Đà Nẵng cuối tuần

Đứng trước biển

16:23, 31/08/2024 (GMT+7)

Paul Collier (23-4-1949), một giáo sư kinh tế và chính sách công nổi tiếng tại Đại học Oxfort (Anh). Ông cũng là thành viên của tổ chức “Tính mong manh, tăng trưởng và phát triển của nhà nước” thuộc Trung tâm tăng trưởng quốc tế từ cách nay 6 năm. Đối với các lãnh thổ gắn liền với biển, Paul Colier có câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn có biển, bạn phục vụ thế giới; nếu bạn không giáp biển, bạn phục vụ láng giềng của mình”. Câu nói đó khiến tôi nhớ lại tình hình địa lý thực tế châu Á hiện nay.

Toàn bộ châu Á có 12 nước không có biển, trong đó có Lào sát gần Việt Nam. Hàng chục năm qua từ sau hòa bình, việc buôn bán hàng hóa ra nước ngoài và cả nhập khẩu của Lào phải luôn cậy nhờ vào Việt Nam, Campuchia hoặc Thái Lan... Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu từ Lào đến cảng Bangkok (Thái Lan) vẫn thuận lợi hơn nhờ giao thông, nhưng chi phí lại khá đắt đỏ. Anh bạn kỹ sư Xom-Xắc, người tỉnh Pakse từng kể với tôi là người Lào phải làm giàu cho họ nếu muốn mua bán với phương Tây. Còn cô con gái 16 tuổi của anh, khi tôi hỏi cháu có muốn đi Việt Nam không, bên đó có biển đẹp lắm.

Cô bé đã nói: "Cháu không biết biển". Khi tôi quen với gia đình người bạn Lào ấy, mỗi lần đến thăm anh, tôi đều mang theo các loại quà là cá, mực từ biển Đà Nẵng, còn anh thì thường lái xe đưa tôi đến trang trại ngoại ô của anh và đã ăn không thiếu món nào. Và qua đó chúng tôi rất quý nhau. Sau những năm đổi mới, nhờ có quan hệ với nhiều bạn bè Việt và Thái anh đứng ra thành lập một công ty khai thác du lịch và lữ hành, lấy Quốc lộ 9 là trục lưu thông chính. Nhờ vậy, bây giờ hằng tuần anh đều có mặt ở Việt Nam và biển Đà Nẵng, cả con gái và con trai anh cũng không còn xa lạ với biển nữa và tất nhiên chúng lại rất mê biển và đòi xuống Việt Nam sinh sống luôn khi lập gia đình!

Sức hấp dẫn của biển là như vậy đó, chỉ thông qua một gia đình. Tất nhiên Xom-Xắc từng học tại Hà Nội, từng công tác với bộ đội Việt Nam và nói tiếng Việt cũng rất thạo!...

Từ khi được thực dân Pháp cử sang làm toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer đặc biệt quan tâm đến những con sông lớn là Mê Kông và sông Hồng rồi sau đó là các con sông khác như Đồng Nai, sông Mã, sông Thu Bồn, sông Hương… và các tác động kinh tế, lịch sử của nó. Sông thì có các đồng bằng và sản vật cũng như con người mỗi vùng đất. Nhưng sông không đứng yên mà phải chảy. Chảy ra biển. Vậy là Paul Doumer lại say sưa tìm ra các cửa biển Hải Phòng, Sài Gòn và nhất là Đà Nẵng.

Ông nói gì về Đà Nẵng? Không chỉ là cảnh đẹp ở đèo Hải Vân, không phải là chuyện vay đến 200 triệu Franc làm đường xe lửa và khoan hầm vượt núi để đưa tàu lửa đến cửa Hàn, mà là: “…Vậy là ta lướt qua hết xứ thuộc địa Đà Nẵng và như vậy chúng ta chưa tương xứng với một xứ sở, mà lẽ ra nơi này phải đang phát triển kinh tế rất nhanh chóng”. Rồi ông đưa ra các câu hỏi: Cảng Đà Nẵng vẫn thô sơ, giao thông nối cảng biển với đất liền, nơi mà các sản phẩm có thể chuyển đến cảng, đã bị các dãy núi đồ sộ chắn ngang, gây bất lợi cho việc trao đổi…

Tuy nhiên, Đà Nẵng là một vịnh lớn, sâu và tĩnh lặng che chở, trải ra một khu vực tuyệt vời của Biển Đông đến vịnh Bắc Bộ hơn 600 dặm. Tất cả các hoạt động mang theo sự giàu có từ Bắc chí Nam nhất định phải đi qua đây. Đó còn là của xứ Trung Kỳ mở ra thế giới, để tận dụng lực đẩy kinh tế lớn mà các nước văn minh mang lại.

“Thiên nhiên đã tạo ra nơi này một lợi thế. Cần phải làm gì để thúc đẩy con người đang chây ì, để đột phá tầm nhìn hạn chế vốn đang gây trì hoãn vô thời hạn sự phát triển và ngăn cản dòng chảy hàng hóa vào đây?”. Hơn một thế kỷ trước,chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm. Vị toàn quyền đến từ phương Tây đã có những phát biểu như vậy!

Ông Paul Doumer còn tổ chức thực hiện và lại tiếp tục đi trên các tuyến tàu biển từ Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thượng Hải, Nhật Bản, Marseille. Ông nắm trong tay có bao nhiêu hàng vận tải biển hoạt động hàng tuần trong khắp cõi Đông Dương, tốc độ, trọng tải, lượng hành khách của mỗi chuyến tàu và thậm chí cả các luồng lạch,  tên tuổi, tay nghề và cả thói quen của từng thuyền trưởng.

Tôi đọc lại hồi ký của Paul Doumer, thấy dường như các tuyến tàu thuyền Đà Nẵng - Sài Gòn và Đà Nẵng - Hải Phòng ông đã thuộc lòng nhờ đi lại khá nhiều lần. Ông ghi chép nhiều về cả Cù Lao Chàm và vịnh Vân Phong ở Khánh Hòa, cả lộ trình đi về của các tàu Trung Hoa, Nhật Bản đến Việt Nam để buôn bán. Ông còn ghi chép khá đầy đủ về nghề đi biển và lái tàu viễn dương của người Chăm.

Tôi, người viết bài này, cho rằng bằng những trải nghiệm cụ thể đó, Paul Doumer xứng đáng là người hiểu rõ thế mạnh của Biển Đông!

Đứng trước biển vào năm thứ 24 của thiên niên kỷ thứ 2, giờ đây, còn có thể nói thêm gì? Hãy nói đến các cụ Lê Quý Đôn và Huỳnh Thúc Kháng!

Đọc Ô Châu cận lục của Trúc Đường và báo Tiếng Dân của Huỳnh Tiên Sinh, thế hệ tôi càng biết đến Biển Đông đã sừng sững và mênh mông trước thềm tổ quốc để thêm yêu quê hương mình...

Tháng 8-2024
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.