Đà Nẵng cuối tuần
Hồ Chí Minh - Giai điệu tương lai
Ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trên toàn cõi Việt Nam đã có ngay những giai điệu ngợi ca tầm vóc của Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tính đến nay, những giai điệu ấy đã gộp thành kho báu khổng lồ cho nhân loại. Không có lãnh tụ nào trên thế giới lại có số lượng bài ca nhiều đến thế. Những giai điệu ngợi ca tự nhiên như thốt lên cảm xúc từ đáy lòng đã hòa âm cùng nhau tạo nên chân dung một thiên tài đại diện cho văn hóa tương lai. Hồ Chí Minh chính là giai điệu tương lai.
Từ chiếc máy chữ này Người đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Trên báo “Ngọn lửa nhỏ” (Ogniok) số 39 ra ngày 23-12-1924 của Liên Xô ngày ấy, nhà thơ, nhà báo Xô Viết nổi tiếng O.Mandestam có bài bình luận “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc”. Bài viết đã tiên cảm phi thường về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây - Nguyễn Ái Quốc - đang tỏa ra một phong thái lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc toát lên thứ văn hóa tương lai”. Với dự cảm đặc biệt của một thi nhân, O.Mandestam nhận ra ngay sự dồn tụ, kết tinh của văn hóa Việt Nam trong con người Việt Nam tiêu biểu nhất và khẳng định Nguyễn Ái Quốc, mà từ Cách mạng Tháng Tám 1945, là Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa của dân tộc Việt Nam và cũng là tinh hoa của nhân loại. Thời gian ấy, Nguyễn Ái Quốc đang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Nhà thơ Xô Viết đã nhìn thấy sự bất tử của một danh nhân văn hóa thế giới, tiên đoán về những giá trị có tầm nhân loại vĩnh cửu của Hồ Chí Minh từ khi còn mang tên Nguyễn Ái Quốc và đang ở độ tuổi “Tam thập nhi lập”.
Lãnh tụ của dân tộc
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau những đêm trường nô lệ, vị lãnh tụ của dân tộc đã được ngợi ca bởi những giai điệu thành kính. Ở Hà Nội là “Biết ơn cụ Hồ” của Lưu Bách Thụ, còn ở Sài Gòn là “Hồ Chí Minh - cứu tinh dân tộc” của Phạm Công Nhiều (lời Quốc Hương). Người Việt Nam đã hát bằng trái tim mình những giai điệu thành kính này.
Bước vào cuộc Trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp sau lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” mà Người đã đọc vang qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đêm 19-12-1946, hình ảnh Người được tạc bằng âm nhạc qua nhiều nhạc phẩm vẫn còn rung động bao người ở thế hệ hôm nay. Người Việt Nam suốt bao năm vẫn hát vang ba bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận và Văn Cao. Họ hát “Người về là chiến thắng” của Vũ Thế Khanh, “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” của Tô Vũ và trang nghiêm khi hát giai điệu về Người trong trường ca “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, hợp xướng “Nắng Ba Đình” của Bùi Công Kỳ (lời Vũ Hoàng Địch).
Những năm tháng hòa bình ở miền Bắc và nối tiếp là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lại thêm những giai điệu mới ngợi ca lãnh tụ của dân tộc thấm sâu vào lòng người. Người ta hát “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” của Nguyễn Tài Tuệ để bày tỏ niềm thành kính về năm tháng Bác lãnh đạo cách mạng Việt Nam cùng những cán bộ trung kiên của Đảng Cộng sản ở hang Pắc Bó - Cao Bằng - kinh đô xưa nhà Mạc. Người ta hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” để nói lên nỗi niềm mong Bác vào thăm miền Nam ngày đất nước thống nhất và bày tỏ lòng tin vào cách mạng, vào Bác trong những ngày tranh đấu gian nan.
Giặc Mỹ đánh phá miền Bắc và xâm lược miền Nam, Bác lại ra lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước hùng hồn khiến toàn dân tộc lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Giống như ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập được mô tả trong hợp xướng “Nắng Ba Đình”, lời kêu gọi chống Mỹ của Bác cũng đã được hát lên bằng hành khúc “Theo lời Bác gọi” của Nguyễn Xuân Khoát (phỏng thơ Lê Kỳ Văn). Những năm tháng ấy, vào mùa xuân, những bài thơ chúc Tết của Người thường được các nhạc sĩ phổ nhạc. Ở chiến trường Tây Nguyên Xuân 1968 mà nhạc sĩ Doãn Nho đã phổ nhạc thơ chúc Tết của Bác hòa cùng âm hưởng dân ca H’rê trong nhạc phẩm “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác”.
Ngày Bác rời cõi tạm theo Các-Mác, Lê Nin cũng là thời điểm toàn dân tộc chìm trong biển âm thanh những nhạc phẩm chắt ra từ con tim rớm máu của các nhạc sĩ, tiếp nhận sức mạnh phi thường từ những âm thanh ấy để biến thành hành động trên chiến trường. Người ta hát “Tình Bác sáng đời ta” của Lưu Hữu Phước (lời Diệp Minh Tuyền) ngay trên chiến hào bom đạn; “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh để vượt qua nỗi đau mất mát và rắn rỏi bước qua thử thách. Cả nước hát về Người. Thế giới hát về Người. Hát về Người xuyên thời gian. Hát về Người khắp không gian.
Ngay từ khi Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Một nhạc sĩ người Anh gốc Scotland tên Evan Macoll đã viết nhạc phẩm ngợi ca Hồ Chí Minh “The ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh). Nhạc phẩm đã được hát ở châu Âu, châu Mỹ và góp phần cho tác giả đoạt giải Grammy ca khúc của năm 1972. Nhạc phẩm đã được nghệ sĩ Quang Hưng sưu tầm trong một lần đi nước ngoài biểu diễn và mang về biểu diễn trong nước qua bản dịch của nhạc sĩ Phú Ân. Đến năm 1965, nhạc sĩ Nga Vladimir Fere - thầy dạy nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại Nhạc viện Tchaikovsky, trong dịp sang thăm Việt Nam đã viết bản đồng ca “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” với phần lời của chính ông và nhạc sĩ Đỗ Nhuận để biểu diễn khắp nơi. Rồi trong bao năm tháng chống Mỹ, nhạc sĩ Mỹ phản chiến Peter Seeger từng được nhạc sĩ Phạm Tuyên ngợi ca trong ca khúc “Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ” đã viết bài ngợi ca “Hồ Chí Minh với cái tên dung dị” “Teacher uncle Ho” (Thầy giáo Bác Hồ). Ông đã được trao giải Grammy thành tựu trọn đời năm 1993. Và còn rất nhiều, rất nhiều các nhạc sĩ ở các nước trên thế giới đã có bài hát ngợi ca Hồ Chí Minh mà chúng ta chưa thể sưu tầm hết.
Suốt bao nhiêu năm tháng qua, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ văn hóa để người dân trong nước, du khách nước ngoài viếng thăm. Và chính nghĩa cử đó đã được các nhạc sĩ cảm xúc thành âm nhạc. Đấy là “Bên lăng Bác Hồ” của Dân Huyền, “Dâng người tiếng hát mùa xuân” của Nguyễn Văn Thương, “Viếng lăng Bác” của Hoàng Hiệp (thơ Viễn Phương), “Vầng trăng Ba Đình” của Thuận Yến (thơ Phạm Ngọc Cảnh), “Chúng con canh giấc ngủ của Người” của Nguyễn Đăng Nước, “Những bông hoa trong vườn Bác” của Văn Dung...
Thời gian càng trôi đi, những bài ngợi ca Bác càng tăng thêm, càng cuốn hút lòng người như những nhạc phẩm đầu tiên. Điều đó càng thấy tiên cảm của nhà thơ O.Mandestam về Hồ Chí Minh như một nền văn hóa tương lai càng ngày càng hiển hiện. Không bao giờ vơi cạn bởi tình yêu bất tận của dân tộc, của nhân loại với vị lãnh tụ đặc biệt này. Đấy là một điều kỳ lạ vô cùng vững bền giữa những bất ổn của thế giới. Hồ Chí Minh - giai điệu tương lai.
Bác Hồ của thiếu nhi
Một điều kỳ lạ ở trong điều kỳ lạ về Hồ Chí Minh mà chúng ta không thể không tôn vinh, đó là tình yêu của thiếu nhi Việt Nam và thiếu nhi toàn thế giới với Hồ Chí Minh. Không màng tuổi tác, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam, thế hệ nào cũng gọi Người là Bác Hồ.
Bác Hồ đọc báo cho các cháu thiếu nhi nghe tại trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Ngay từ sau cách mạng thành công, bên những bài ngợi ca Bác của riêng mình như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của Phong Nhã, “Bé yêu già Hồ” của Đỗ Nhuận. Trong kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Hoàng Việt đã bày tỏ niềm mong ước Bác Hồ vào thăm miền Nam qua một giai điệu trẻ thơ “Mong Bác Hồ vào Nam” với phần lời cùng viết với Minh Trị. Trong giai điệu trẻ thơ, Bác Hồ hiện lên rất đỗi bình dị qua Phong Nhã “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài”, hình ảnh đó tiếp tục được duy trì trong các nhạc phẩm thời hòa bình ở miền Bắc và thời chống Mỹ cứu nước. Ở “Bác Hồ của em” của Phan Huỳnh Điểu thì Bác hiện lên hiền dịu: “Bác Hồ của em có vầng trán cao có đôi mắt hiền từ… có đầu tóc bạc phơ”. Đến “Em mơ gặp Bác Hồ” của Xuân Giao, Bác hiện lên trong mơ như một tiên ông: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu bác dài tóc bác bạc phơ...”.
Còn nhạc sĩ Thanh Phúc và nhà thơ Tạ Hữu Yên thì lại tả giọng hát Bác Hồ “như suối ngọt” qua “Nhớ giọng hát Bác Hồ”. Các nhạc sĩ viết cho tuổi thơ luôn đưa ra những so sánh bất ngờ như “Bác Hồ người cho em tất cả” của Hoàng Long - Hoàng Lân với lời phỏng thơ Phong Thu. Một lập luận rất ngộ nghĩnh nhưng đi tới ý tưởng ngợi ca nhanh nhất đã được sử dụng một cách đắc địa. Sau một loại điều “cho” thì tác giả đi đến khẳng định “Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh”.
Năm 1977 kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười Nga, nhạc sĩ Phan Long đã có một so sánh rất trẻ thơ giữa Lê Nin và Hồ Chí Minh bằng một cái tứ bất ngờ “Từ Ra dơ líp đến Pắc Bó”. Chính vì thế nên bài ngợi ca hai vị lãnh tụ này lại được hát lên bằng một giai điệu rất thiếu nhi. Một giai điệu chứa chan tự hào. Chỉ từ một tấm ảnh Bác Hồ mẹ tặng, giai điệu đã tuôn chảy trong “Tấm ảnh Bác Hồ” của Mộng Lân; “Hôm qua mẹ em tặng cho em ảnh Bác Hồ đẹp xinh xinh lắm cơ…”. “Đẹp xinh xinh lắm cơ” rất tuổi thiếu thời, rất trẻ thơ. Minh Phương - nhạc sĩ Huế thì lại khai thác cách nghi vấn, đặt câu hỏi của trẻ thơ khi viết về những cây phượng trong trường Quốc học Huế nơi Bác đã từng “dùi mài kinh sử”. Một cảm xúc dâng trào dẫn đến: “Cành cây nghiêng nghiêng tự hào/ Cây nào Bác cũng yêu thương”. Cũng một cách nghĩ khác kiểu trẻ thơ mà nếu không am hiểu tâm lý lứa tuổi này sẽ không thể nào viết ra những giai điệu cho các em thấy có mình trong đó, có sự thành kính của thiếu nhi miền núi phương Bắc trước tầm vóc sừng sững của Bác Hồ, Hoàng Long - Hoàng Lân đã độc đáo trong bài ngợi ca “Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác”.
Cùng viết về thiếu nhi dân tộc thiểu số về thăm lăng Bắc từ rừng núi xa xôi, Hàn Ngọc Bích lại khai thác khía cạnh hồn nhiên khác của trẻ thơ. Đó là khi cậu bé Tây Nguyên lắng nghe tiếng chim trong vườn Bác Hồ qua bản ngợi ca: “Tiếng chim trong vườn Bác”. Giai điệu hào sảng, thoáng đãng: “Sáng sớm nay cháu đến thăm vườn Bác/ cháu bé Tây Nguyên đến thăm vườn Bác Hồ”. Cũng vẫn Hàn Ngọc Bích, tác giả còn rất ý nhị khi viết “Tre ngà bên lăng Bác”. Một bụi tre bình thường dễ bị lãng quên giữa những điều to tát khác lại được tác giả coi như một đối tượng để thông qua đó ngợi ca Bác bằng một tình cảm kín đáo, chân thành không thể hoài nghi, không hô hào cổ động.
Sau ngày thống nhất đất nước, đã có những giai điệu dành riêng cho người lớn về Thành phố Hồ Chí Minh như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác” của Cao Việt Bách (lời Đăng Trung), “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng thì cũng có những giai điệu dành cho thiếu nhi như “Là măng non thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Giao. Dung dị hơn, tác giả Mộng Lân lại gọi là “thành phố Bác Hồ” rất trẻ thơ. Nhạc phẩm “Buổi sáng trên thành phố Bác Hồ” đã truyền vào tuổi các em lòng biết ơn Bác và các em đã chăm học, chăm làm để trở thành những cháu ngoan Bác Hồ, tiếp bước con đường Bác đi, trở thành hoa thơm dâng lên Bác thành kính qua nhạc phẩm “Hoa thơm dâng Bác” của Hải Hà.
Biết bao thế hệ thiếu nhi đã hát, đã lớn lên từ những giai điệu hồn nhiên này và đã trưởng thành trở nên những nhân vật lớn, những chiến sĩ anh dũng góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước hùng cường như ước nguyện của Bác.
NGUYỄN THỤY KHA