Đà Nẵng cuối tuần
Lộc biển...
Bốn giờ sáng, khẽ khép cánh cửa ọp ẹp để mẹ già và con thơ yên giấc, Trà buộc đống đồ nghề sau xe rồi cứ thẳng hướng gió mà đi. Gió từ biển thổi vào mang theo cái se lạnh của buổi sớm mai luồn vào chân tóc. Giờ này tàu thuyền có khi chưa cập bến nhưng Trà luôn đi sớm ngồi trên bờ mắt đăm đăm nhìn về khoảng tối mênh mông trước mặt. Chị nghe thấy trong rì rào sóng biển như tiếng của ai đó gọi mình. Đó là tiếng của người cha đã nằm lại đâu đó ngoài đại dương kia trong một cơn bão biển năm chị còn bé xíu? Hay tiếng của thứ tình yêu chớm nở trong lòng một người đàn bà đã trải qua bao năm tháng thăng trầm? Trước biển Trà lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé, cô đơn. Chị tự hỏi Thúc đang ở đâu giữa nghìn trùng sóng vỗ? Trong những tàu cá cập bến sáng nay liệu có tàu của mấy anh em Thúc? Trước lúc đi Thúc có hứa sẽ về sớm đưa bé Na đi chơi chợ Tết. Giờ đã là những ngày cuối tháng Chạp rồi, con bé cứ ra ngóng vào trông. Nhất là khi nó thấy cây mai trước nhà đã nở bông toe toét và sân phơi hàng xóm phất phơ những bộ quần áo mới. Mẹ Trà nhắc cháu ngoại: “Đừng có mong nhiều mà người ta nóng ruột nóng gan. Có khi thuyền nán lại quăng thêm vài mẻ lưới cuối năm cho cá thêm đầy khoang”. Mẹ Trà thản nhiên đứng lật từng con cá trên giàn phơi như cả đời chưa từng biết mong ngóng người đi biển. Đàn bà ở xứ này, bé thì ngóng cha, lớn lên thì ngóng người mình thương, rồi năm tháng về sau ngóng người mà mình gọi là chồng. Những cuộc đợi chờ không bao giờ kết thúc, cứ như vòng sóng biển, lan xa…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chợ cá nhộn nhịp đầy sức sống ngay từ khi mặt trời còn chưa kịp nhô lên trên đỉnh núi phía xa. Họ đa phần đều là dân buôn bán hải sản ra biển lấy hàng sớm lại vội vàng tỏa đi các chợ lớn nhỏ trong thị xã. Hôm nào cuối tuần thì chợ còn có thêm một lượng lớn khách du lịch đổ về. Họ đến tìm mua hải sản đem về nơi lưu trú chế biến những món ăn tươi ngon, nóng hổi hoặc đóng thùng ướp đá mang về nhà. Vài người trong số họ đến chợ cá dường như chỉ để trải nghiệm, chụp vài bức ảnh đẹp, quay mấy thước phim... Giữa những bán mua ồn ã chỉ có tiếng cười của họ là trong trẻo bay lên. Thỉnh thoảng giữa lúc đang tranh nhau mớ tôm cá tươi rói Trà bỗng khựng lại vì một giọng nói dịu dàng vang lên. Chất giọng Hà Nội khiến Trà nhớ đến nơi mình từng có một thời gắn bó. Ở nơi đó chị từng ôm ấp giấc mơ của tuổi trẻ, cố gắng bươn trải để thoát khỏi sự nghèo khó của vùng quê ven biển. Cũng ở nơi đó chị đã cuồng nhiệt yêu để rồi nếm trải những cay đắng cuộc đời. Đã từ rất lâu rồi, kể từ ngày thai nghén, một mình trở về quê nhà chị không muốn quay đầu nhìn lại.
Mẻ cá mới vừa được đưa vào bờ, bấy nhiêu con người nhốn nháo giành lấy những sọt cá tươi ngon. Trên tấm bạt trải xuống bãi cát, nào cá thu, cá ngân, bạc má, cá trích, cá ngừ… phơi ánh bạc, lấp lánh dưới ánh bình minh. Sau một đêm đánh bắt, nhiều tàu của ngư dân cập bờ đổ hàng xuống chợ. Vài người đàn bà lúi húi ngồi gỡ lưới, những chú cá tươi xanh, mắt đen láy nhìn trời. Xong cuộc bán mua cũng là lúc mặt trời lên, chợ cá bên bờ biển vãn dần. Du khách rời đi, người bán buôn hải sản cũng vội vàng rời đi. Trà cũng lẫn vào dòng người hối hả ngược xuôi, dường như ai cũng tất bật để mong một cái Tết đủ đầy.
Giờ này chắc là bé Na đã dậy ngồi nhai trệu trạo bát cơm rang, chờ ngoại tết xong đôi bím tóc rồi chở đến trường. Thể nào con nhỏ cũng nhòm lên cuốn lịch trên tường hỏi hôm nay là hai mấy Tết? Mấy chị em hàng cá từng hỏi nếu không có bé Na chắc gì Trà đã lăn lộn trong chợ cá này? Cũng phải! Nếu không có con chắc chị vẫn đang ngụp lặn trong thành phố. Tết đến ngó những tòa nhà cao tầng lấp lánh ánh đèn, thấy người ta váy áo xênh sang mà nuôi ước ao biết đâu đời mình có một ngày được thế. Có khi vẫn đang đắm đuối vào mối tình mù quáng mà cứ ngỡ đó là định mệnh. Trà chẳng muốn nghĩ đến, kể từ khi có con cuộc sống của chị đơn giản lắm. Hằng ngày chỉ mong bán buôn đông khách, cuối chiều được về nhà dụi đầu vào người con mà hít hà sự thơm tho dễ chịu. Chui vào căn bếp nhỏ cùng mẹ nấu cơm, mắm muối dưa cà thôi mà ấm lòng ấm bụng. Trà đã quên thành phố lâu rồi…
Thúc về vào đúng ngày hai ba tháng Chạp. Anh không về thẳng nhà trọ mà ghé trường chờ bé Na tan học. Con bé vui mừng ôm choàng lấy Thúc sau những ngày xa cách. Trong ký ức của nó thì Thúc chẳng khác gì một người cha. Những lần con nhỏ bệnh, Thúc là người có mặt lúc nửa đêm đưa bàn tay thô ráp áp lên trán nó, cuống cuồng giục Trà: “Em ngồi sau giữ con cẩn thận, để anh chở đi viện”. Một nửa số đồ chơi của Na có được là do chú Thúc mang về từ những chuyến đi biển dài ngày. Một nhánh san hô, mấy viên đá nhiều màu, vỏ ốc biển khổng lồ áp tai vào có thể nghe sóng vỗ. Lúc một mình trở về làng, Trà từng loay hoay bởi ý nghĩ con sẽ lớn lên thế nào khi thiếu vắng bóng cha. Lần đầu tiên nhìn chiếc bụng nhô lên sau vạt áo của Trà, Thúc nói như hụt hơi: “Có sao đâu”. Câu ấy Thúc cũng từng nói với Trà năm chị hai mươi tuổi, căng cựa rời quê. “Có sao đâu. Thúc đợi!”. Hôm Trà vừa mới sinh xong, nhìn thấy chiếc bớt đỏ trên trán bé Na chị từng rơi nước mắt vì thương. Thúc hôn lên chiếc bớt nhỏ xinh, nựng nịu: “Có sao đâu! Trông như một bông hoa mới nở”.
Trà dựng chiếc xe ngoài sân, nước từ sọt hàng còn giỏ tong tỏng tanh ngòm. Bé Na chạy ùa ra khoe con ốc mượn hồn chú Thúc mang về. Thúc bưng mâm bát từ bếp đi ra, khẽ giục Trà:
- Em về đấy à? Đi tắm nhanh còn ăn cơm không đói. Tối nay nhà mình gói bánh tét. Một yến gạo mẹ nhỉ? Ăn sao hết được.
- Thì cứ gói bấy nhiêu, đầu năm đi biển con cầm theo lên tàu cho mấy anh em ăn sáng.
- Thế mẹ nhớ làm dư dưa món, cho con xin một hũ mang đi.
- Ôi dào! Lo gì, dưa món dưa mắm nhà lúc nào cũng sẵn. Mà đầu năm mùng mấy thì đi biển?
- Anh chủ bảo đi từ mùng bốn Tết. Chuyến ra khơi đầu năm thường rất bội thu, cứ thả lưới ở đâu là dính cá ở đó. Mẹ nhớ năm ngoái không, tàu đi được gần 40 hải lý thì trúng đậm mẻ cá bè và cá sòng hơn năm tấn, bán gần nửa tỷ đồng. Năm nay cầu trời thương chuyến đầu năm trúng đậm.
Trà đứng ngẩn ngơ mất mấy giây nhìn Thúc ngồi gỡ xương cá bỏ vào bát bé Na. Mẹ ngồi kế bên càu nhàu sao năm nay mai nhà mình nở sớm, Tết còn chưa đến mà hoa đã sắp tàn. Thúc cười bảo:
- Với con thì từ hai ba tháng Chạp là Tết đã đến rồi. Nôn nao, tất bật đến Giao thừa cũng là lúc Tết bừng lên như pháo hoa rồi tàn lụi. Chạm đến tháng Giêng cũng là hết Tết. Nên xem ra hoa nở hợp lòng người mẹ ạ.
- Cũng phải!
Trà đứng ngẩn người trước cảnh tượng đầm ấm hệt như một gia đình. Nếu đọc được suy nghĩ của Trà thể nào mẹ cũng bảo: “Ủa! Chứ thằng Thúc đâu phải người ngoài”. Mẹ thương Thúc từ xa lắc xa lơ, khi anh còn là một thằng nhỏ mồ côi gầy nhẳng và đen nhẻm suốt ngày lang thang ngoài chợ cá ai sai gì cũng làm, ai cho gì cũng cúi đầu xin. Mà cả cái làng chài ven biển này có ai không thương Thúc? Nay ăn cơm nhà này, mai đặt lưng nhà khác, những chú chó trong làng vẫy đuôi mừng khi thấy Thúc đi qua.
Mười hai tuổi Thúc theo các bác, các chú đi đánh bắt gần bờ. Mười sáu tuổi đã theo thuyền đánh bắt xa bờ nhiều ngày lênh đênh trên biển. Thúc không nhớ mình thương Trà từ khi nào nữa. Có thể là từ lúc Trà còn bé xíu, đứng tựa cổng nhà nhoẻn cười khi thấy Thúc đi qua. Có thể là lúc vừa dúi cho Thúc cái kẹo kéo để dành trong cặp sách Trà vừa dặn: “Mẹ bảo anh đừng ngủ lang thang gió máy. Tối qua nhà em mà ngủ”. Cũng có thể vào chính hôm đứng ngẩn ngơ ở bến xe nhìn theo bóng dáng Trà rời quê ra thành phố, Thúc đã biết yêu rồi. Lúc Trà ôm lầm lỡ quay về Thúc vẫn ở đấy thôi, thân thuộc như chưa từng xa cách. Dù Trà từng nhiều lần đẩy người đàn ông ấy xa mình.
- Anh cứ luẩn quẩn bên một người đàn bà lỡ dở như em, rồi ai dám thương anh?
- Có bé Na, có mẹ đấy thôi. Chỉ chờ em thương anh là đủ.
Thật ra sau những ngày đi biển Thúc thèm được bận rộn yêu thương. Anh rất sợ phải trở về căn phòng trọ một mình bởi cảm giác cô đơn còn mênh mông hơn biển. Bạn tàu từng nói người như Thúc sống nhẹ tênh chẳng có gánh nặng gì, cha mẹ chẳng có, vợ con không. Nhưng họ đâu biết Thúc thèm có cha mẹ già để lo lúc trái gió trở trời, để được nghe càm ràm râu dài tóc rậm. Thèm có một mái nhà với những lo toan thường nhật. Thèm có vợ có con để đêm về không chăn đơn gối chiếc. Nên Thúc cứ níu lại nhà Trà như thứ dây leo bám vào một bức tường kiên cố để lỡ gió có lay cũng không quăng quật đời chới với giữa mênh mông. Mẹ Trà dường như đọc được suy nghĩ ấy nên từ lâu lắm rồi thấy Thúc gọi mình bằng mẹ xưng con, bà không cự nự gì. Ở cái xứ biển này gió thông thống thổi vào đến xiêu vẹo phận người, chỉ có cách níu lấy nhau mới sống một cuộc đời ý nghĩa.
Hai sáu Tết trong căn bếp của ngoại đã đủ đầy hương vị. Bé Na chạy ra chạy vô nhúp nháp chút mứt tắc, mứt me, khi thì cái chả giò giòn tan nóng hổi. Thấy trên má con nhỏ còn dính vụn đường đen thì chắc là ngoại đang làm bánh tổ. Thả viên đường trên đầu lưỡi, con nhỏ lim dim chờ thứ dư vị ngọt ngào tan dần trong khoang miệng. Như chợt nhớ ra điều gì, bé Na thẽ thọt bảo:
- Ngoại ơi! Hay năm nay mình mời chú Thúc ở lại đây ăn Tết?
Trà bận bịu đóng nốt ít cá khô để bán trong mấy phiên chợ cuối năm, nói vọng vào trong bếp:
- Chú ấy cũng phải về nhà ăn Tết chứ!
- Con tới thăm chỗ chú Thúc ở rồi. Phòng trọ chật chội chẳng có gì, đấy đâu phải là nhà, ngoại nhỉ? Mà ngoại chẳng vẫn bảo nhà mình cũng là nhà của chú Thúc đấy thôi.
Trà lặng người, lúc quay lại thấy mẹ tủm tỉm cười, không nói.
Từ lúc về hôm nào Thúc cũng đòi chở Trà đi chợ. Mấy dì trong chợ tính hay trêu, cứ hỏi hoài bao giờ thì được ăn cỗ cưới? Trà bẽn lẽn như gái đôi mươi chỉ biết cúi đầu cười. Thúc mừng rỡ trong lòng, anh nói: “Nhanh thôi các dì ạ, sau chuyến đi biển đầu năm tụi con sẽ cưới nhau”. Trà giấu cái lườm yêu sau vành nón. Những tiếng cười hạnh phúc cứ râm ran lan đến tận chợ chiều. Tiếng nhạc Tết từ đâu đó vọng vào khiến lòng người không khỏi xốn xang. Thúc đưa tay vén lọn tóc mai trên trán Trà, rủ rỉ: “Mai em nghỉ chợ đi, vất vả suốt cả một năm dài. Để sớm mai anh chở hai mẹ con đi chợ Tết chơi sắm sửa quần áo mới.
Anh đã hứa với bé Na rồi”. Gió cuối ngày xồng xộc thổi vào hẻm chợ, gom đầy những ưu tư. Trà ngồi sau xe Thúc, mệt nhoài tựa đầu vào lưng của người thương. Giọng Thúc bị gió thổi bạt đi, nghèn nghẹn:
- Người anh toàn mùi của cá tôm. Đi biển lâu ngày, có gột rửa cũng không sao hết được.
- Chúng mình sinh ra ở làng chài, có ai mà không tanh mùi cá? Đó là mùi của của nhọc nhằn lo toan. Cũng là mùi của biển khơi no ấm. Mà hôm nọ anh nói với mẹ mùng mấy thì đi biển?
Trà không còn nghe rõ câu trả lời của Thúc, chỉ có tiếng gió biển rì rào lẫn trong tiếng lòng của hai người đang yêu. Thúc nghĩ về cái Tết hạnh phúc nhất trong đời. Nghĩ về một đám cưới giản dị ở làng chài. Nghĩ về chuyến đi biển đầu năm với mẻ lưới nặng đầy tôm cá…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG