệp hội Sân khấu Quốc tế ITI chọn làm nơi đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn Thế giới/ITI World Performing Arts Festival lần thứ nhất dự kiến vào năm 2018 nhân kỷ niệm sự kiện 70 năm thành lập ITI (1948-2018). Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn Thế giới lần thứ nhất mới vừa được tổ chức hồi thượng tuần tháng 12-2023 nhưng không phải tại thành phố bên sông Hàn mà tại thành phố bên sông Cà Ty của tỉnh Bình Thuận. Có thể nói, thế mạnh của nghệ thuật biểu diễn ở Đà Nẵng gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng (được công nhận năm 2015) và Nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng (được công nhận năm 2016).

Hai sự kiện vinh danh nghệ thuật này cho thấy đặc điểm mà cũng là sứ mệnh lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ/nghệ nhân sân khấu Đà Nẵng là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu cổ truyền xứ Quảng quê hương, đây cũng chính là con đường mà Đà Nẵng đến gần với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của công nghiệp văn hóa. Đương nhiên, ở đời, mạnh chỗ nào thường yếu ngay chỗ ấy, chính sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu cổ truyền bản địa dễ tạo cảm giác rằng hoạt động sân khấu ở Đà Nẵng đang có một độ vênh/độ lệch. Vì thế để phát triển công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ/nghệ nhân sân khấu Đà Nẵng cần tiếp cận thêm với loại hình sân khấu cổ truyền của các địa phương khác cũng như với loại hình sân khấu đương đại.

Thực ra sân khấu Đà Nẵng không chỉ là nơi vinh danh các kịch bản hát bộ tuyệt vời của Nguyễn Hiển Dĩnh hay Tống Phước Phổ mà còn là nơi vinh danh các kịch bản thoại kịch của Lưu Quang Vũ; và tiết mục hát chầu văn “cải biên” Cảnh đẹp nước non là một trong những tiết mục của chương trình nghệ thuật truyền thống chủ đề “Con đường di sản” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn hằng tuần tại khu vực ga đi quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ cuối tháng 12-2022 đến nay…

Về lĩnh vực du lịch văn hóa,  Đà Nẵng cũng có nhiều thế mạnh với di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, di tích cấp thành phố Bảo tàng Điêu khắc Chăm độc nhất vô nhị trên thế giới (đang có dự án xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở II ở làng Phong Lệ quê hương của danh tướng Ông Ích Khiêm)… Du lịch văn hóa còn gắn với các điểm đến tham quan là một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng nghề dệt chiếu Cẩm Nê, làng nghề làm nước mắm Nam Ô, làng nghề làm bánh tráng Túy Loan, hay làng nghề làm bánh khô mè bảy lửa Quan Châu…; cũng như gắn với các tài nguyên văn hóa là một số lễ hội truyền thống đồng thời là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Cầu Ngư và Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.

Về lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, Đà Nẵng nổi tiếng với làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014, với nhiều nghệ nhân tài hoa tiêu biểu như Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu - nghệ nhân đầu tiên của ngành điêu khắc đá Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016. Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu đã hai lần có tác phẩm điêu khắc trưng bày tại vườn tượng nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội và nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng…

Đương nhiên, trên đường đến với công nghiệp văn hóa  ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước phải tiếp tục khắc phục tình trạng sản xuất hàng loạt những sản phẩm tượng đá mang tính thương mại hóa hoặc sản xuất kiểu công nghiệp những sản phẩm tượng bột đá - chứ không phải tượng đá - dẫn đến ngày càng ít đi những sản phẩm tượng thủ công qua đó thể hiện quá trình lao động “thổi hồn vào đá” của các nghệ nhân.

Có tiềm năng và thế mạnh ở 4 lĩnh vực như vừa nêu trên nhưng đường đến với công nghiệp văn hóa của thành phố cũng mới chỉ là đề bài chứ chưa phải là đáp số. Ngay trên bình diện cả nước, phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thừa nhận, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Do vậy Đà Nẵng còn phải nỗ lực rất nhiều để xứng đáng là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư - điều vô cùng khó đối với lĩnh vực văn hóa...

*

Điều tôi tâm đắc nhất trong bài phát biểu kết luận hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta phải dựa trên nền tảng ba tính chất: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng nêu trong Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng. Với tất cả lòng khoan dung về văn hóa, sẵn sàng chấp nhận cái khác mình nhưng chúng ta không thể mong đợi một nền công nghiệp văn hóa phát triển, có thể mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho đất nước nhưng đó phần lớn lại là những buổi biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ nước ngoài, hầu hết phim ảnh chiếu trong rạp và trên sóng truyền hình là phim nước ngoài… Cái chúng ta cần là một nền công nghiệp văn hóa thực sự Việt Nam, thực sự có giá trị nghệ thuật và lay động lòng người.

BÙI VĂN TIẾNG

.