Chuyện xưa xứ Quảng

Kỳ thú Hang Dơi

20:08, 21/02/2016 (GMT+7)

“Muốn ra xứ Huế mà chơi/ Sợ e Bãi Chuối, Hang Dơi gió lò”. “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”. Đó là hai câu ca dao xưa cảnh báo sự nguy hiểm đầy tính đe dọa khi người ta khi phải vượt qua những nơi này.

Hang Dơi là một mom núi cực đông của dải Hải Vân chòi mình lên mặt biển, nằm về phía bắc Cửa Khẻm (dân gian gọi là Lùng Kinh), không được che chắn bởi Hòn Chảo (còn gọi là đảo Ngọc) nằm chếch về hướng đông nam như các ghềnh đá khác.

Hang Dơi nằm trực diện hướng đông, nên khi biển động thì nơi đây phát sinh những con sóng dữ tợn, dựng cao đập vào mom đá như những đợt “sóng thần” liên tục. Ghe thuyền nào chẳng may gặp phải chỉ có nước tiêu vong.

Qua đây không chỉ sợ sóng thần mà còn sợ cả gió lò nữa. Bởi Hang Dơi nằm ở vị trí giao nhau của những luồng gió; sườn núi dốc đứng, gành đá vòng cung ở phía tây bắc, Cửa Khẻm ở phía nam đã khuếch tán thành nhiều cơn gió “lò” đủ hướng.

Ghe thuyền qua Hang Dơi nếu gặp những luồng gió “lò” này dù êm ru cũng đủ xô bạt cả mũi ghe, huống gì gặp lúc gió nồm to, gió bấc dữ.

Hang Dơi còn là nơi lưu trú của hàng vạn con dơi từ thời xa xưa đến nay nên có tên như vậy. Miệng hang có hình không cân đối, méo rộng không đều từ 1 mét đến hơn 2 mét, được đá gành thiên nhiên sắp xếp nằm chếch về phía nam, cách mặt nước biển lúc trời yên biển lặng chừng 5 mét.

Người đi biển trong vùng thường qua đây, thỉnh thoảng vào buổi chiều bắt gặp đàn dơi hàng vạn hàng muôn con bay ra khỏi miệng hang. Gần, thấy hằng hà sa số là dơi, chấp chới bay san sát chiếm cả một khoảng rộng trời xanh, bắc cầu lên hướng tây; xa, trông như vệt khói đen kéo dài đến 3km đùn về hướng tây, phía ráng đỏ trời chiều.

Người ta bảo đàn dơi di chuyển mỗi chiều vào rừng sâu Trường Sơn để kiếm ăn, ban đêm no nê trở về hang cũ. Cũng có người nói đó là đàn dơi dự báo về thời tiết biển động gió dữ sóng to vào những ngày tới. Bản thân người viết bài này từng là ngư dân, đã theo ghe qua nơi đây và nghe tiếng dơi chí chóe âm vang rộn ràng một góc trời, đã may mắn chứng kiến đôi lần đàn dơi di chuyển trong hai buổi trời chiều như thế, nhưng những ngày kế tiếp biển vẫn lặng, gió vẫn yên!...

Dù dự báo theo kinh nghiệm biển dã của ngư dân có lúc trúng lúc sai nhưng nhất quyết đàn dơi hàng vạn hàng muôn con kia vẫn tồn tại mãi đến bây giờ trong Hang Dơi.

Có người bảo dơi hàng vạn hàng muôn con kia là phỏng đoán, là cường điệu. Nhưng nếu nhìn thấy đàn dơi di chuyển với mật độ đậm đặc kéo dài đến 3 cây số thì con số kia quả là khả tín. Hàng vạn hàng muôn con dơi sống trong một cái hang từ lâu đời nay thì hẳn cái hang này phải sâu phải rộng đến chừng nào để  chúng mới có thể truyền đời tồn tại? Phân dơi thải ra trong hang từ xưa đến nay có thể đã trở thành một mỏ lưu huỳnh có trữ lượng không nhỏ?

Theo lời các lão ngư, những năm 40 của thế kỷ trước đã từng có mấy người Pháp nhờ ghe ngư dân Nam Ô đưa ra khảo sát Hang Dơi, không nghe nói kết quả ra sao nhưng nhìn bộ dạng xầm xì ra chiều thích thú của họ, các cụ suy đoán tương lai sẽ rõ được nhiều điều.

Nhưng nhiều điều chưa rõ thì đất nước trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ đã kéo cái suy đoán tương lai ấy đến bây giờ. Và Hang Dơi vẫn tồn tại qua 2 câu ca dao nói trên như một lời cảnh báo chứ ít ai biết nhiều về “tập đoàn” dơi đã “an cư lạc nghiệp” từ xưa đến nay trong cái hang không biết quy mô rộng hẹp như thế nào.

Không biết các nhà xúc tiến du lịch có ghi thêm vào các tour đường biển của mình thêm một địa chỉ kỳ thú. Nếu khám phá tận tường Hang Dơi chắc chắn sẽ có thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khi là ngoài mong đợi của nhiều du khách hiếu kỳ.

ĐẶNG PHƯƠNG TRỨ

.