Cửa sổ tri thức
"Nàng Mona Lisa" bị đánh cắp
* Bức họa Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci nghe nói đã từng bị mất trộm. Vụ trộm này diễn ra như thế nào và sau đó tác phẩm được bảo vệ nghiêm ngặt ra sao? (Hoàn Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Mona Lisa (ảnh) (La Gioconda hay La Joconde; Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo) là một bức chân dung thế kỷ XVI được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương bởi thiên tài người Ý Leonardo da Vinci.
Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) với tên gọi “Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo”.
Ngày 21 tháng 8 năm 1911, bức tranh nổi tiếng này bị một thợ sơn người Ý đánh cắp. Sự kiện gây chấn động mạnh trong giới nghệ thuật bấy giờ và phải mất hai năm sau người ta mới tìm lại được tác phẩm này.
Hôm đó là thứ Hai, Bảo tàng Louvre đóng cửa như thường lệ. Vào lúc 7 giờ sáng, Vincenzo Peruggia, 30 tuổi, đột nhập vào bảo tàng qua một cửa nhỏ bên phía sông Seine. Trước đó, Peruggia đã tham gia vào việc lắp đặt các tấm kính bảo vệ vây quanh bức tranh nên không còn lạ gì nơi này.
Chỉ mất vài giây, anh ta hạ được bức tranh xuống, tháo tranh ra khỏi khung rồi quấn vào trong chiếc áo khoác của thợ sơn và bình thản đi ra ngoài.
Ngày hôm sau, họa sĩ Louis Béroud đi vào Louvre và phát hiện “nàng Mona Lisa” biến mất, chỉ còn trơ lại bốn chiếc móc thép. Béroud liên hệ với người chỉ huy đội canh gác, ông này nói rằng bức tranh đang được đưa đi chụp ảnh hoặc cho các mục đích marketing(!).
Béroud kiểm tra lại với người chịu trách nhiệm khu vực đó của bảo tàng và xác nhận rằng “nàng Mona Lisa” đã thực sự bị đánh cắp!
Do bị nghi ngờ bởi từng kêu gọi “đốt cháy Louvre”, nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire (tác giả bài thơ nổi tiếng L’Adieu, nhà thơ Bùi Giáng dịch lời Việt có tựa Mùa thu chết và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên) bị bắt và tống giam. Danh họa Pablo Picasso là bạn của Apollinaire cũng bị đưa tới thẩm vấn. Tuy nhiên, cả hai về sau đều được chứng minh là không liên quan đến vụ trộm.
Lúc đó, cảnh sát cho rằng thủ phạm vụ đánh cắp phải là nhiều người và chuyển hướng điều tra nhắm vào các băng đảng quốc tế, những kẻ chuyên buôn bán lậu các văn hóa phẩm đánh cắp. Vì thế, thật buồn cười, tuy cảnh sát phát hiện được dấu vân tay trên một tấm kính bảo vệ bức tranh nhưng lại không khai thác bằng chứng này trong khi họ có đầy đủ hồ sơ và dấu vân tay của Peruggia.
Peruggia đã giấu “nàng Mona Lisa” trong căn hộ ở Quận 10 Paris trong suốt hai năm. Sau đó, anh ta viết thư chào bán bức tranh cho các cửa hàng bán đồ cổ người Ý, viện lẽ bức tranh này là của người Ý, do vậy, nó phải quay trở lại nước Ý.
Tháng 12-1913, một người bán đồ cổ của Ý đi cùng viên giám đốc một viện bảo tàng ở Ý tới gặp Peruggia và xác định đây là bức tranh thật, đã bị đánh cắp. Nhờ đó, “nàng Mona Lisa” được thu hồi một cách nhẹ nhàng.
Peruggia bị bắt giữ. Trước tòa, Peruggia nói rằng đã lấy trộm bức tranh vì lòng yêu nước. Các chuyên gia tâm thần nhận định đó là một công nhân, suy nghĩ đơn giản, nông cạn. Do vậy, kẻ ăn cắp “nàng Mona Lisa” chỉ bị xử một năm và 15 ngày tù. Sau đó, mức án được giảm xuống còn 7 tháng.
Trong Thế chiến 2, “nàng Mona Lisa” một lần nữa bị đưa khỏi Louvre và mang tới nơi an toàn, ban đầu là Château d’Amboise, sau đó là Loc-Dieu Abbey và cuối cùng tới Bảo tàng Ingres ở Montauban. Năm 1956, phần dưới của bức tranh đã bị hư hại nghiêm trọng vì a-xít do một kẻ phá hoại hắt vào. Cuối năm đó, một người khác đã phá hoại bức tranh bằng cách ném một hòn đá vào nó. Việc này khiến bức tranh mất một mẩu màu gần khuỷu tay trái, chỗ này sau đó đã được vẽ lại.
Sau những cuộc tấn công đó, “nàng Mona Lisa” được bảo vệ bằng kính chống đạn. Tháng 4-1974, một phụ nữ tàn tật, bực tức vì chính sách của bảo tàng với người tàn tật, đã phun sơn đỏ vào bức tranh khi nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Ngày 2-8-2009, một phụ nữ Nga, quẫn trí vì bị từ chối trao quyền công dân Pháp, đã ném một chiếc cốc hay chén trà bằng đất nung vào mặt kính bảo vệ bức tranh ở Louvre. Ở cả hai trường hợp trên, bức tranh đều không bị hư hại.
ĐNCT