Đà Nẵng cuối tuần
Những người bạn từ phương xa
Với nhiều tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Đà Nẵng trong công tác an sinh - xã hội, Đà Nẵng như quê hương thứ hai. Không còn khoảng cách ngôn ngữ, địa lý hay văn hóa, sự hiện diện của những “ông Tây bà Tây” đầy nhiệt huyết ở thành phố biển đã góp thêm cho cộng đồng xã hội những mảng màu tích cực.
Tổ chức Steady Footsteps hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng ở Bệnh viện Y học Cổ truyền. Ảnh: X.S |
Nâng cao giá trị cộng đồng
Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố sáng 21-5 đón những vị khách đặc biệt từ Tổ chức cứu tế thế giới Úc (AOGWR), đó là vợ chồng người Australia, Kelvin Anthony Windsor và Rebekah Windsor. Cùng đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các thành viên AOGWR tham quan thực tế, ghi nhận thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động thu dung, điều trị, chăm sóc cho trẻ tại khoa Phục hồi chức năng Nhi. Từ đây, một kế hoạch tài trợ dụng cụ, thiết bị phục hồi chức năng được nhen nhóm giữa các bên, nhằm nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc điều trị, giúp trẻ khuyết tật tại bệnh viện sớm hòa nhập cộng đồng.
Đó là một trong số nhiều “việc cần làm mỗi ngày” trong lịch trình của AOGWR tại Quảng Nam và Đà Nẵng suốt nhiều năm nay. Trong phạm vi hoạt động của tổ chức với 8 thành viên, họ tập trung vào phát triển, hỗ trợ cộng đồng; vận động và nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật; cứu trợ khẩn cấp… Trong đó có câu chuyện giúp đỡ sinh kế, trao “cần câu cơm” cho những hộ khó khăn; các gia đình ở vùng sâu vùng xa; tài trợ phẫu thuật, khám sàng lọc cho các em nhỏ khó khăn bị tim bẩm sinh; trao xe lăn, thiết bị y tế cho các bệnh viện; trao bể bơi, tuyên truyền về sử dụng nước sạch; đào tạo kỹ năng sống cho trẻ…
Vợ chồng Rebekah Windsor có mặt ở miền Trung được 13 năm. “Trong ký ức của chúng tôi, vùng đất Đà Nẵng - Quảng Nam những ngày đầu tôi đến còn nhiều khó khăn, trước hết về mặt đời sống, rất nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ. Chúng tôi nghĩ, nên có những dự án thiết thực và phù hợp để hỗ trợ chính quyền địa phương cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”, bà Rebekah chia sẻ.
“Chúng tôi nhận được những niềm vui ý nghĩa khi giúp đỡ người khác. Tôi và vợ đều lớn lên trong gia đình không mấy khá giả, điều kiện thiếu thốn ở quê nhà nên có sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Chọn Đà Nẵng hay Quảng Nam để tiếp nối hành trình của AOGWR là cách để chúng tôi san sẻ yêu thương đến cộng đồng”, ông Kelvin Anthony Windsor nói. Trong sự san sẻ đó, họ nhấn mạnh giá trị tích cực của con người trong cải thiện đời sống và đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn.
TS.BS. Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng nhắc đến gia đình Windsor như những người bạn nhiệt tình. Với góc nhìn đơn vị y tế, ông nói, sự có mặt của những tổ chức quốc tế là dịp để hợp tác, trao đổi, phát triển chuyên môn, nâng cao công tác điều trị cũng như hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
“Sẽ ở lại Đà Nẵng mãi mãi”
Trong phòng làm việc của mình, lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Đà Nẵng) treo một bức tranh phong cảnh do họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền sáng tác. Qua những mảng màu sáng, bức tranh toát lên tinh thần thư thái, tươi vui của thiên nhiên và con người. Câu chuyện về họa sĩ Tấn Hiền được ông Tuấn và những người từng gặp anh kể lại trong xúc động. Rẽ lối từ ước mơ làm giáo viên sang hội họa sau một tai nạn, bằng nghị lực phi thường, chàng trai quê Đắk Lắk “mặc kệ” tình trạng tật nguyền. Anh tập vẽ trong thời gian điều trị ở Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố.
Ngoài sự hỗ trợ của đội ngũ y tế, kỹ thuật viên, anh nhận được sự động viên, truyền cảm hứng từ đôi vợ chồng người Mỹ Philip David và Virginia Mary Lockett - cũng là cộng sự của lương y Phan Công Tuấn trong công tác điều trị phục hồi chức năng. Bằng tình cảm không biên giới, họ gửi cho anh Hiền những tập giấy, bút vẽ… và giúp anh lan tỏa những bức vẽ đến nhiều nơi. Bây giờ, chàng trai ngồi xe lăn với nét vẽ tỉ mẩn ngày ấy đã trở thành một tên tuổi trong giới hội họa với những tác phẩm giá trị cao.
Điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền hơn 8 tháng nay, bà Trần Thị Thiên (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) quen với hình ảnh đôi vợ chồng Tây lớn tuổi cùng những kỹ thuật viên ân cần hỗ trợ, giúp đỡ những bệnh nhân như bà. “Tôi bị đột quỵ, rồi tai biến. Nếu chỉ loanh quanh ở quê thì tình trạng cơ thể tôi sẽ tệ hơn nên quyết định ra Đà Nẵng tập phục hồi chức năng. Ở đây không khí luôn vui vẻ, thoải mái khi chúng tôi có sự quan tâm, động viên của những kỹ thuật viên mà đặc biệt là Tổ chức Steady Footsteps”, bà Thiên chia sẻ.
Anh Hiền và bà Thiên là hai trong hàng chục nghìn bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức Steady Footsteps từ năm 2006 đến nay tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Bệnh viện Y học Cổ truyền. Dưới sự điều hành của chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ Virginia Mary Lockett, tổ chức này phối hợp các bệnh viện điều trị, phục hồi chức năng cho những trường hợp: di chứng chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống, trẻ bại não và chậm phát triển vận động… Bên cạnh đó, hỗ trợ dụng cụ y tế cho bệnh nhân khó khăn, giúp bệnh nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho đội ngũ cán bộ y tế tại bệnh viện.
“Steady Footsteps ra đời khi chúng tôi nhận thấy rất nhiều bệnh nhân ở Việt Nam có nhu cầu điều trị phục hồi chức năng và chăm sóc toàn diện. Thời điểm gần 30 năm trước, chưa có nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ cho các bệnh nhân lâu dài, chỉ dừng ở các hoạt động tình nguyện có thời hạn”, bà Lockett cho biết. Vì lý do đó, mà người phụ nữ đến từ bang Virginia cùng chồng quyết định sang ở hẳn Việt Nam để hỗ trợ các bệnh viện, với suy nghĩ “sẽ gắn bó mãi mãi với Đà Nẵng”. Hành trình gắn bó ấy, đến nay đã tròn 18 năm và sẽ còn đi tiếp.
Lương y Phan Công Tuấn làm việc chung với Steady Footsteps từ năm 2013 đến nay. Trong cảm nhận của ông, sự có mặt của những người bạn tình nguyện từ phương xa không chỉ giúp đỡ về mặt điều trị phục hồi mà còn tạo giá trị tinh thần, cho bệnh nhân và cho cả những nhân viên y tế.
Trân trọng đóng góp của những đồng nghiệp đặc biệt, ông Tuấn thường giới thiệu với mọi người những kỷ vật liên quan, đó là chiếc mũ bảo hiểm bà Lockett tặng ở thời điểm 18 năm trước, là bức tượng chân dung của bà do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tạc nên hay bức ảnh và bài thơ về người phụ nữ Mỹ ngồi máy may làm đai hỗ trợ cho bệnh nhân…
AOGWR và Steady Footsteps là hai trong số nhiều tổ chức nước ngoài có đóng góp cho sự phát triển của thành phố, được UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị, địa phương ghi nhận. Với họ, Đà Nẵng giờ đã là quê hương thứ hai. Không còn khoảng cách ngôn ngữ, địa lý hay văn hóa, sự hiện diện của những “ông Tây bà Tây” đặc biệt này đã góp thêm cho cộng đồng xã hội những mảng màu tích cực trong hành trình an sinh.
XUÂN SƠN