Chuyện xưa xứ Quảng
Chuyện "Ông già chống Pháp"
Ông đã bị thực dân Pháp xử trảm tại Vĩnh Điện ngày 9-6-1916 khi mới vừa 38 tuổi. Dân các làng Alanh, Pache, Palanh ở phía tây Quảng Nam khi được tin đã vô cùng xúc động và đau xót.
Nhà yêu nước Phan Thành Tài, hiệu là Đạt Đức, sinh năm Mậu Dần (1878) tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), là một trong những người theo Tây học đầu tiên của Quảng Nam.
Tuy xuất thân trong một gia đình nho học truyền thống nhưng ông theo Tây học khá sớm. Những năm 1900 - 1904, ông là nhân vật tham gia tích cực vào phong trào Duy Tân tại Quảng Nam. Ông từng làm thầy dạy Pháp văn tại các trường nghĩa thục Diên Phong, Quảng Cái.
Năm 1908, phong trào Duy Tân bị khủng bố trắng, các chiến sĩ bị lưu đày đi Lao Bảo, Côn Đảo; ông bị bắt giam tại nhà lao Hội An (Quảng Nam), rồi ra tù sống ẩn dật ở quê nhà một thời gian. Năm 1916, ông là một trong các nhân vật quyết định cuộc khởi nghĩa Duy Tân do Trần Cao Vân và Thái Phiên khởi xướng.
Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra vào ngày 3-5-1916 nhưng bị bại lộ, các chiến hữu bị thảm sát, Phan Thành Tài trốn thoát, ẩn ở miền Hiên (nay là các huyện Đông Giang và Tây Giang), Giằng (nay là huyện Nam Giang) thuộc phía tây Quảng Nam trong một thời gian ngắn.
Liên quan đến sự kiện này, cuốn “Những sự kiện lịch sử huyện Giằng: 1885 - 1975” (NXB Đà Nẵng, 1989) có đề cập đến những chi tiết, giai thoại khá thú vị về ông.
Sau khi Thái Phiên và Trần Cao Vân bị thực dân Pháp bắt và xử chém tại An Hòa (Huế), một số bạn chiến đấu người thì bị hành hình, người thì bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo, người phải tìm nơi ẩn thân để khỏi lọt vào tay địch, trong đó có Phan Thành Tài.
Trong thời gian ẩn thân ở tây Quảng Nam, ông đã sống ở các làng Alanh và Pache, xã Mà Cooih (Hiên), sau đó chạy qua Giằng nương nhờ làng Palanh (xã Cà Dy). Tuy chưa đến 40 tuổi nhưng do để râu rậm nên đồng bào Cơtu tại những nơi ông đến ẩn thân đều gọi ông bằng cái tên bày tỏ sự tôn trọng là “Ông già chống Pháp”.
Đồng bào Cơtu địa phương vốn có tinh thần thượng võ, yêu nước, yêu tự do, căm ghét thực dân Pháp và hết lòng mến mộ những nhà yêu nước nên đã giúp đỡ cưu mang, che giấu ông.
Về phía mình, Phan Thành Tài cũng thường kể cho đồng bào nghe về phong trào đấu tranh chống Pháp ở khắp các địa phương trong cả nước, tìm kiếm cây lá thuốc nam, bắt mạch chữa bệnh cho những đồng bào ốm đau, bệnh tật. Ông sống gần gũi thân tình trong sự yêu quý, kính trọng của đồng bào cho đến khi từ giã đồng bào về xuôi…
Có một giai thoại xúc động về Phan Thành Tài vẫn còn lưu truyền đến nay trong những ngày ông sống trong sự đùm bọc của đồng bào Cơtu. Đó là vào một buổi chiều, “Ông già chống Pháp” ra ngồi một mình trên gành đá ở bến sông Palanh bên dòng sông Cái, đôi mắt nhìn xa xăm về dưới miền xuôi nơi có những đồng bào đang chịu ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Bất chợt nghe tiếng khua chèo quẫy nước, ông bèn nhìn xuống dòng sông thì thấy một chiếc thuyền câu của hai vợ chồng người chài lưới nghèo ven sông đi qua. Chiếc thuyền nhỏ bé tròng trành giữa bốn bề sông nước, người vợ chèo mũi, người chồng chống sào, ở giữa khoang có treo một cái nôi…
“Ông già chống Pháp” gọi hai vợ chồng nọ lại và hỏi: “Răng nghèo lắm rứa hả lão?”. Người chồng nhìn ông trả lời: “Tại trời ông ạ! Cái số con nó vậy”.
Nghe đến đó, “Ông già chống Pháp” liền bảo: “Bây giờ tau có cái ni quý lắm, tau cho hai vợ chồng mi thì tức khắc hai vợ chồng mi sẽ giàu to, lại có chức có quyền nữa đó”. Vợ chồng người chài lưới ngạc nhiên. “Ông già chống Pháp” lại bảo: “Tau chẳng có của cải gì đâu nhưng tau là người chống Pháp, thằng Tây mà bắt được tau nó mừng lắm, nó đang treo thưởng lớn lắm”.
Vợ chồng người chài lưới nghe vậy bỗng giật mình bèn lên tiếng: “Ôi, con được sung sướng mà ông chết thì chúng con có vui gì”. Nói rồi họ kính cẩn chào từ biệt “Ông già chống Pháp”, tiếp tục công việc mưu sinh của mình bên bến sông Palanh…
Sau đó ít lâu, Phan Thành Tài được một người thương lái bí mật đưa về dưới xuôi. Và rồi trước tỉnh đường La Qua, Phan Thành Tài đã hoàn thành cuộc chiến đấu cuối đời mình, ông lên tiếng tố cáo tội ác của giặc Pháp và bọn phong kiến tay sai...
Ông đã bị thực dân Pháp xử trảm tại Vĩnh Điện ngày 9-6-1916 khi mới vừa 38 tuổi. Dân các làng Alanh, Pache, Palanh khi được tin đã vô cùng xúc động và đau xót. Hình ảnh, khí tiết của “Ông già chống Pháp” và những nội dung yêu nước mà ông thường kể cho đồng bào nghe đã thấm sâu vào nhiệt huyết của từng người và chắc chắn đã góp phần làm sáng thêm ngọn lửa đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của đồng bào Cơtu nói riêng, của nhân dân Quảng Nam nói chung.
MAI HỒNG LÂM