Đà Nẵng cuối tuần
Tập tục đổi ngang giá
Trước đây, do giao thông, đi lại khó khăn nên việc giao lưu, buôn bán ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi chưa phát triển. Theo tập tục xưa, đồng bào thường trao đổi trong nội bộ theo hình thức sơ khai, trao đổi ngang giá, vật đổi vật, hàng đổi hàng.
![]() |
Đồng bào Cơ tu thôn Đhờ Rồng gùi sản vật mang tặng bà con làng A Réc (cùng huyện Đông Giang) trong lễ kết nghĩa giữa hai làng. Ảnh: T.V |
Nguồn sống để sinh tồn và phát triển
Người Cơ tu có câu thành ngữ: “May đoong aku prí, aku đoong amay atao” (Tạm dịch: “Anh cho tôi chuối, tôi cho anh mía”). Câu thành ngữ đó phản ánh sinh động về hình thức trao đổi vật ngang giá trong nội bộ dân tộc. Các già làng Cơ tu cho biết, muốn có các loại giống cây trồng phải trao đổi qua lại bằng một vật nào đó.
Một hình thức khác đưa đến sự trao đổi lương thực, thực phẩm là hình thức sính lễ (panoi panóc), của hồi môn (pârzáo chinéc) thông qua phong tục cưới hỏi, lễ, hội. Nhà trai sẽ mang đến nhà gái các loại hiện vật chum, ché, cườm, đồ đồng, vàng bạc, các loại động vật bốn chân: trâu, bò, heo, chó và các loại động vật săn bắt được trên rừng. Từ đó nhà gái có một nguồn lực để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, nhà gái sẽ mang đến nhà trai các loại lương thực như: lúa, gạo, nếp, khoai sắn… cùng các con vật hai chân như gà, vịt, ngỗng, các loại con vật sống dưới nước như cá, tôm, động vật lưỡng cư như ếch, nhái...
Kết nghĩa anh em giữa hai gia đình, tộc họ và làng bản là tập tục tốt đẹp của nhiều dân tộc ở vùng núi rừng Trường Sơn và Tây Nguyên. Khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, đồng bào Cơ tu mới tiến hành lễ kết nghĩa. Bên làng chủ dựng nêu, chuẩn bị trống chiêng, trâu, bò, heo, cơm, rượu trắng, thuốc trà... Bên làng khách chuẩn bị bánh sừng trâu, cơm lam, xôi, gà, chim, cá ếch, rượu cần, tấm tút... Khi đã kết nghĩa, hai bên coi nhau như anh em, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giao lưu văn hóa, có khó khăn hoạn nạn thì cùng hộ trợ nhau để vượt qua.
Đồng bào còn có tục thăm viếng anh em, bà con vào những thời điểm thuận lợi trong năm như sau vụ thu hoạch, vào dịp lễ, Tết… Khi có đủ lúa ngô, họ cần lấy ra một số để trao đổi, thăm viếng bà con, dựng vợ gả chồng. Người phụ nữ giã lúa và nuôi lợn để có sẵn thực phẩm đem cho bà con. Con rể đi bắt thú trong núi, con gái chăm sóc những con lợn để biếu cho bố mẹ, anh em. Bố mẹ của cô gái chuẩn bị đi thăm con gái và con rể theo tập tục truyền thống.
Họ hấp gạo nếp trong một cái rổ, rồi gói trong 3 đến 5 gói hình vuông bằng lá chuối và khoảng 20 đến 30 gói hình tam giác nhỏ. Thêm những gói cá, gói ếch. Họ đặt tất cả vào 1 hay 2 gùi, đem đến thăm bà con. Con rể tiếp nhận từ bố mẹ của cô dâu những tấm vải, những chiếc chiếu của đồng bào tự dệt hoặc chiếu hoa của người Kinh... Ông bố, bà mẹ nhận từ con gái và con rể bình rượu, quần tây, áo sơ mi, chiếu, vòng cổ bằng đá, chiêng, trâu nước, bò, tiền, vàng… Đàn ông biếu quà cho bà con bên vợ, phụ nữ biếu quà cho bà con bên chồng.
Thu hoạch ngô và dưa chuột, họ chia và biếu cho từng nhà một ít, khoảng 2 hay 3 trái để ăn. Những làng thiếu đói thì có thể đi xin những làng có nhiều lúa. Nhưng họ không ai đi tay không mà thường mang theo vải, chiếu, chén dĩa, thậm chí những vật nuôi như heo, gà… với ẩn ý rằng họ không đi xin mà là trao đổi “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Người khá giả có thể biếu cho bạn các sản vật quý giá với số lượng lớn và nhiều chủng loại; người khó khăn thì chỉ một vài gói quà khiêm tốn, nhưng quan trọng ở tấm lòng. Nếu làng ở cách xa, họ đi một năm hai hay ba lần. Với sự trao đổi sản vật trong nội bộ cộng đồng như vậy, nó tạo ra nguồn sống đáng kể để sinh tồn và phát triển.
Thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng
Đồng bào miền núi có nhiều cách “đo lường”, đơn vị để định giá sản phẩm như gang tay, cánh tay, sải chân, các loại gùi... Ví dụ, đối với lúa gạo được tính bằng bao; đối với một con gà, tùy theo kích cỡ của nó mà họ đổi lúa gạo. Tùy theo lượng lúa gạo để đổi lấy dê, lợn và chó. Họ ước lượng lúa bằng gùi lớn đeo sau lưng, những cái gùi lớn, nhỏ đeo ở eo. Giá trị trao đổi phụ thuộc vào vật nuôi cho dù chúng lớn hay nhỏ.
Họ tính số lượng lúa để đổi lấy trâu, bò. Đổi một con thú để lấy 5 gùi lúa đầy, hay 20 gùi. Nếu mua một con trâu nước nhỏ, họ phải đổi 20 hay 30 chiều dài của tấm vải. Người Cơ tu dùng gang tay (tr’pang têi) đo kích thước gia súc, vật dụng; dùng chiếc gùi cỡ nhỏ (arây) để tính khối lượng và diện tích rẫy; dùng gùi nhỏ, hình trụ (chờro) để đong muối; dùng ống tre để đong mật ong; dùng đơn vị muôn, thin để tính số lượng mây, trầu, lá nón, lá đót…
Người Xơ Đăng dùng teo, kchang là một loại gùi để làm đơn vị đo lường lúa, ngô; họ lấy chiếc lạt dài khoanh ngực con vật (trâu, bò, lợn, dê), được bao nhiêu chia đôi rồi dùng nắm tay đo. Có khi họ dùng nắm tay đo sừng trâu, bò để làm đơn vị cân đếm; hoặc dùng gang tay và khuỷu tay để đo vải thổ cẩm (tanh brai), chiều cao của hàng rào, nóc nhà, con suối… Đồng bào đo bằng sải tay, một cánh tay gọi là xơ, một sải tay gọi là ple, một đầu người (từ đầu đến chân) gọi là ti nhung… Ngoài ra, đồng bào thiểu số còn dùng các đơn vị tính của người Kinh làm trung gian.
Trao đổi ngang giá là hình thức sơ khai khi chưa có tiền mặt để lưu thông, chưa biết buôn bán, chợ búa, chưa có thị trường tiêu thụ. Tập tục này thể hiện nét hồn nhiên, vô tư, thật thà của đồng bào miền núi. Trao đổi ngang giá cũng là cách hỗ trợ nhau lúc khó khăn, chia sẻ ngọt bùi, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng. Ngày nay, tập tục này vẫn còn đâu đó khi người dưới miền xuôi lên miền núi được bà con tặng nông lâm sản với tấm long thơm thảo.
TẤN VỊNH