Đà Nẵng cuối tuần
Ở lại với núi rừng
Có những hạt giống được gieo ở núi rừng, nảy mầm rồi phát triển thành cái cây vững chãi cắm rễ bền chặt vào mảnh đất làng. Cây sẽ còn vươn cao để góp một phần bóng mát cho làng, làng cũng yêu thương, nuôi dưỡng cây bằng mạch nguồn văn hóa quê nhà…
Trưởng thôn Tà Lang Đinh Văn Hin (phải) thăm hỏi người dân trong thôn. Ảnh: X.S |
Đó là câu chuyện của anh Đinh Văn Hin (SN 1986), Trưởng thôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Sâu bền gốc rễ với quê hương
Sinh ra ở Tà Lang, lớn lên trong sự yêu thương của gia đình và dân làng, Đinh Văn Hin năm xưa là thế hệ học trò đầu tiên của hai thôn Tà Lang - Giàn Bí được Nhà nước chăm lo việc học hành, ăn ở. Đó cũng là một phần lý do anh nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chăm lo con em học tập đến nơi đến chốn. Trong ký ức người trưởng thôn trẻ, những ngày sinh hoạt, học tập trong môi trường nội trú ở Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) là những ngày đáng nhớ.
Tốt nghiệp THPT, anh gác lại cơ hội bước vào cảnh cổng trường đại học , ước mơ dang dở năm đó được nối lại khi anh theo học Cử nhân Luật hệ đào tạo từ xa tại Trường Đại học mở Hà Nội - chi nhánh Đà Nẵng. Đang bước sang năm đầu tiên của lộ trình đào tạo, vừa học vừa làm công tác địa phương ở tuổi 38, với Hin, không có gì là muộn màng.
Sức trẻ, kiến thức, cùng sự gần gũi với đồng bào giúp Hin thuận lợi trong công tác cơ sở. Đó cũng là lý do chàng trai Cơ tu được người dân tín nhiệm bầu vào vị trí trưởng thôn trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Thuận lợi có, nhưng vẫn còn những khó khăn khi một bộ phận người dân nhận thức chưa cao do trình độ học vấn hạn chế. Hin kể, chuyện vắng bóng nhiều hộ dân trong các buổi họp thôn triển khai thông tin xuống cơ sở không hiếm. Hỏi ra mới biết họ đi rừng, đi rẫy, có người vào núi đến 2-3 ngày mới về, nhưng người trưởng thôn 38 tuổi chưa bao giờ nản lòng trong công tác.
Gia đình nghệ nhân Trương Văn Mỹ (SN 1957) là hộ khó khăn ở thôn Tà Lang. Tuổi cao, con cái không khá giả, ông không còn nhiều khả năng làm kinh tế. Bằng tâm huyết của bậc cao niên am hiểu văn hóa Cơ tu, ông Mỹ tập trung phục dựng văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Ông kể, từ kết nối của thôn và sự nhiệt tình của trưởng thôn Đinh Văn Hin, gia đình ông được xã hỗ trợ 60 triệu đóng góp vào kinh phí xây căn nhà mới khang trang. Mới đây, ông tiếp tục được hỗ trợ trồng cây ăn quả với nhiều gốc sầu riêng sắp sửa được trồng trong vườn nhà.
Gia đình ông Mỹ là 1 trong số 120 hộ dân của thôn Tà Lang, toàn thôn có tổng 379 nhân khẩu. Hầu hết là đồng bào Cơ tu. Việc ở thôn của anh Hin, như mọi trưởng thôn khác, là cầu nối tham gia các hoạt động xây dựng địa phương và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. “Đơn cử như vận động bà con trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi... cải thiện sinh kế. Một khía cạnh nữa không thể thiếu là mình phối hợp già làng, địa phương, các ban, ngành, đoàn thể vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ tu đang có nguy cơ mai một”, anh Hin chia sẻ.
Bước chân không mỏi dưới những cánh rừng
“Thỉnh thoảng điện thoại mình bị mất sóng, do đi sâu vô rừng”, anh Hin giải thích cho cuộc gọi chập chờn với chúng tôi vào buổi chiều muộn. Chỉ tay về những cánh rừng bạt ngàn dọc cao tốc La Sơn - Túy Loan, anh nói đó là nơi tuần tra làm nhiệm vụ của Tổ bảo vệ rừng xã Hòa Bắc và các lực lượng chức năng. Tổ có 12 người, anh làm tổ trưởng. Đều đặn mỗi tuần, họ lên rừng, vào núi với một chuỗi nhiệm vụ: bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng kế hoạch phối hợp công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ và lực lượng dịch vụ môi trường rừng kiểm tra đánh giá tình hình an ninh rừng; báo cáo kịp thời về xã khi phát hiện đối tượng vi phạm an ninh rừng; tham gia mật phục, phối hợp bắt giữ đối tượng và thu giữ tang vật vi phạm…
“Mỏ vàng Khe Đương ở tiểu khu 27 và 29 là điểm nóng trên địa bàn rừng của xã mình. Địa hình ở đây thường bị nhiều đối tượng lợi dụng để khai thác lâm, khoáng sản trái phép, trong đó có vàng. Thành thử, trách nhiệm của mình là không nhỏ”, anh Hin kể lại. Trách nhiệm đó đi kèm với hiểm nguy. Hin nhớ năm 2020, nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép mang theo dao, kiếm, mã tấu đe dọa bà con thôn Giàn Bí khi bị “chạm mặt” ở tiểu khu 27. Nắm thông tin phản ánh, tổ bảo vệ rừng phối hợp công an huyện Hòa Vang, xã Hòa Bắc cùng lực lượng kiểm lâm và dịch vụ môi trường rừng đi vào “điểm nóng”.
Ở đó, họ khống chế, bắt giữ được những đối tượng hung hãn, đồng thời tịch thu được nhiều dụng cụ đào, đãi vàng trái phép, máy nổ, máy xay đá… Sau này, khi Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đánh sập các hầm vàng trái phép, cùng với công tác siết chặt an ninh - trật tự ở địa phương được tăng cường thì tình trạng khai thác trên được hạn chế, nhưng vẫn không thể chủ quan. Với người Hòa Bắc, rừng luôn quý như bạc như vàng. Khi nhắc đến chuyện rừng tổn thương hay chuyện “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, chắc chắn sẽ chẳng ai mong muốn, và Hin cũng vậy.
Giấc mơ với làng
Tâm trí ông trưởng thôn 8x dường như không thôi trăn trở về câu chuyện phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế ở địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa Cơ tu. Mời khách ra quán nước nhỏ dọc tuyến đường ĐT 601 khang trang qua địa bàn xã, sau lưng quán là cao tốc La Sơn - Túy Loan, song song đó là dòng Cu Đê thơ mộng lững lờ trôi dưới những rặng núi, cánh rừng trập trùng nơi cánh Tây thành phố. Hin nói: “Khách từ thành phố đổ về Hòa Bắc ngày một nhiều. Đường sá đi lại cũng khang trang hơn rồi. Ô-tô chở khách theo ĐT 601 về địa bàn xã mất chưa đến 1 giờ đồng hồ. Bữa chừ đang rộ lên trào lưu săn mây buổi sớm. Những biển mây mà các bạn chụp và chia sẻ trên mạng xã hội là ở đây đây, ngay ở Tà Lang - Giàn Bí mình đây. Văn hóa truyền thống Cơ tu cũng đang được nỗ lực giữ gìn, quá nhiều điều để làm du lịch và phát triển kinh tế”.
Trong đôi mắt một người con Cơ tu sinh ra từ làng, Hòa Bắc có tiềm năng không kém những vùng cao khác của miền Trung như Đông Giang, Tây Giang của Quảng Nam hay A Lưới của Thừa Thiên Huế, thậm chí còn có ưu thế về mặt địa lý gần gũi. Tất cả địa phương này đều ít nhiều có những bước phát triển về du lịch cộng đồng trên nền tảng cảnh quan tự nhiên và văn hóa truyền thống. Hin cho biết, đã đón du khách nhiều năm nay, nhưng sản phẩm du lịch của Hòa Bắc chưa thực sự phong phú, bà con cũng chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch. Nhiều người trẻ vẫn chưa nắm được đầy đủ văn hóa của đồng bào mình. Anh mong muốn, người làng ở khía cạnh nào đó có thể tăng cường trồng trọt cây ăn quả, chăn nuôi cũng như rành rọt hơn những điệu múa, những nhạc cụ, những nét văn hóa đặc sắc Cơ tu… để thu hút du khách. Và xa hơn là niềm mong đợi vào những cơ chế, chính sách cho phép một viên ngọc quý như Hòa Bắc “thức giấc” trên bản đồ du lịch.
Trước khi chào khách rời núi, trưởng thôn Đinh Văn Hin hào hứng khoe chuyện cây tà vạt bản địa - loại cây hình thành nên thứ rượu cùng tên trứ danh của người Cơ tu cùng với cây tr’đin đã bắt đầu được ươm trồng nhiều dọc sông Cu Đê. Ở đó, anh kêu gọi sự phối hợp, hỗ trợ từ Công ty TNHH một thành viên xã hội sông Hàn để mang kinh phí về cho bà con ươm trồng.
“Hiện làng mình trồng được 1ha tà vạt, còn tr’đin cũng đang ươm, trồng rải rác mỗi nhà một chút. Nhà mình cũng đang trồng tầm gần chục cây. Tà vạt trồng 3-4 năm có thể cho thành quả”, anh chia sẻ.
Đã có những niềm hy vọng được manh nha trong ánh mắt chàng trai Cơ tu khi nhìn về dòng Cu Đê trước mặt. Đinh Văn Hin, cũng như nhiều người con Hòa Bắc khác đang góp sức cho quê hương đi lên tựa hồ những hạt giống được gieo ở núi rừng, nảy mầm rồi phát triển thành cái cây vững chãi cắm rễ bền chặt vào mảnh đất làng. Những cái cây sẽ còn vươn cao để góp một phần bóng mát cho làng, làng cũng yêu thương, nuôi dưỡng cây bằng mạch nguồn văn hóa quê nhà…
Đinh Văn Hin là 1 trong số 55 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn xã Hòa Bắc hiện tại, tính tới tháng 12-2023. Trong số này có 13 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và 21 người hoạt động không chuyên trách cấp thôn. Trong đó có 6 người ở cấp thôn là người đồng bào dân tộc Cơ tu. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà, những thành công của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách. Một điều khó khăn với những “cánh tay nối dài” ấy có lẽ là những bất cập, vướng mắc còn tồn tại về chế độ chính sách. Theo quy định, các chức danh không chuyên trách ở cấp xã, thôn đều không được hưởng lương, mà chỉ xếp hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 1.00 đến 1,14 mức lương tối thiểu chung, tương đương với 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Xuất phát từ đó mà xã đã vận dụng cơ chế, chính sách của HĐND thành phố và có mức hỗ trợ phù hợp với trình độ, cấp bậc nhằm động viên cán bộ cơ sở yên tâm công tác. |
XUÂN SƠN