Đà Nẵng cuối tuần
Lắng sâu những thông điệp
“Mắt rừng” (NXB Đà Nẵng, 2024), tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Nguyễn Thành đã thao thức trong tôi những thông điệp mà tác giả gửi gắm. 14 truyện ngắn cuốn tôi đi bởi dòng ký ức đậm đặc về làng quê nơi vùng trung du xứ Quảng có rừng đầu nguồn với hàng cây cổ thụ tích tụ bao thiêng khí chốn đại ngàn, nơi thâm sơn cùng cốc với những cuộc thanh trừng vì thứ kim loại quý giá ma mị cùng những ngày Tết đến xuân về rộn ràng câu hát bài chòi và những triền dâu xanh ngắt bên bãi bồi con sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng…
![]() |
Tôi cố ý đọc thật chậm, nhấm nháp từng câu chuyện như nhấm nháp từng ngụm trà nóng, để lắng nghe vị thơm tho chát đắng pha lẫn chút ngòn ngọt còn đọng lại. Và Nguyễn Thành đâu chỉ hồi ức mà ở mỗi câu chuyện của anh là một lát cắt hiện thực ghi dấu sự thay đổi của làng quê trước cuộc sống mới. Tác giả hòa cùng niềm vui của bà con nông dân khi nông thôn ngày càng hiện đại hóa song cũng đầy trở trăn khi những giá trị văn hóa và sự đùm bọc yêu thương, tình làng nghĩa xóm đang dần phai lợt bởi những tác động của đời sống kim tiền.
14 câu chuyện xoay quanh 3 mảng đề tài: sinh thái rừng, văn hóa làng xã, dịch bệnh… Trong đó, những câu chuyện ở mảng đề tài đầu tiên gây ấn tượng mạnh với độc giả bởi kết cấu ngắn gọn, xây dựng tình tiết hợp lý, cách dẫn truyện cuốn hút. Những thảm họa thiên nhiên: đất chảy, lũ ống, gió bão, bệnh lạ… đều có nguyên do từ việc khai thác rừng tùy tiện, việc ngăn sông chặn suối làm thủy điện, đào núi đãi cát tìm vàng phá vỡ hệ sinh thái… Hàng loạt các truyện ngắn với nhan đề ngắn gọn, kiệm chữ nhưng sức lan tỏa cao: “Đào thoát”, “Mắt rừng”, “Lũ ống”, “Xuống núi”, “Đường về”…
Trong đó, câu chuyện mang tên tập sách gợi ám ảnh nhiều nhất bởi tác giả vận dụng tài tình thi pháp truyện ngắn hiện đại: xen lẫn chất hiện thực và kỳ ảo, thực tế và tâm linh để lý giải mối quan hệ nghịch chiều giữa việc khai thác thủy điện và bảo vệ sinh thái rừng. Đôi mắt đứa con trai của Quang - nhân vật chính - là đôi mắt của rừng xanh núi đỏ đang kêu cứu: “Đôi mắt đứa bé tròn xoe nhìn anh. Nhưng anh bỗng khựng lại, tim nhói lên. Từ trong đôi mắt đen láy ấy, hai dòng nước vàng đục rỉ ra không ngừng, chảy tràn lên tấm khăn bông…
Một dòng thác cuốn cuồn cuộn những vạt núi trơ trọi lao xuống ầm ầm, không dứt” (trang 24). Truyện ngắn “Xuống núi” khai thác chỉ một tình tiết rất nhỏ, xoay quanh việc du khách mang đồ ăn cho khỉ trong khi việc làm đó đã bị chính quyền cấm cản từ lâu. Qua lời kể và nỗi hối hận của Duyên, cô nhân viên quán cà phê trên đỉnh đồi, câu chuyện là lời cảnh báo cho con người về hành vi phá vỡ sự cân bằng bầu sinh quyển rừng, khiến đàn khỉ đánh mất tập tính sinh tồn, rời xa đại ngàn thiêng liêng...
Mảng đề tài thứ hai của truyện đề cập đến bức tranh hiện thực về nông thôn mới với các truyện ngắn: “Đất nóng”, “Giếng làng”, “Vườn cũ”, “Khế-con-gái”, “Đồng bạc trắng ấm nắng xuân”, “Gió xuân reo trên những biền dâu” cùng nỗi lo âu về những giá trị văn hóa làng quê đang dần phai phôi trước cơn lốc của đời sống thị trường. Cách kể giản dị, ấm áp tình cảm của tác giả Nguyễn Thành đã đưa người đọc trở về trong dòng hoài niệm với không khí hội làng ngày xuân ấy trong tiếng hô bài chòi ngọt như mía lùi của ông hiệu Bảy cùng cậu bé vừa đi vừa khóc vì mất đồng xu lì xì (Đồng bạc trắng ấm nắng xuân)…
Trái tim độc giả ngân rung cùng những thổn thức, tiếc nuối của nhân vật “tôi” trong quá khứ và cả hiện tại: “Có những đêm, tôi nằm mơ thấy dòng nước mắt xuân xưa chảy ngược, xói thẳng vô đôi bờ mi, xốn xang, rát bỏng…” (trang 84). Cũng cái giếng làng ấy thôi, nhưng tác giả lại khai thác ở góc cạnh khác, không phải là nhớ tiếc những đêm trăng gánh nước mà lên án thói ích kỷ, cá nhân của ông Năm dẫn đến cái chết tức tưởi của người đàn bà đang có con mọn tên Hiên (Giếng làng).
Mỗi câu chuyện trong tập sách xoáy vào tâm can con người những rạn nứt, đổ vỡ về tình nghĩa láng giềng, tình cảm gia đình trước vấn nạn đồng tiền. Đọc trang viết của Nguyễn Thành, người đọc cảm thông cùng nhân vật người mẹ tảo tần cả một đời nuôi bốn đứa con khôn lớn; hai anh con trai đầu lao vào trong vòng xoáy tiền tài đành đoạn bán đi khu vườn để trả nợ, khiến người mẹ chết lặng: “Nhìn về vườn cũ đôi mắt bà như đuối nắng. Mắt người già đuối nắng thì không nhìn thấy gì cả, ngoài ký ức xa xăm mênh mang mờ mịt đời mình” (trang 59).
Tuy vậy, nhưng với kết thúc mở, truyện ngắn của Nguyễn Thành nhắn gửi niềm hy vọng về sự phục dựng ý thức của con người như sự trở về của những triền dâu xanh biếc dọc bờ sông Thu Bồn: “Rồi một sớm xuân kia, những biền dâu sẽ xanh ngắt, trên hành trình trở về với Mẹ thiên nhiên” (tr 92).
Mảng đề tài thứ ba của tập sách là câu chuyện về con người ở vùng đất thân thương trong những ngày miền Trung oằn mình trong cơn dịch bệnh.“Đêm sâu”, “Tuyến đầu”, “Mưa trưa lưng đồi” là nhan đề những truyện ngắn cảm động về những nghĩa cử cao đẹp của một bà mẹ liệt sĩ góp tiền tiết kiệm ủng hộ chống dịch; đoàn bác sĩ trẻ từ miền Nam xung phong vượt chặng đường xa tiếp ứng cho đồng nghiệp… Dù mảng đề tài này còn mỏng nhưng tập sách đã chứng tỏ ngòi bút của Nguyễn Thành luôn sát sao với nhịp đập cuộc sống.
Thành công của “Mắt rừng” không chỉ ở thông điệp sâu lắng mà tác giả đã dụng công cài cắm mà còn ở cách dẫn truyện gọn gàng, chọn chi tiết đắt giá, ngôn ngữ đậm màu sắc vùng miền và đặc biệt là cái kết bỏ lửng nhưng mở ra cho độc giả một niềm tin mơ hồ về sự thay đổi. Mỗi câu chuyện trong tập sách là một bài học sâu sắc mà tác giả chân thành gửi đến độc giả như những chắt đúc mà anh nhận được trong biết bao hy sinh lặng thầm của cha mẹ mình.
Tâm sự về những trang viết của mình, Nguyễn Thành có nhắn gửi: “Dẫu là chuyện của mấy mươi năm về trước hay của hôm qua, mỗi dòng chữ chảy ra đều là những nghĩ suy về những thứ tốt đẹp cứ dần rơi qua kẽ tay; đến một ngày sợ nắm lại thấy rỗng không” (trang 117).
NGUYỄN THỊ THU THỦY