Chuyện xưa xứ Quảng
Truyền thuyết Đá Bà Trường Định
Đứng ở cầu Nam Ô Thượng bắc qua sông Cu Đê trên đường tránh Nam Hải Vân có thể nhìn thấy cận cảnh một hòn núi như vách đá dựng sát bên bờ bắc cửa sông này. Đó là núi Trường Định, thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Giữa sườn núi phía nam, một hòn đá to vượt cỡ có hình tượng đầu người gắn cheo leo trên vách, người dân trong vùng gọi là Đá Bà.
Đá Bà cận cảnh. Ảnh: Đ.D |
Trên núi các loại cây bụi mọc đầy chen lẫn với đất đá lô nhô phân bố từ chân núi sát bờ sông lên đỉnh núi không cao không thấp ấy một màu xanh lỗ chỗ. Đến gần hơn nữa ngọn núi có tên là Đá Bà này, men theo đường tráng nhựa sát bờ sông, lại thấy thêm một hòn đá cũng to khác thường so với đá gành chung quanh, dân sơn tràng hay khách đò dọc thường gọi là Đá Ông.
Đá Bà thật khéo đặt. Dưới ánh nắng xiên lúc 9 giờ sáng hay mặt trời xế chiều, nếu may mắn đối diện Đá Bà đúng thời điểm này sẽ thấy hình tượng một bà lão má hóp, miệng móm, mắt sâu, đưa ánh nhìn xa xăm về phương nam, ẩn chứa một điều gì như muốn kể.
Còn Đá Ông – cũng là kết quả của một trí tưởng tượng đằm đằm, một hòn đá có hình tượng một người vục mặt xuống bến sông, nhô lên chiếc lưng trần đen nhẻm dưới ánh nắng.
Đá Bà lại có Đá Ông. Hay nhỉ! Hai cụ tượng như một sự sắp xếp cố tình mang tính đối ngẫu của tạo hóa, đã kích thích cho trí tưởng của trần gian thêu dệt nên biết bao truyền thuyết, có chuyện mang ý nghĩa trào lộng khôi hài đem lại tiếng cười, có chuyện thì huỵch toẹt lông bông thế tục như dặn thế gian cảnh giác, nhưng cũng có chuyện phát sinh bởi hốc mắt sâu đăm đắm đầy tâm trạng kia của Đá Bà mà gợi những truyền thuyết mang hơi hướng lịch sử.
Chuyện thứ 1: Ngày xưa có đôi vợ chồng, quanh năm chài lưới ở ven sông, sống với nhau rất là hạnh phúc. Ngày kia, ngồi chờ cá rộ theo con nước, hai vợ chồng nhàn nhã ngồi bên vách núi... bắt chí cho nhau. Lúc vợ bắt chí cho chồng, ông chồng vô tình đánh rắm (dân gian gọi nôm na là “xì hơi”), bà vợ giật mình, theo phản ứng tự nhiên bèn xô đầu ông chồng ra xa. Ông chồng xuất kỳ bất ý, ngã chúi lăn lóc xuống chân gành. Chờ mãi không thấy ông lên, bà bèn xuống tìm thì ông đã vục đầu xuống sông mà bỏ mạng, bà tiếc thương kêu khóc, ngày đêm đưa ánh mắt sục tìm rồi hóa đá thành Đá Bà. Còn ông thì úp mặt xuống nước tai nghe tiếng khóc bơ vơ thảm thiết của vợ mà chẳng thể đáp lời, đau lòng mà hóa thành Đá Ông!
Chuyện thứ 2: Cũng ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng quanh năm chài lưới ở ven sông, vợ lo bếp núc, chăm con, chồng thì ưa đàn đúm bạn bè nhậu nhẹt. Mỗi lần được con tôm to, con cua cớm là mỗi lần bà lại lo, ông không rủ bạn về nhà thì cũng theo bạn chè chén. Một hôm, trời đã chiều rồi, cá đang rộ theo con nước lên mà ông còn đằm mình đâu đó. Bà ở nhà nhìn sông mà nóng ruột, hết đi ra lại đi vào. Đến chạng vạng ông mới xiêu vẹo mò về, bà tức mình xô ra cửa… Trong cơn say bù khú không gượng được, ông lăn cù xuống chân núi. Bà chờ cả đêm chẳng thấy ông lên, sáng ra đi tìm thì đã thấy ông úp mặt vào sông không bao giờ dậy nữa… Bà hối hận, trách mình sao chẳng kìm lòng, thương chồng than khóc ngày đêm rồi hóa đá thành Đá Bà. Ông thì vục đầu trong cơn say thiên cổ, lâu dần cũng hóa đá thành Đá Ông mà nhắc nhở trần gian!
Chuyện thứ 3: Lại cũng ngày xưa, có người phụ nữ tiễn chồng con theo vua Nam tiến, chờ đến già mà cả hai vẫn biền biệt không thấy trở về. Bà lên núi ngồi trông, lâu ngày hóa đá thành Đá Bà. Chuyện tuy ngắn mà ý nghĩa sâu dài, phù hợp với tâm cảm của người phụ nữ Việt Nam trong diễn trình lịch sử dài dằng dặt. Hình ảnh người chinh phụ trong các cuộc chiến tranh triền miên đã gợi hứng cho dân gian dựng nên truyền thuyết này.
Người ta kể, ngày xưa thợ sơn tràng ngược sông vào rừng, qua đây thường khấn vái để được Bà phù hộ an toàn. Núi Đá Bà, chân núi sát bờ sông, gành đá lô nhô. Biết bao câu chuyện ma mị huyễn hoặc được kể lại từ những ông lão đi câu trên gành đá này thuở trước. Đá Ông dầm mình trong nước, nước lên nước xuống tạo ra âm thanh oàm oạp mơ hồ làm người ta liên tưởng đến những chuyện kể ngày xưa để thành tiếng than đầy tâm trạng, nghe mà nổi da gà.
Ngày nay đứng tận dưới cửa sông Cu Đê, cách núi Trường Định hơn ba cây số vẫn thấy Đá Bà sừng sững cheo leo. Muốn đến tận nơi mà chiêm ngưỡng hai hòn đá nhiều truyền thuyết này thì hãy theo đường Ngô Xuân Thu (phía bắc cầu Nam Ô trên quốc lộ 1A) sát bờ sông Cu Đê chạy lên đến thôn Trường Định. Biết đâu có thể sẽ nghe thêm nhiều chuyện kể lý thú khác nữa…
ĐẶNG DÙNG