Đà Nẵng cuối tuần
Sự bình đẳng trong cảm xúc
Thầy tôi khóc. Cả lớp bất ngờ bởi trước giờ đã quen với dáng vẻ người đàn ông nghiêm nghị, cứng cỏi trên bục giảng. Nhưng trong sự ngạc nhiên ấy, chúng tôi thổn thức khi chứng kiến một khoảnh khắc đầy rung động. Giọt nước mắt trước thước phim hay của thầy là hình ảnh đẹp về sự chân thành với cảm xúc, dám đối mặt với định kiến để chạm vào niềm thấu cảm một cách trọn vẹn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bất giác, tôi nhớ đến những mảnh hồn người đớn đau mà chẳng thể rơi nước mắt. Như cái buồn thăm thẳm của bác và ba tôi trong ngày bà nội qua đời, thất thần ngồi một góc nhìn ngắm mẹ trong giờ phút cuối đời. Hay những người bạn nam luôn cố chôn vùi nỗi buồn trong những ngày mệt mỏi đến kiệt quệ. Hay cháu tôi, sau một lần bị bạn bè chế giễu bằng những lời lẽ khiếm nhã chỉ vì rơi nước mắt, đã bớt đi nụ cười tươi vui như trước. Họ chọn cách không khóc để thể hiện sự mạnh mẽ - như điều mà đã được răn dạy từ thuở ấu thơ.
“Đàn ông không được khóc”, “Đàn ông khóc là yếu đuối” - những câu nói này đã trở thành một gông xiềng vô hình, trói buộc cảm xúc của phái mạnh qua nhiều thế hệ. Sự gán nhãn cho nước mắt của nam giới không chỉ khiến nhiều người trưởng thành với áp lực nặng nề, cố che giấu cảm xúc mà còn dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc không thể bộc lộ cảm xúc có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng về tâm lý.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, nam giới có khả năng cao gặp các triệu chứng trầm cảm mà không được nhận diện đúng cách, và sự thiếu hụt trong việc bộc lộ cảm xúc có thể tạo ra khoảng cách trong các mối quan hệ cá nhân. Viện Nghiên cứu quốc gia về sức khỏe tâm thần cũng chỉ ra rằng đàn ông không bộc lộ cảm xúc sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái trầm cảm mãn tính hơn so với những người sẵn sàng thể hiện cảm xúc của mình. Họ cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe thể chất, chẳng hạn như bệnh tim mạch do căng thẳng và áp lực tâm lý không được xử lý.
Nhưng rõ ràng, nước mắt không hề đáng xấu hổ. Nỗi đau và niềm vui luôn song hành trong cuộc sống. Như nước mắt của người mẹ khi nhìn thấy con lần đầu tiên bước vào lớp học, vừa hạnh phúc vừa xao xuyến. Như nước mắt khóc thương người dân gặp nạn là hình ảnh của một trái tim rộng mở, biết yêu thương và sẻ chia. Như nước mắt của sinh viên trong ngày tốt nghiệp, vừa tự hào vừa tiếc nuối những kỷ niệm bên bạn bè…
Nước mắt không chỉ là phản ứng sinh lý khi chúng ta đau buồn hay tức giận. Nó còn là biểu hiện tinh tế của cảm xúc, của sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với cuộc sống. Cuộc sống, suy cho cùng, có gì quý hơn sự chân thật? Khi con người dám đối diện với những cảm xúc của chính mình, dám khóc khi lòng đau, dám vui khi hạnh phúc, đó mới là vẻ đẹp thật sự.
Những giọt nước mắt, dù là của nam hay nữ, đều mang theo giá trị tinh thần lớn lao, kết nối con người với nhau, làm cho thế giới này bớt cô đơn hơn.
Sức mạnh thật sự không nằm ở việc kìm nén cảm xúc mà là ở khả năng đối mặt và chấp nhận chúng. Một xã hội tiến bộ là nơi mọi cá nhân đều được tự do thể hiện bản thân mình một cách trọn vẹn, không bị giới hạn bởi những định kiến về giới tính. Để thay đổi quan niệm xã hội về việc đàn ông khóc, chúng ta cần bắt đầu từ giáo dục. Hãy dạy trẻ em rằng cảm xúc là một phần tự nhiên của con người, là ngôn ngữ chung của nhân loại. Trong mỗi giọt nước mắt đều có một câu chuyện, một cảm xúc và một phần tâm hồn của chúng ta. Nó vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và giới tính.
Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện hình ảnh đàn ông bộc lộ cảm xúc một cách tích cực. Các bộ phim và chương trình truyền hình gần đây có sự thay đổi đáng kể khi góp phần phá vỡ định kiến nam giới không được khóc hay không được yếu đuối. Các chiến dịch truyền thông xã hội như #ItsOkayToCry khuyến khích và tạo không gian an toàn cho nam giới chia sẻ cảm xúc của mình một cách cởi mở hơn. Các chương trình podcast như "Man Enough" đã tạo ra diễn đàn cho nam giới thảo luận về những áp lực tâm lý và cảm xúc mà họ phải đối mặt, từ đó mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng nam giới.
Khi ai đó khóc, hãy để họ biết rằng đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Hãy tạo ra một không gian mà nước mắt có thể được chấp nhận, tôn trọng và không bị phán xét. Bằng cách đó, chúng ta không chỉ chữa lành cho bản thân mà còn cho những người xung quanh. Việc chấp nhận nước mắt không phải chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một nhiệm vụ xã hội. Thay đổi này là quá trình từng bước một. Khi học cách chấp nhận và trân trọng những giọt nước mắt, chúng ta đang mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy ắp sự đồng cảm, thấu hiểu và kết nối sâu sắc hơn…
NGUYỆT MINH