Đà Nẵng cuối tuần

"Ghế nóng" và những cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo

14:55, 10/08/2024 (GMT+7)

Thi tuyển chức danh lãnh đạo không phải là chuyện mới, cả ở trong nước cũng như trên thế giới. Thi tuyển để ngồi vào “ghế nóng” cũng không hề xa lạ. Tất nhiên, mức độ “nóng” của chiếc ghế quyền lực ấy đến đâu mới là vấn đề đáng quan tâm.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thí sinh trúng tuyển đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, bài học và trải nghiệm với cương vị là những người đầu tiên giữ các vị trí lãnh đạo thông qua thi tuyển.

Thông tin đáng chú ý liên quan đến ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Tuấn cho biết, cách đây 14 tháng, ông cùng 26 đồng nghiệp khác là giám đốc, phó giám đốc được quy hoạch chức danh giám đốc các bệnh viện tại thành phố được Sở Y tế mời lên để thông tin kế hoạch thí điểm thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt. “Thật lòng, nhiều bạn bè, người thân khi biết tin đã ngăn cản vì cho rằng vị trí giám đốc Bệnh viện Mắt là một ghế nóng. An toàn nhất là cứ tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Ung bướu để hơn một năm nữa sẽ có nhiều cơ hội được bổ nhiệm làm giám đốc, đúng với sở trường và nguyện vọng”, ông Tuấn kể.

Thế nhưng, ông Tuấn đã không lựa chọn sự an toàn, nhất là trước những thông tin mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về những khó khăn của Bệnh viện Mắt, rất cần sự cống hiến, dấn thân của đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch. Ông Tuấn tự nguyện đăng ký tham gia kỳ thi và trúng tuyển. Khi nhận nhiệm vụ mới, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thực trạng đang diễn ra với khá nhiều thách thức, ông Tuấn bàn bạc để rồi đi đến thống nhất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện về một quy chế làm việc mới, dân chủ, công khai, minh bạch.

Không riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhiều cơ quan Trung ương, các địa phương khác trên cả nước cũng đã, đang và sẽ tiến hành công việc này, thay vì việc bổ nhiệm, đề bạt quen thuộc. Ví như Hà Nội thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố, thực hiện từ ngày 1-6-2023 đến ngày 31-12-2024.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ thực tiễn tổ chức thí điểm thi tuyển theo đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho rằng, trong công tác cán bộ, việc thi tuyển đã thể hiện sự linh hoạt, do đó cần nghiên cứu để lựa chọn được cán bộ phù hợp. Ông Mãi khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thí điểm và mở rộng thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, đồng thời mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp huyện trong năm 2024.

Có thể khẳng định rằng, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là một chủ trương tốt, thực sự tạo ra sân chơi công bằng để phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, đáp ứng tốt yêu cầu của công cuộc đổi mới ở các đơn vị, địa phương.Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, tổ chức ngày 27-4-2020, ban tổ chức cho biết, đề án được thực hiện thí điểm đối với 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện đề án còn tồn tại một số hạn chế, việc chuẩn bị và chỉ đạo nôi dung thi tuyển chưa đầy đủ và có những điểm chưa cụ thể, rõ ràng, sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện đề án có lúc chưa chặt chẽ; nhiều cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm còn lúng túng trong triển khai thực hiện, thời gian thực hiện kéo dài...

Hơn 4 năm đã trôi qua, quá trình thực hiện đề án chắc chắn có sự đổi thay khác biệt. Như với Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổng kết hôm 6-8, rằng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn người thực sự có năng lực phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức; góp phần thực hiện tốt quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đồng thời, việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý các cấp đã khắc phục tâm lý ngại khó khăn, thiếu chủ động, cục bộ, khép kín trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Và việc mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ không chỉ diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn tạo cơ hội lớn hơn cho nhiều người đủ tiêu chuẩn tham gia. Và như thế, những cuộc thi công khai, minh bạch, sòng phẳng để chọn lãnh đạo, quản lý sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, kể cả với những chiếc “ghế nóng” đầy khó khăn, gian truân, thách thực sự dấn thân, thoát khỏi cái vỏ bọc an toàn của những ứng viên giàu khát vọng, hội đủ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần vượt bão giông, chiến thắng chính bản thân mình, vì sự đoàn kết, phát triển của tập thể, bất kể ở địa phương hay cơ quan Trung ương.

NGUYỄN TRI THỨC

.