Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện ông Hảo

14:12, 30/10/2015 (GMT+7)

Ông Hảo họ Nguyễn Văn, người làng Trường Định (nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), được nhân dân làng này lập miếu thờ từ thời Tự Đức bên chân núi phía tây nam của núi Trường Định.

Miếu nhỏ tọa lạc ở thế đất đẹp bên bờ bắc sông Cu Đê, nhìn về phương nam có một vực nước phẳng lặng thỉnh thoảng sủi tăm, in bóng mấy cây cổ thụ sát bờ…

Miếu Ông Hảo vừa được tôn tạo. Ảnh: Đ.D
Miếu Ông Hảo vừa được tôn tạo. Ảnh: Đ.D

Miếu Ông Hảo đã bị chiến tranh tàn phá, hòa bình lặp lại chỉ còn trơ một bàn thờ với mấy chân nhang. Gần đây người ta mở con đường giao thông nối từ quốc lộ 1 lên thượng nguồn sông Cu Đê băng qua nơi này nên miếu Ông Hảo và các cây cổ thụ dưới bờ sông không còn nữa, chỉ còn vực nước phẳng lặng ấy vẫn sủi tăm mà dân gian vẫn gọi là giếng Ông Hảo và câu chuyện kể về nhân vật huyễn hoặc này.

Tục truyền, ông Hảo xuất thân trong gia đình chữ nghĩa, cha ông là một học trò lận đận trong thi cử, thất chí về quê mở trường dạy học lấy vợ sinh con, mẹ ông là con gái nhà gia thế trong làng đẹp người đẹp nết, lanh lẹ thông minh. Cha ông có quan hệ giao du rộng, mẹ ông vốn là người tốt bụng luôn lấy câu “Ân cần tiếp đãi bạn xa/ Ấy là của để chồng ta đi đường” để ứng xử. Vì thế, bạn bè đồng môn từ ông cử ông tú cho chí người không đỗ đạt cũng chẳng quản cách sông trở đò đều lặn lội về nhà cha ông chơi, đàm luận chữ nghĩa. Những lần như thế, ông Hảo luôn là người tay bưng tráp cùng mẹ hầu rượu, hầu thuốc làm hài lòng các vị khách của cha mình.

Trong các vị khách, có người thông thạo đông y, nam dược cứu người; có người rành phương thuật hô phong hoán vũ lại cũng có người giỏi các nghề thực tế phục vụ nhu cầu sinh kế. Thấy ông Hảo lúc ấy tuy ở độ tuổi thiếu niên nhưng đã lộ phong thái đĩnh ngộ khác thường nên các vị ấy mỗi lần ghé chơi nhà đều để ý dốc tâm truyền dạy những điều mình biết cho cậu bé. Mặc dù không liên tục gặp được các thầy nhưng với bản chất thông minh ham học hỏi cộng với sự khuyến khích của cha mẹ, ông lần hồi nắm được cơ bản không những kiến thức của các thầy mà còn tiến bộ nhờ thực nghiệm trong thời gian chờ các thầy ghé lại lần sau.

Thế nhưng, người trong làng tưởng sẽ đón một người giỏi giang trưởng thành, nào ngờ cha ông lâm trọng bệnh ngặt nghèo. Kiến thức đông y, nam dược vừa học được còn sơ đẳng nên ông không thể giành sự sống lại cho cha. Từ đó, những người bạn đồng môn của cha ông cũng chẳng còn lý do để trở về cái làng hẻo lánh này nữa, dù ở đây có một người trò nhỏ là ông đang chờ. Mẹ ông vì buồn phiền cũng lâm trọng bệnh rồi theo cha ông về cùng tiên tổ. Bơ vơ một mình trên cõi trần gian không người thân thích, nhớ thương cha mẹ, ông quyết tâm phải học cho giỏi nghề bốc thuốc cứu người để giảm bớt những hoàn cảnh đau khổ như ông.

Từ đó, nghe tiếng ở đâu có thầy giỏi là ông tìm tới học.

Sau một thời gian, ông trở về làng trong dáng dấp một thanh niên đĩnh đạc. Nếp nhà cũ của cha mẹ ông thành nơi ông bốc thuốc cứu người. Ông trở thành một thầy lang nổi tiếng không những kê đơn thuốc bắc mà còn sử dụng cả cây lá thuốc nam, dùng nước khoáng chảy ra từ lòng núi Trường Định để cứu người, không lấy tiền hoặc lấy cho có nên được người bệnh khắp nơi tìm đến. Trong làng có người lâm trọng bệnh được ông chữa khỏi đã mang ơn và gả con gái cho. Vợ ông là người phụ nữ hiền thục, thủy chung một lòng chia sẻ chí khí mà ông đã chọn, dù cuộc sống có nghèo túng.  

Ngoài tài chữa bệnh cứu người, ông còn có tài “di sơn đảo hải”, qua một đêm đã hoán đổi đình mái ngói làng Quan Nam bên kia sang bên này sông là quê ông, khiến dân Quan Nam tức mà không làm gì được khi thấy ngôi đình đường bệ của làng mình bỗng dưng biến thành đình tranh tre của làng Trường Định!

Ông còn có phương thuật biến hóa. Một lần ông có việc đi qua đám ruộng các cô thôn nữ đang cấy gần xong, các cô thấy ông phong thái tốt đẹp liền đem lời chọc ghẹo. Ông không nói gì chỉ phất nhẹ tay là vô số cá chép từ đâu hiện ra lội đầy trên ruộng. Các cô quăng mạ, vội vã đuổi theo bắt cá, một hồi sau thì… nát bét đám ruộng mới cấy!

Ông cũng biết làm giá đậu cho vợ mang xuống chợ Hóa Ổ (Nam Ô) đổi nước mắm. Lâu nay bọn hương lý trong làng để bụng ganh ghét tài năng của ông mà chưa có dịp ra tay. Nhân khi ông ủ đậu thành giá làm kế mưu sinh, bọn chúng to nhỏ bàn nhau tấu lên quan trên rằng ông âm mưu “rấm đậu thành binh” để mưu chuyện phản nghịch. Chuyện đến tai vua, ông tức khắc bị đóng củi giải về triều, lãnh hình phạt “tam ban triều điển”. Ông khảng khái chọn dải lụa điều, hét lên một tiếng giữa thinh không rồi cưỡi lụa bay về làng từ biệt, sau đó bay thẳng lên trời…

Ghi dấu chuyện này, dân trong làng lập miếu thờ bên vực nước khoáng được cho là ngày xưa ông từng dùng chữa bệnh cứu người.

ĐẶNG DÙNG

.