Chuyện xưa xứ Quảng

Tượng Bắc Đế Trấn Vũ ở chùa Cầu

08:36, 13/03/2016 (GMT+7)

Ở chùa Cầu Hội An, Bắc Đế Trấn Vũ (tức Huyền Đế) được thờ trang trọng ở vị trí trung tâm chánh điện của chùa với một bức tượng bằng gỗ mít. Nhiều thế kỷ trôi qua, bức tượng bị các loài côn trùng gặm nhấm làm hư hại một số mảng trên thân nên ngành bảo tồn ở Hội An đã phục chế một bức tượng khác để thờ tự tại chùa Cầu, còn bức tượng gốc được đưa về trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Hội An.

Tượng (ảnh trái) và bàn thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở chùa Cầu, Hội An. Ảnh: V.V.H
Tượng (ảnh trái) và bàn thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở chùa Cầu, Hội An. Ảnh: V.V.H

Tượng Bắc Đế phục chế được sơn màu, thể hiện rõ nét những màu sắc tương ứng với chi tiết trên thân tượng. Y theo tượng gốc, Bắc Đế cũng đứng với phong thái uy nghi, tóc dài buông xõa, đầu đội mũ vàng nạm ngọc, râu năm chòm phất phơ bay, áo dài màu xanh buông sát đất, ngoài mặc áo giáp, chân trần đứng trên lưng một con rùa có rắn quấn quanh, hai tay cầm thanh bảo kiếm trong tư thế ấn xuống mặt biển (mặt biển là một trôn đế hình tròn, thể hiện sóng nước đang cuộn dâng).

Tương truyền vào năm 1118, hoàng đế Tống Huệ Tông (Trung Hoa) sai đạo sĩ Lâm Linh Tố lập đàn, làm phép mời Bắc Đế Trấn Vũ hiện thân. Lễ cầu đảo được tổ chức vào giữa trưa ngay trong cung điện. Vào giữa buổi lễ, trời đất tối sầm, bỗng xuất hiện một con rùa và một con rắn, Tống Huệ Tông bèn cúi lạy, dâng hương mong Thần hạ cố hiện nguyên hình thật.

Bỗng một luồng sấm sét xuất hiện, người ta nhìn thấy một bàn chân khổng lồ hiện ra trước cổng cung điện, Huệ Tông cúi lạy và lúc này Thần hiện nguyên hình là một người cao lớn hơn 10 thước, khuôn mặt nghiêm nghị, có hào quang bao quanh, tóc buông xuống lưng, chân để trần, mặc áo đen buông sát đất, ống tay áo rộng, bên ngoài có áo giáp vàng với đai lưng ngọc, trên tay cầm thanh gươm, đứng một lát rồi biến mất.

Tống Huệ Tông là vị vua nổi tiếng về hội họa, lập tức ông vẽ lại chân dung Thần. Về sau, chân dung này là hình mẫu dùng để vẽ cho những nơi có điện thờ Bắc Đế Trấn Vũ.

Tượng Bắc Đế không mang giày dép, chân đạp rùa, rắn được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Có người cho rằng, rùa và rắn chính là những thiên tướng trên trời, dưới quyền cai quản của ngài. Còn người khác lại cho rằng, rùa và rắn chính là những con quỷ thù địch đã bị Bắc Đế đánh bại và chà dưới chân,...

Nhưng thực ra, rùa và rắn chính là hình thức đầu tiên của Thần, đã thấy xuất hiện từ thời Hán, khi người ta phân chia ra các phương cai trị của thần linh. Lúc đó, rùa và rắn màu đen làm chủ phương Bắc; còn chim đỏ ở phương Nam; hổ trắng tượng trưng cho phía Tây và rồng lục tượng trưng cho phía Đông của thế giới. Còn hình người thì về sau này người ta mới thấy xuất hiện.

Và hình ảnh “Bắc Đế Trấn Vũ chân không giày dép, đứng trên hai con rùa và rắn” thì vào đời nhà Minh, Đạo giáo ở Trung Hoa phát triển mạnh mẽ, người ta đã thêu dệt nên những câu chuyện huyền thoại về thân thế và việc tu đạo của ngài.

Người ta cho rằng, ngài là linh hồn của Ngọc Hoàng Thượng Đế hóa thân xuống trần gian để tu đạo. Ngài đã bốn lần hóa kiếp người và tu ở bốn nước khác nhau (một lần ở núi Linh Thứu, hai lần ở núi Bồng Lai và lần thứ tư ở nước Tịnh Lạc).

Trong ba lần đầu, ngài chưa đủ trí lực để điều khiển các thiên tướng dưới trướng, cũng như chưa đủ phép thuật để hàng phục yêu ma, nên lần thứ tư ngài lại xuống trần gian đầu thai làm Thái tử của nước Tịnh Lạc. Khi vừa sinh ra, được 9 con rồng phun nước cho ngài tắm. Khi lớn lên, Thái tử rất thông minh, tinh thông võ nghệ. Đến năm 14 tuổi, Thái tử dứt bỏ cuộc sống nơi hoàng cung, tìm đến núi Võ Đang tu đạo.

Suốt 42 năm, ngài một mình ngồi trên phiến đá tập trung trí lực, chăm chú tu luyện. Ngài không ăn cơm, không uống nước, làm cho dạ dày và ruột đói cồn cào nên chúng cứ sinh sự, cãi vã nhau làm cho ngài không thể ngồi yên.

Ngài liền mổ bụng, móc hết dạ dày và ruột ném xuống đống cỏ sau lưng. Ở trong đống cỏ, dạ dày và ruột ngày đêm nhìn ngài tu luyện, ngài đã trở thành một con người thần thông quảng đại, biến hóa khôn lường. Một hôm, ruột bỗng chui vào ống quần ngài và biến thành một con rắn lớn, toàn thân mang đầy vẩy rồng. Còn dạ dày thì nắm lấy giày của ngài, khoác lên lưng, lăn ba vòng và biến thành một con rùa đen, có mai cứng như sắt.

Chúng bò xuống núi ăn gà, lợn, trâu, bò, dê và cả con người dưới chân núi Võ Đang. Ngài liền cưỡi mây, đạp gió, khoác bảo kiếm đi thu phục, đè chúng dưới chân mình. Chúng bèn van xin ngài tha mạng. Ngài quy thuận và thu phục chúng làm hai tướng của mình.

Ở Việt Nam, Bắc Đế Trấn Vũ được thờ tự ở rất nhiều nơi. Riêng ở Hội An, việc thờ Bắc Đế gắn liền với việc trị thủy, vì khu phố cổ Hội An nằm trên nền địa chất có nguồn gốc biển gió của vùng đất bồi hạ lưu sông Thu Bồn. Đây là một vùng đất mà địa chất có nhiều biến động và được bao quanh bởi các con sông.

Trong khi đó, sông Thu Bồn là con sông có lượng nước lớn nhất miền Trung nên thường xảy ra lũ lụt. Vì vậy, những thương nhân người Hoa buổi đầu đến vùng đất mới, với nhiều biến động về địa chất, đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, hằng năm phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt. Quá lo sợ, họ đặt niềm tin của mình vào Bắc Đế Trấn Vũ, cầu mong thần ngăn chặn triều cường, điều hòa phong thổ, giúp họ thuận lợi trong việc ăn, ở và buôn bán.

Hiện nay tại chùa Cầu, vào các ngày rằm, ngày mồng một, ngày Tết… cư dân Hội An đến thắp nhang trước tượng Bắc Đế để thể hiện sự tôn trọng, sùng bái và cầu mong sự che chở của Thần.

VÕ VĂN HOÀNG

.