Cửa sổ tri thức

Về câu thơ "Còn non, còn nước, còn dài" trong Truyện Kiều

08:15, 01/05/2017 (GMT+7)

* Trong Truyện Kiều có hai câu thơ: “Còn non, còn nước, còn dài/ Còn về, còn nhớ đến người hôm nay”. “Còn dài” ở đây nghĩa là gì? Từ “nước non” trong Truyện Kiều có những nét nghĩa nào? (Mỹ Ảnh, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bìa sách “Truyện Kiều Chú Giải” của Lê Văn Hòe. (Nguồn: Internet)
Bìa sách “Truyện Kiều Chú Giải” của Lê Văn Hòe. (Nguồn: Internet)

- Từ “còn dài” trong câu thơ 475 của Truyện Kiều “Còn non, còn nước, còn dài” có nhiều cách hiểu khác nhau.

Trong cuốn “Kim Vân Kiều (nguyên văn tiếng Pháp: Kim – Van – Kiéou) – bài thơ An Nam nổi tiếng của Nguyễn Du” (NXB Lê Văn Tân, 136 Rue du Coton – Hà Nội, 1926) tác giả René Crayssac (1883 – 1940) dịch sang thơ Pháp cho rằng, còn dài trong câu thơ này là ái tình còn dài.

Kim Vân Kiều, bản M.R dịch sang tiếng Pháp mới (NXB Hà Nội - NXB Alexandre de Rhodes, 1944) hiểu là cuộc đi vắng còn dài.

Kim Vân Kiều, bản do Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) dịch sang tiếng Pháp (NXB Alexandre de Rhodes, tập 1 năm 1942, tập 2 năm 1943; được đánh giá là bản dịch văn xuôi tỉ mỉ và tinh tế nhất), hiểu là đời sống còn dài.

Tuy nhiên, theo nhận xét của tác giả Lê Văn Hòe trong cuốn “Truyện Kiều Chú Giải” (NXB Quốc Học Thư Xã, 1953), thì cả ba tác giả trên đều hiểu sai tinh thần câu thơ này. Ở các trang 116, 117 sách đã dẫn, tác giả viết: “Không có gì cho ta nói được rằng còn dài là ái tình còn dài hay đời sống còn dài. Hiểu còn dài là Kim Trọng đi vắng còn dài thì lại càng vô nghĩa”.

Nguyễn Du dùng ba chữ còn ngắt mạch câu làm ba đoạn cho mạnh lời văn và thơ dễ đọc. Do đó, Lê Văn Hòe tự hỏi “Non còn, nước còn, vậy cái gì còn dài?” và rồi trả lời: “Thật ra, còn non, còn nước, còn dài có lẽ chỉ là non còn dài, nước còn dài. Kiều định mượn ý non nước còn dài để nói rằng Kim Trọng còn mạnh khỏe sống lâu, dù chàng phải ăn gió nằm mưa, vượt đường ngàn dặm. Đó cũng là lời Kiều chúc sức khỏe Kim Trọng”.

Ông dẫn chứng “trong văn chương Tàu, người ta thường lấy ý trời đất chưa già hoặc non nước còn dài lâu để nói bóng gió người còn sống khỏe mạnh” và kết luận còn dài trong câu thơ đang xét là “Kiều quả quyết rằng Kim Trọng còn khỏe mạnh, còn sống lâu và còn trở về (trong câu kế tiếp Còn về, còn nhớ đến người hôm nay - ĐNCT) chớ không bị rủi ro trên đường trường ngàn dặm”.

Truyện Kiều có nhiều câu thơ có từ nước non, trong đó có những câu theo dạng đối từ như “dặm nghìn nước thẳm non xa” (chúng tôi nhấn mạnh - ĐNCT) hoặc phác họa một vẻ đẹp lãng đãng mùa thu “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”.

Nước non được kết hợp bởi hai thành phần nước non. Một thâm sâu dịu dàng và một cao to bất khuất. Một lưu chuyển không ngừng và một thường trụ bất biến. Một trắc một bằng, một âm một dương. Có lẽ vì thế mà nước non được dùng nhiều nhất với nghĩa chỉ những gì cao cả, vĩ đại. Ví như hai câu 1601-1602: Được lời như cởi tấm son/ Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.

Ở hai câu 675-676, nước non tuy có nghĩa là giang sơn, đồng nghĩa với giang sơn trong “Ở nhà mẹ mẹ con con, lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”, nhưng ở đây nước non lại chỉ nghiệp nhà, cơ nghiệp: Lượng trên dù chẳng dứt tình/ Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.

Trong hai câu 157-158, nước non chỉ sự xa xôi như có núi sông ngăn cách, do chữ hà sơn trong câu: “Tương thân chỉ xích nhi diễn nhược hà sơn” (Gần nhau trong gang tấc mà xa xôi như có núi sông ngăn cách): Nước non cách mấy buồng thêu/ Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng.

Non nước cũng chỉ lời thề bền vững như núi, như biển: Bây giờ kẻ ngược người xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời nước non (câu 1973-1974). Nét nghĩa này do chữ hải thệ sơn minh (chỉ non thề biển) trong Nguyên khúc (một áng Hán văn cổ): “Không thuyết hạ sàm khai hải thệ sơn minh” (Chỉ nói bô bô những điều thề nguyền bền chặt suông).

Nguyễn Du quả là bậc đại thi hào của Việt Nam, chỉ mỗi hai từ nước non, non nước mà đã gửi gắm vào thơ biết bao ý nghĩa sâu xa.

ĐNCT

.