Chuyên đề
Giao lưu văn hóa qua tiếng Nhật
Với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết của học sinh thành phố Đà Nẵng về đất nước Nhật Bản, Tập đoàn Sumitomo 8 năm qua đã tổ chức các lớp học tiếng Nhật đồng thời lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt - Nhật.
Cô Yoko Ishii (bìa trái) và học trò trong giờ làm quen với nghệ thuật xếp giấy Origami. (Ảnh do Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cung cấp) |
Năm 2005, ông Motoyuki Oka, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) lúc đó, ghé thăm Đà Nẵng và bị “chinh phục” bởi vẻ đẹp của đất và người nơi này, nhất là nét hồn hậu, hiếu học của trẻ em. Ngay sau đó, ông nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho thành phố biển đầy nắng gió này. Và thế là, tháng 8-2006, Dự án “Giao lưu văn hóa thông qua dạy tiếng Nhật cho trẻ em tại thành phố Đà Nẵng” chính thức ra đời, là một trong nhiều dự án CSR (Corperate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) của tập đoàn trên khắp thế giới.
Dự án hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho trẻ em Đà Nẵng có cơ hội tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết của các em về văn hóa Nhật Bản thông qua việc dạy và học tiếng Nhật. Dự án được Thành Đoàn Đà Nẵng tiếp nhận và triển khai thực hiện tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, dành cho học sinh được tuyển chọn từ 4 Trường THCS trên địa bàn: Nguyễn Khuyến, Trưng Vương, Kim Đồng và Nguyễn Huệ.
Anh Nguyễn Cáp, Phó trưởng phòng Phương pháp Công tác Đội - Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, cho biết: “Mỗi năm chúng tôi phối hợp với Phòng GD&ĐT Hải Châu và Sở GD&ĐT thành phố tuyển chọn mỗi trường 30 học sinh thỏa mãn điều kiện: có năng khiếu về ngoại ngữ, nắm vững tiếng Việt, nhanh nhẹn trong các sinh hoạt cộng đồng. Từ đó, chúng tôi phỏng vấn chọn lại 60 em cho 2 lớp tiếng Nhật mỗi năm”.
Sumitomo Corporation (SC) hiện có 139 văn phòng khắp thế giới với hơn 74.000 nhân viên và nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản. Tại Việt Nam, sau nhiều năm đặt Văn phòng đại diện, SC đã thành lập Công ty TNHH SC Việt Nam vào tháng 11-2007 có trụ sở chính tại Hà Nội, chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. SC gắn bó mật thiết với Việt Nam thông qua nhiều dự án được triển khai tại Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. |
Người thầy đầu tiên của lớp là Nubuhiro Ito. Ngoài 60 tuổi, thầy rời quê nhà, mang theo sự tận tụy, lòng yêu nghề của những cụ đồ xứ sở Hoa anh đào. Năm 2011, thầy bàn giao lớp lại cho cô giáo Yoko Ishii, tình nguyện thuê nhà ở lại Đà Nẵng và giảng dạy tiếng Nhật tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Các thầy, cô người Nhật này chỉ dạy riêng cho lớp tiếng Nhật tại Nhà Thiếu nhi. Họ vừa là giáo viên vừa là hiệu trưởng, lúc nào cũng đến trước giờ học ít nhất 30 phút để đón học sinh, hỏi han các em vài điều nhằm tạo sự thân mật rồi mới lên lớp. Hôm chúng tôi đến, anh Nguyễn Cáp gọi điện thoại một lát rồi cho biết cô Yoko Ishii đang đi bộ từ Indochina Riverside Đà Nẵng (nơi đặt Văn phòng đại diện của Sumitomo Việt Nam tại Đà Nẵng) đến lớp học. Ngoài tiếng Nhật, cô dạy các em những bài dân ca Nhật, làm quen với nghệ thuật xếp giấy Origami nổi tiếng của Nhật, tìm hiểu về lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, các trò chơi dân gian của xứ sở Mặt trời mọc…
Trong 8 năm qua, thông qua dự án, đã có hàng trăm học sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiếng Nhật phổ thông, trong số đó nhiều em đã thi đỗ chứng chỉ Nhật ngữ quốc tế do chính phủ Nhật Bản cấp. Vừa rồi, em Hoàng Anh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã đạt điểm tối đa trong kỳ thi tiếng Nhật quốc tế.
Cứ mỗi hai năm, dự án được tổng kết và ký gia hạn thỏa thuận một lần. 8 năm qua, Sumitomo đã thực hiện tốt việc tài trợ “trọn gói” cho Dự án như đã thỏa thuận: chịu mọi chi phí cho tổ chức, quản lý lớp học; mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị cần thiết cho lớp; chi trả cho Nhà Thiếu nhi các khoản điện nước, bảo vệ, vệ sinh, nước uống cho học sinh và giáo viên; trả lương cho giáo viên người Nhật, người Việt…
Tiếp tục triển khai dự án, ngày 25-8 vừa qua, UBND thành phố phê duyệt dự án “Giao lưu văn hóa thông qua dạy tiếng Nhật cho trẻ em tại thành phố Đà Nẵng” với tổng kinh phí 131.172 USD trong thời hạn 2 năm, từ tháng 9-2014 đến tháng 8-2016. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 10-2016 đánh dấu 10 năm của dự án.
Vậy là, nếu không có gì thay đổi, cô giáo Yoko Ishii sẽ tiếp tục ở lại Đà Nẵng trong ít nhất 2 năm nữa. Cô lại thong thả đếm bước trên đường phố, học sinh Đà Nẵng lại được cô trò chuyện bằng chính tiếng mẹ đẻ của cô, và hơn thế, thầy và trò lại có dịp hiểu nhau hơn qua những hoạt động gắn kết văn hóa - lịch sử của hai dân tộc Việt - Nhật.
Cô giáo Yoko Ishii: Văn hóa ẩm thực là nét tương đồng của người Châu Á Tôi thường đi bộ từ nhà đến Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng và vô cùng thích thú khi được quan sát cuộc sống của người dân trên đường. Có nhiều điều với người Việt Nam là chuyện bình thường nhưng tôi lại cảm thấy rất phấn khích, bởi với tôi, nó hoàn toàn mới lạ. Ví dụ: những cửa hàng bán bánh mì, cậu bé thiếu niên đánh giày, máy đo cân nặng của các bà ở khắp nơi, quán cà-phê đông kín những người đàn ông vào buổi trưa, quán cà-phê chim trên vỉa hè (khách mang lồng chim tới quán, vừa ngắm chim vừa uống cà-phê),...
Người Việt Nam lấy gia đình làm cốt lõi, gia đình vô cùng quan trọng. Người Việt dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa cũng vẫn ưu tiên, đặt gia đình lên trên những việc khác. Tôi nghĩ đó là điều rất đáng quý. Mỗi khi nhìn thấy bóng dáng của ông bố chở đứa con và vợ, hay các em học sinh nam dù đã lớn bổng nhưng vẫn ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe gắn máy, tôi lại thấy vui và nghĩ đó là điều tốt và thú vị. Những hình ảnh như vậy, theo tôi, nó chính là sợi dây liên kết của từng tâm hồn trong một gia đình với nhau. Việt Nam và Nhật Bản đều là hai quốc gia ở châu Á, cho nên tôi đã nhanh chóng quen với cuộc sống ở Đà Nẵng. Theo tôi, văn hóa ẩm thực lấy gạo, cơm làm món ăn chính hay việc quan tâm, hỏi han người khác chính là nét tương đồng trong mỗi người châu Á chúng ta. Đương nhiên là các cách quan tâm, hỏi thăm như thế nào thì lại tùy vào mỗi người mà sẽ có cách thức khác nhau. VIÊN PHÚC QUÂN (ghi) |
VĂN THÀNH LÊ