Đà Nẵng cuối tuần
Những ý tưởng nghệ thuật ấm áp
Nhìn lại tin tức thế giới năm 2023, dễ thấy có quá nhiều thông tin tiêu cực về chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. Song bên cạnh “dòng chủ lưu” u ám đó, vẫn còn những câu chuyện ấm áp về sự sẻ chia và đánh thức những yêu thương trong cộng đồng.
Trong khuôn khổ bài này, chúng ta cùng nhìn lại một số dự án nghệ thuật vì cộng đồng được thực hiện trong năm qua tại Mỹ, đã truyền cảm hứng đến với không chỉ những người dân sở tại.
Em Anshika Lal (trái) và em Caprice Jackson đang chuẩn bị cho triển lãm Rain Poetry ở công viên Vernon. Một số bài thơ haiku của các học sinh tiểu học sẽ xuất hiện thường trực, số khác sẽ chỉ hiện lên khi vỉa hè ướt. Ảnh: Emma Lee/WHYY |
Dạy trẻ viết thư cho mình
Mỗi ngày, sau giờ học chính khóa buổi chiều, các lớp ngoại khóa dành cho thanh - thiếu niên (từ 7-19 tuổi), nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, cũng bắt đầu diễn ra tại tổ chức Fihankra Akoma Ntoaso (FAN) ở thủ đô Washington, Mỹ. Vào thứ Năm hằng tuần, ở đây có lớp dạy các em thực hành kỹ năng kể chuyện và cách tự viết ra câu chuyện của mình, nuôi dưỡng sự sáng tạo. Giáo viên đứng lớp là chuyên gia về nghệ thuật kể chuyện, chị Vera Oyé Yaa-Anna hay Auntie Oyé. Sinh ra và lớn lên tại Liberia, người phụ nữ này đã coi Washington D.C là nhà mình trong vài chục năm qua. Chị đã dạy hàng ngàn đứa trẻ trong vùng.
Thông qua lớp học, chị Auntie Oyé giúp học viên biết cách viết ra câu chuyện của mình, để trẻ hiểu hơn về bản thân. “Bạn càng viết, bạn càng cảm thấy thân thuộc với mình hơn, bởi đó là một hành trình hướng nội. Bạn đang du hành vào bên trong để đến được với bản chất của mình". Một hoạt động đặc biệt thú vị ở lớp học này là mỗi tháng một lần, các học viên sẽ tự viết một bức thư yêu thương dành cho chính mình.
“Tôi rất vui. Tôi thích đọc sách, rất nhiều sách. Tôi thích gặp những người mới. Tôi thích rau. Khi lớn lên, tôi muốn trở thành bác sĩ, y khoa và là một cầu thủ bóng rổ như Michael Jordan”, đó là những gì em Labriel McCollum 12 tuổi viết trong thư gửi cho mình. Còn đây là bức thư mà em Jayla Johnson 13 tuổi viết cho bản thân: “Bạn thật tuyệt. Nụ cười của bạn thật xinh xắn. Tôi yêu cách bạn đang sống với chính mình ở lứa tuổi trẻ như hiện nay. Tôi yêu sự thật bạn dám nói thẳng với bản thân khi không ai khác nói cho. Bạn rất thông minh. Tôi thích nhìn thấy điều đó vì không phải cô gái da màu nào cũng có được sự tự tin như bạn…”. Em trai Delonte Outlaw 10 tuổi lại có những dòng tâm sự như thế này với mình: “Tôi yêu bản thân vì mỗi ngày khi thức giấc, tôi bước tới trước gương trong nhà vệ sinh và tự nhủ với mình rằng hôm nay sẽ là một ngày tốt lành”.
Những dòng thơ “nở ra” dưới mưa
Ở công viên Vernon vùng Germantown (bang Maryland, Mỹ) có một dự án văn chương thú vị dành cho trẻ em có tên Rain Peotry (tạm dịch: Thơ dưới mưa). Trong dự án này, các em học sinh tiểu học sẽ dùng một loại sơn màu đặc biệt chép (vẽ) lại những bài thơ haiku trên vỉa hè trong công viên. Loại mực đặc biệt sẽ giúp những bài thơ đó không những không bị rửa trôi trong mưa mà còn chỉ hiện lên khi vỉa hè bị ướt.
“Có quan niệm cho rằng trẻ em chỉ có thể học ở trường, nhưng chúng tôi tin trẻ có thể học ở mọi nơi. Việc để trẻ em viết những bài thơ tại những không gian công cộng là một ví dụ minh họa cho điều đó”, bà Dawn Frisby Byers, giám đốc phụ trách các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận PA Humanities ở bang Pennsylvania khẳng định.
Những bài thơ các em viết trên vỉa hè là do các em viết sau khi học lớp sáng tác thơ haiku do nhà thơ Yolanda Wisher của Philadelphia phụ trách. Lớp học chủ yếu viết thơ haiku với cấu trúc gọn gàng, ít chữ để các em học sinh tiểu học dễ tiếp cận, nhưng cũng vẫn sẵn sàng đón nhận những bài thơ dài hơn có cấu trúc phức tạp hơn.
Sự đón nhận của công chúng đã giúp dự án văn chương cho trẻ em này được nhân rộng thêm tại 4 công viên khác tại bang Maryland và nhiều vùng khác của thành phố Philadelphia, bang Pennylvania (Mỹ) trong những tháng tiếp theo.
Tái sinh cả trăm ngàn bông hoa
Những ngày này, khách tham quan và độc giả khi tới Thư viện công cộng thành phố Cleveland (bang Ohio, Mỹ) đều choáng ngợp trước những “tấm rèm” đặc biệt làm từ khoảng 500.000 bông hoa khô được kết lại bằng dây đồng theo nhiều kiểu dáng khác nhau. Đây là ý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ người Anh Rebecca Louise Law. Hàng trăm người dân ở vùng đông bắc Ohio đã tham gia góp sức cho triển lãm nghệ thuật mới nhất có tên “The Archive” (tạm dịch: Lưu trữ) của bà Rebecca, triển lãm này sẽ còn tiếp tục trưng bày cho tới tháng 5-2024.
Nữ nghệ sĩ người Anh này nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được làm từ những chuỗi hoa kết lại. Bà cũng là người có những sáng tạo đặc biệt thú vị với nhiều loại chất liệu khác nhau.
Theo trang Ideastream.org, triển lãm The Archive là bộ sưu tập của khoảng 400.000 bông hoa khô đã được tích lũy lại từ những cuộc triển lãm trước đó của bà Rebecca, cộng thêm khoảng 100.000 bông hoa khác của vùng đông bắc Ohio góp vào.
Theo bà Erin Guido, giám đốc phụ trách nghệ thuật và các dự án đặc biệt của tổ chức nghệ thuật cộng đồng LAND Studio, mọi người đã mang hoa khô đến cho bà Rebecca để làm triển lãm. “Chúng tôi đã giữ lại số hoa này từ các nhà tang lễ và các cửa hàng hoa trước khi họ vứt đi, sau đó phơi khô và kết lại với nhau”, bà Guido nói.
Còn theo bà Tiffany Graham Charkosky, giám đốc nghệ thuật và văn hóa của thư viện cộng đồng Cleveland, triển lãm nghệ thuật The Archive còn góp phần kéo thêm mọi người đến với thư viện, cũng như khiến nhiều người biết tới các hoạt động của thư viện hơn khi họ bàn bạc về triển lãm hoa khô trên các nền tảng mạng xã hội.
TRẦN ĐẮC LUÂN