Đà Nẵng cuối tuần
Thành phố mang tên một nữ thần
* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức ngày 28-7-2024 có nói đến một người phụ nữ tên Rịa được đặt tên thành phố Bà Rịa, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở nước ta còn có tỉnh, thành nào cũng được đặt theo tên phụ nữ như thế nữa không? (Trương Văn Cẩm, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Gần trăm năm qua, Sa Đéc nổi tiếng cả nước với nghề trồng hoa kiểng. Ảnh: S.T |
- Tỉnh Đồng Tháp, một trong 3 tỉnh vùng cao của Đồng bằng sông Cửu Long, có một thành phố mà tên gọi gắn với tên của một vị nữ thần. Đó là thành phố Sa Đéc. Lật giở lịch sử, xưa kia vùng đất Sa Đéc có tên Khmer là Phsar Dek. Cái tên này có 2 cách hiểu: (1) tên một vị nữ thủy thần được đồng bào Khmer vô cùng tôn sùng; (2) chợ Sắt.
Theo vietnamnet.vn, truyền thuyết dân gian cho biết, Sa Đéc là tên của một người con gái xinh đẹp nổi tiếng trong vùng này. Vì tình yêu dang dở mà cô quyết định cắt tóc đi tu, sau đó lại trở về lập chợ. Người dân nhớ ơn nàng nên lấy tên Sa Đéc đặt cho chợ, nó tồn tại đến tận nay.
Tỉnh Đồng Tháp được thành lập tháng 2-1976 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ. Ban đầu, 3 tỉnh Long Châu Tiền, Sa Đéc, Kiến Tường được dự kiến sáp nhập thành tỉnh mới. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình thực tế, Bộ Chính trị đã quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, trong đó tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong cũ được hợp nhất thành Đồng Tháp.
Khi mới thành lập, tỉnh Đồng Tháp có tỉnh lỵ ban đầu đặt tại thị xã Sa Đéc. Đến năm 1994, tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp lại được dời về thị xã Cao Lãnh (từ năm 2007 trở thành thành phố Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp). Đến cuối năm 2013, thị xã Sa Đéc cũng được nâng cấp lên trở thành thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Theo Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp, gần một trăm năm qua, Sa Đéc nổi tiếng cả nước với nghề trồng hoa kiểng. Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc cung cấp cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung... và đang hướng đến các thị trường xuất khẩu khác.
Làng hoa Sa Đéc nổi tiếng khắp Đồng Tháp, rộng hơn 300ha với gần 2.000 hộ dân sinh sống. Làng có hai mặt tiếp giáp với sông Tiền và sông Sa Đéc, thuận tiện vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ. Nghề trồng hoa kiểng ở đây được hình thành từ những năm 1930. Không chỉ là vựa hoa của khu vực miền Tây Nam Bộ, Sa Đéc còn nổi tiếng với làng làm bột truyền thống hơn 100 năm.
Báo Dân Việt (danviet.vn) cho biết thêm, Sa Đéc là vùng đất có lịch sử lâu đời. Nơi đây chính là đô thị lâu đời nhất của tỉnh Đồng Tháp, tồn tại hơn 300 năm qua (cùng lúc với Sài Gòn). Hiện tại diện tích thành phố Sa Đéc là khoảng 5.911 ha, dân số khá thưa thớt khi chỉ hơn 200.000 người.
Với người Việt Nam, Sa Đéc là thủ phủ hoa, nơi có muôn vàn loại hoa đẹp. Trong khi đó, nhiều bạn bè quốc tế lại biết đến thành phố này qua tác phẩm L'Amant (Người tình) của nhà văn Marguerite Duras. Nơi đây được ca ngợi nhờ vẻ đẹp thơ mộng, bình yên nhưng cũng không thiếu màu sắc rực rỡ.
Nhà văn Marguerite Duras đã có 18 năm sống ở Sa Đéc (1928-1946). Cũng vì thế mà nơi đây có dấu ấn sâu đậm, vị trí rất đặc biệt trong lòng bà. Cuốn tiểu thuyết L'Amant sau khi ra mắt đã trở thành một tác phẩm gây sốt ở Đông Dương. Nó được trao giải Goncourt dành cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất năm tại Pháp. L'Amant còn được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1992, dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau.
ĐNCT