Chuyên đề

Vàng son còn một chút này

07:15, 08/11/2014 (GMT+7)

Những tưởng chừng nào ngư dân còn ra biển đánh bắt hải sản thì nghề đan thuyền thúng vẫn phát triển. Nhưng giờ, cả ở quê, ở phố, người theo nghề này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Những người như ông Năm Ngưu còn giữ nghề đan thúng bởi họ tin rằng, biển, ngư dân và thúng nan bao đời nay gắn bó, thì nghề đan thúng không bao giờ mai một. Ảnh: H.N
Những người như ông Năm Ngưu còn giữ nghề đan thúng bởi họ tin rằng, biển, ngư dân và thúng nan bao đời nay gắn bó, thì nghề đan thúng không bao giờ mai một. Ảnh: H.N

Trụ lại với nghề

Mẹ tôi là người làng biển, bà bảo, khi ra khơi, chiếc thuyền thúng như chiếc lá, chòng chành giữa biển khơi. Chắc bà nghĩ đến những đêm ông ngoại lênh đênh trên biển câu tôm hùm 50 năm trước. Ở gần bờ đã vậy, người đánh bắt xa bờ ban đêm mỗi người một thúng rời thuyền lớn đi câu mực. Đời người làm nghề biển, không thể tách rời chiếc thúng. Lão ngư muốn xin sản vật của biển, thì đã được tập ngồi thúng từ khi 5-7 tuổi, 70 rồi vẫn chưa rời chiếc thúng, không ra biển thì nhớ, làm sao chịu được.

Xưa, phương tiện giản đơn, cái thuyền thúng giúp lão ngư đi câu ban đêm ở biển gần bờ. Nay, hiện đại hơn thì cái thúng được lắp thêm bộ máy, cũng đi câu gần bờ, nhưng người đỡ sức chèo.

Ông Phan Liêm (ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) năm nay hơn 70 tuổi, nước da rám màu nắng gió. Ông có gần 40 năm gắn bó với nghề đan thuyền thúng. Ông bảo, khi cách bờ một khoảng cách nào đấy tùy theo mực nước, những chiếc thuyền thúng trở thành phương tiện phụ trợ để chuyển ngư lưới cụ và những mớ mực, cá tươi nguyên lên bờ để đưa ra chợ. “Nghề biển, dù thuyền có công suất lớn hay bé đều cần đến thuyền thúng trong quá trình đánh bắt”.

Ông Liêm cho biết, để đan được một chiếc thúng mất khoảng 5 ngày, bán ra thị trường với giá từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Trừ chi phí mua nguyên vật liệu, tiền công mỗi ngày thu về khoảng 200 ngàn đồng. “Xưa, các làng chài ven biển này hầu như nhà nào cũng đan. Bây giờ nhu cầu cuộc sống thay đổi, việc kiếm ra đồng tiền có phần dễ hơn, nên không mấy ai còn mặn mà với cái nghề đau lưng, chai sần bàn tay này nữa. Biết là cực đó, mà bỏ nghề không đành. Vả lại, bao nhiêu người ra biển cũng vẫn cần đến cái thuyền thúng”.

Dọc theo các làng biển Đà Nẵng bây giờ chỉ vỏn vẹn còn có vài ba người theo nghề đan, xem như là bằng chứng sống của một cái nghề còn sót lại. Sợ nghề mai một, ông Phan Liêm động viên hai người con trai tiếp tục theo nghề. Nhiều năm trở lại đây, các loại thuyền thúng nhựa sản xuất theo công nghệ ra đời thay thế dần thuyền tre. Rồi phố lấn làng, những bức tường gạch, bê-tông cứ lấn dần những hàng tre. Nguồn nguyên liệu để đan lát cứ vơi cạn dần đi, phân bò để quét ngoài lớp thúng chống thấm nước cũng trở nên khó tìm mua hơn xưa.

Ở giữa một làng có nghề đan truyền thống, vậy mà nghề cũng mai một dần. Ông Trần Ngưu (thường gọi là Năm Ngưu, 68 tuổi, ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang) thở dài: “Trước cả làng có 5 hộ đan thúng, mà giờ chỉ còn mỗi tui, cũng bởi tui già nhất không làm nghề gì được nên mới bám nghề ni”.

Ông Ngưu giữ nghề của cha, có đâu từ trước năm 1945. Ông bảo, trước năm xảy ra cơn bão Chanchu năm 2006 khách hàng đặt nhiều, ở Thanh Khê, Nam Ô, Quảng Nam… nghe tiếng ông là tìm đến, ông phải làm ngày làm đêm mới kịp giao hàng cho khách. Thời gian đan phần nan mặt thúng mỗi cái mất 2 ngày, làm nan vành mất 4 ngày, rồi trít keo, trít phân bò bít kẽ hở. Chừng đó là đã có thể giao cho khách, nhưng có người yêu cầu cao hơn thì phải quét dầu rái mất thêm cỡ 1 tháng nữa.

Muốn mua tre, ông Ngưu phải vác rựa qua mấy thôn Ninh An, Diêu Phong, Trước Đông chọn, tre giành ruột đặc đan mặt thúng, tre mỡ làm nan. Không còn cái thời làm không kịp bán, nhưng ngồi yên thì “ngứa ngáy tay chân”, nên đôi bữa ông Ngưu lại sang làng khác chọn tre, về ngâm nửa tháng dưới ruộng trừ mối mọt, rồi về chẻ, vót, đan sẵn thúng... chờ khách hàng đến mua. Dáng ông nhỏ thó, một bên tai chẳng nghe được gì, nhưng vui tính, cười nói suốt. Ông bảo, đừng có lo, rồi người ta quay lại với thuyền nan hết, chứ thuyền nhựa, thuyền nhôm không ăn thua.

Ánh sáng cuối đường hầm (!?)

Ông Năm Ngưu bảo vậy, không phải để an ủi cái nghề chẳng còn mấy người nhớ đến, mà bởi chính những ngư dân thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, hay lên đặt hàng cho ông thông tin. Họ bảo thuyền nhựa, thuyền nhôm giá vừa phải, nhẹ, tiện sử dụng vậy đó, nhưng dùng vài năm là bị nứt, không bền bằng thúng nan tuổi đời 15-17 năm. Biết vậy nên ông ung dung: “Nghề này không “đứt” được. Bao giờ ngư dân còn đi biển là họ còn nhớ đến tui”.

Cũng như ông Phan Liêm, dân vạn chài đặt hàng ít đi, thì ông làm thúng xuất khẩu! Cách đây vài năm, một đoàn khách du lịch đi ngang qua, thấy những chiếc thúng của ông Phan Liêm, họ bèn có nhã ý muốn mua. Sau sự ngạc nhiên là niềm vui. Mỗi năm đôi ba cái hợp đồng với độ dăm ba chục chiếc thúng được đặt. Khách mua đến từ nhiều quốc gia như: Anh, Úc, Philippines, Nhật…

Niềm vui của ông Phan Liêm tựa như đốm sáng bật lên giữa mịt mùng đêm tối. Ngồi chuốt nan tre cạnh cha, anh Phan Minh bộc bạch: “Thị trường còn có nhu cầu thì nghề đan thuyền thúng vẫn còn sống. Biển vào mùa sóng gió thì nghề đan là cứu cánh cho gia đình khỏi đứt bữa, dễ chừng đã mấy đời truyền nối của gia đình mình cũng đủ chứng minh điều đó. Chỉ tiếc, người gắn bó với nghề không còn nhiều…”.

Có lẽ những người làm nghề đan thúng vững niềm tin rằng, bao giờ còn cá thì còn thuyền thúng, còn đi biển thì còn nghề đan. Vợ chồng anh Hồ Văn Sáu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) theo nghề đan thúng 18 năm nay, vợ chuốt tre, chồng đan, mỗi năm làm được chừng năm chục cái cho khách hàng làm nghề biển, chủ yếu là nghề câu mực. Nay ít khách, từ đầu năm đến giờ anh chị mới đan được 5 cái, thế nhưng chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Không đan thúng thì đi “chữa bệnh” cho thúng, trít lại keo, quét dầu rái, nẹp lại vành... Kiếm đồng ra đồng vào nuôi con, nuôi nghề, chờ những ngày tất bật với tre, với các đơn hàng, làm thúng nhỏ thúng lớn, bởi, người ta còn ăn cá thì ngư dân còn ra biển, còn lênh đênh với thúng nan, nghề vàng son sẽ ấm trở lại.

HOÀNG NHUNG

.