Đà Nẵng cuối tuần
Từ baguette của Pháp đến bánh mì Việt Nam
Có mặt khắp các nẻo đường phố, bánh mì là một phần bản sắc văn hóa của Đà Nẵng, của Việt Nam. Lưu giữ trong từng hồi ức mỗi người, bánh mì chứa đựng bao tâm hồn Việt.
Mới đây, chuyên trang ẩm thực TasteAtlas đã đưa món bánh mì Việt Nam vào vị trí đầu tiên trong danh sách top “Top 100 sandwiches in the world” (100 món bánh sandwich ngon nhất thế giới). Có lẽ, không nơi nào ở Việt Nam mà món bánh mì lại được sáng tạo thành nhiều loại như Đà Nẵng, mà “biến tấu” nào cũng “ngon nhức nách”. Bánh mì không chỉ đồng hành cùng tuổi thơ “ngày hai buổi đến trường” mà còn lưu dấu nhiều hồi ức đẹp của tháng năm nơi quê nhà.
Bánh mì Việt Nam không chỉ thu hút bởi hương vị đặc trưng mà còn nhờ sự sáng tạo đa dạng ở từng vùng miền. Ảnh: Y.Đ |
Ăm ắp trong từng hồi ức
Tá túc nhà chúng tôi dịp ghé Đà Nẵng chơi, bữa nào cũng như bữa ấy, con của bạn đều đặn ngày hai bữa đòi bánh mì que. Có hôm bạn cằn nhằn: “Đà Nẵng quá trời đặc sản không ăn, mê gì mê đắm mỗi một món”, cậu nhóc hào hứng hét vang: “Trời ơi, ngon tuyệt đỉnh luôn mẹ”. Hai người lớn phì cười trước sự hân hoan của trẻ nhỏ bởi cũng là “fan” ruột của bánh mì que nói riêng và bánh mì nói chung. Rứa là, ngày nào chúng tôi bận, cậu nhỏ lon ton mua bánh mì ở quầy đối diện nhà. Ngày nào thong thả, chúng tôi dẫn cậu nhóc lê la từ quán bánh mì que này đến quán bánh mì que khác. Lần ăn nào cậu nhóc cũng reo vui như lần đầu được cắn ổ mì giòn rụm thơm lừng mùi bơ.
Nhìn nụ cười tươi rói hồn nhiên ấy, bất giác nhớ mình cũng từng có tuổi thơ rộn ràng như thế. Quãng thời gian bánh mì que mới có mặt tại Đà Nẵng, góc đường Phan Châu Trinh - Hùng Vương trở thành con đường quen thuộc mỗi ngày của tôi; lúc mua hai ổ chống đói cho buổi học thêm, bữa mang về gần hai mươi ổ cho đại gia đình. Các quầy hàng dày đặc san sát nhưng chỗ nào cũng đông khách, lần nào cũng phải đợi rất lâu mới đến lượt. Đêm, cả nhà quây quần bên nhau, những ổ bánh mì vừa quen, vừa lạ trở thành “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trong râm ran trò chuyện, không dưới chục lần chúng tôi tấm tắc: “có pate với hành phi không thôi mà răng ngon dữ ri hè”…
Ngày 24-3-2011 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình chinh phục ẩm thực thế giới của bánh mì Việt khi từ "Bánh mì"- (banh mi /ˈbɑːn miː/) chính thức có mặt trong từ điển Oxford. |
Rứa mà hương vị bình dị ấy vương mãi trong nỗi nhớ cồn cào những chuyến phiêu diêu. Hồi mới vào Sài Gòn, thèm dữ lắm mà không kiếm đâu ra cái món quê hương thân thương giữa xứ phồn hoa nhộn nhịp. Sau hơn mười lăm năm xa xứ, tôi mới lại có dịp vỗ về nỗi bổi hổi bồi hồi nhớ nhà khi chuỗi cà phê nổi tiếng đưa thức bình dân này vào kinh doanh. Cô em gái mới rời nhà đi chưa lâu, cầm chiếc bánh mì trên tay cũng rưng rưng như chị. Hơn cả một món ăn, chiếc bánh mì chứa đựng bao kỷ niệm của dặm hành trình trưởng thành. Bánh mì que nơi xứ người không chỉ có nhân pate béo ngậy đặc trưng của quê nhà mà còn được “biến tấu” với nhân gà xé, thịt nướng… nhưng hai chị em lần nào cũng chỉ gọi cho riêng mình hương vị quen thuộc, để ăn và để thương!
Hơn hai mươi năm, tôi từ cô nhóc ngày ngày lóc cóc đạp xe từ lớp này đến lớp kia trở thành người biền biệt tha phương, vẫn giữ niềm luyến lưu đậm đặc trong tim. Hơn hai mươi năm, bánh mì que trở thành “đặc sản” đâu đâu cũng có và là món “best-seller” không cần bán kèm cùng các loại bánh mì khác. Như xe hàng của anh Nguyễn Phi Hoàng (SN 1979, ngụ quận Liên Chiểu) mỗi ngày (14 giờ đến 20 giờ) bán trung bình 200 ổ từ thứ Hai đến thứ Năm, 500-600 ổ vào cuối tuần. Gia đình nhiều đời sinh sống bằng nghề làm bánh, quãng thanh niên, anh bê mâm bánh đủ loại (bánh rán, atiso, bông lan…) bán dạo khắp nơi. Trên nẻo đường rong ruổi, anh nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng với bánh mì que nên quyết tâm khởi nghiệp. Hai mươi hai năm, xe bánh mì nhỏ gọn trên đường Võ Nghĩa (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) của anh ngày càng được nhiều người biết đến và đạt lượng tiêu thụ cao. Nhưng với người đàn ông ấy, niềm vui không đến từ sản lượng mà đến từ nụ cười thích thú của người mua khi thưởng thức “đặc sản”.
Muôn kiểu bánh mì Đà Nẵng
Nhắc bánh mì lại nhớ đến câu chuyện vui này. Có bữa ở Sài Gòn lên cơn thèm bánh mì gà nên nhờ em gái mua hộ, cậu nhóc trọ cùng nhà nghe vậy cũng gửi kèm. Đến khi cầm ổ bánh mì trên tay, cậu thắc mắc liên hồi: “Ủa, em tưởng bánh mì gà là phải có thịt gà chớ?”; “Ủa, bánh mì gà mà chỉ có chà bông là sao?” khiến chúng tôi không thể nhịn cười. Được dịp, chúng tôi say sưa giới thiệu “món ruột”: “Bánh mì gà Đà Nẵng có hình dạng mập mạp và tròn, tương tự như bánh hamburger. Nhân bánh gồm dăm bông, sốt bơ, đu đủ, rau thơm, tương ớt. Phải là sốt bơ làm từ trứng gà và tương ớt đặc trưng của Đà Nẵng nha…”. Vừa kể, vừa tưởng tượng cái vị béo ngậy của sốt bơ, vị tươi mát của đu đủ, vị ngọt cay của tương ớt mà thòm thèm.
Rồi chúng tôi rủ rê: “Hôm nào ra Đà Nẵng, tụi chị dẫn đi “mì tour”, bảo đảm ngon nhức nách”. Chúng tôi tự tin hứa hẹn một tour riêng bánh mì bởi lẽ lần nào có dịp về quê, hai chị em đều lang thang nhâm nhi từ bánh mì que, bánh mì gà, bánh mì thịt nướng, bánh mì heo quay đến bánh mì bột lọc, bánh mì cá rim, bánh mì ốp la (bò né)… Riêng mỗi “nhân” cũng có đến mấy tiệm “ưng bụng” nên chẳng lần nào là đủ thời gian cho “mì tour”.
Có lẽ, không nơi nào ở Việt Nam mà món bánh mì lại được sáng tạo thành nhiều loại như Đà Nẵng, mà “biến tấu” nào cũng “ngon nhức nách”. Bánh mì không chỉ đồng hành cùng tuổi thơ “ngày hai buổi đến trường” mà còn lưu dấu nhiều hồi ức đẹp của tháng năm nơi quê nhà. Bánh mì chấm sữa má ưng, bánh mì xì dầu ba mê là niềm thương vun bồi theo tháng năm. Bánh mì là “tình yêu thủy chung” như cách mà cô bạn bác sĩ gọi vui về món “cứu đói” ăn mãi không ngán trong các ca trực. Bánh mì là cách tôi quảng bá hình ảnh quê hương đầy gần gũi với bạn bè muôn nơi. Bánh mì “gây thương nhớ” da diết với các du học sinh trong những ngày cách ly Covid-19… Đâu chỉ là món ăn, bánh mì Đà Nẵng nói riêng và bánh mì Việt Nam nói chung không chỉ là “thương hiệu” của văn hóa ẩm thực mà còn chất chứa đậm sâu tâm hồn người Việt.
Du khách Freddy (Hà Lan) thích thú thưởng thức bánh mì tại một quán trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu). Ảnh: Y.Đ |
“Di sản” của Việt Nam
Mới đây, chuyên trang ẩm thực TasteAtlas đã đưa món bánh mì Việt Nam vào vị trí đầu tiên trong danh sách top “Top 100 sandwiches in the world” (100 món bánh sandwich ngon nhất thế giới). Trang TasteAtlas miêu tả bánh mì - “bun mee” - là “di sản” của Việt Nam. Bên cạnh bánh mì nói chung đứng đầu danh sách, bánh mì thịt và bánh mì heo quay lại được xếp riêng, lần lượt ở vị trí số 9 và 29. Bánh mì cũng nhiều lần nhận lời khen có cánh từ các tờ báo danh tiếng trên thế giới. Năm 2012, báo The Guardian (Anh) xếp “bánh mì Việt Nam” ở vị trí thứ hai trong danh sách “10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới”. Năm 2013, bánh mì đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố của tạp chí Condé Nast Traveler (Mỹ). Năm 2018, kênh truyền hình CNN (Mỹ) dành tặng danh xưng “Vua của các món sandwich trên thế giới”…
“Một bí mật ít được biết đến là bánh sandwich (bánh mì kẹp) ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí thành phố New York, mà trên các đường phố của Việt Nam.” Trích đoạn trong bài viết “The world’s best street food (Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới) trên tờ The Guardian (tờ báo uy tín của nước Anh) tháng 12-2012. |
Nhưng để có được những vinh danh này, bánh mì Việt Nam đã trải qua hành trình dài thăng trầm cùng lịch sử đất nước: từ to, dài đến nhỏ, ngắn để giảm giá thành; từ bàn ăn sang trọng xuống khắp nẻo đường phố; từ xa xỉ đến bình dân; từ đặc ruột đến ruột xốp, mềm, vỏ mỏng vì nguồn cung bánh mì khan hiếm do Thế chiến thứ nhất nổ ra; từ chủ yếu được cắt lát đến kẹp nhân tiện mang theo… Ổ bánh mì Việt đi qua từng vùng miền lại “khoác” thêm chiếc áo ẩm thực đặc trưng của mảnh đất đó nên càng đa dạng, phong phú.
Cứ thế, bắt nguồn từ baguette - một trong những biểu tượng ẩm thực của nước Pháp - du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIX, người Việt đã tạo nên “đế chế” bánh mì của riêng mình cả trong lẫn ngoài nước. Chiếc bánh nhỏ nhắn bình dân được yêu thích đến độ thực khách xếp hàng dài đợi thưởng thức tại các cửa hàng trên thế giới, như: bánh mì Sài Gòn (New York, Mỹ), bánh mì Bun Mee (San Francisco, Mỹ), bánh mì Phượng (Hàn Quốc), bánh mì Kêu (London, Anh), bánh mì Kitchen (Hongkong), bánh mì Xin Chào (Nhật Bản)… Bằng sự sáng tạo từ các nguyên liệu bản địa mộc mạc, gần gũi, bánh mì Việt Nam chinh phục tín đồ ẩm thực đến từ khắp nơi trên thế giới với danh từ riêng “banh mi” chứ không phải Vietnamese baguette, Vietnamese sandwich hay một sự định danh bằng món ăn nào đó mà thế giới vốn quen.
Xin được mượn lời giới thiệu của Google khi vinh danh bánh mì trên giao diện trang chủ của công cụ tìm kiếm này tại hơn 10 quốc gia vào tháng 3-2020 để khép lại bài viết với lòng tự hào về một món ăn bình dân mà không “bình dân”: “Ổ bánh mì Việt Nam được sinh ra từ cuộc giao thoa văn hóa Pháp - Việt. Một ổ baguette dài với thịt nguội và bơ hoặc phômai đã được thay đổi, thêm thắt, chuyển hóa thành ổ bánh mì nhỏ hơn và thêm các nguyên liệu mang đầy đủ tâm hồn Việt: rau thơm, hành, ngò, patê, thịt heo hoặc gà, chút nước xốt từ thịt, rắc muối, tiêu và cả ớt miếng, mang đủ các vị”.
YÊN ĐAN