Chuyên đề

Những người "xem bệnh" thời tiết

16:41, 31/10/2014 (GMT+7)

Với nhiều người, nhìn lên trời, mây màu hồng, màu trắng, màu vàng hay cả bầu trời xanh ngăn ngắt thì “cứ hiểu như vậy đi”, nhưng với những người làm nghề khí tượng, nhìn mây màu gì là biết được thời tiết sẽ thay đổi như thế nào, đó là mây báo mưa hay báo gió, có giông tố hay không.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng trạm Khí tượng Đà Nẵng và chiếc máy ẩm ký, một trong những máy móc hiện đại hỗ trợ công việc của người làm quan trắc khí tượng. Ảnh: H.N
Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng trạm Khí tượng Đà Nẵng và chiếc máy ẩm ký, một trong những máy móc hiện đại hỗ trợ công việc của người làm quan trắc khí tượng. Ảnh: H.N

Khi dân ngủ thì mình thức

Không ồn ào, hối hả, cũng chẳng nổi tiếng đến mức đài hay ti-vi thường xuyên “tôn vinh” người làm nghề, những người làm công việc quan trắc khí tượng thủy văn phải đối mặt thường xuyên với nắng, với gió, với mưa bão… để góp phần xây dựng những bản tin thời tiết chỉ dài khoảng 100 chữ. Họ lặng thầm “xem bệnh” thời tiết trong sự tận tụy, chính xác và trách nhiệm cao nhất, có mặt ở giữa núi rừng hay nơi cửa biển, đối mặt với không ít hiểm nguy.

30 tuổi, nhưng đã có 10 năm tuổi nghề, Lê Thị Hồng Vân, Trạm trưởng trạm Thủy văn Cẩm Lệ cười rất tươi, bảo “nghề của tụi em vào ngày mưa bão người dân ngủ yên trong nhà, còn mình vẫn phải thức đo mưa, đo mực nước trên sông liên tục suốt 24 giờ. Cái trạm này nằm sát chân cầu Cẩm Lệ nhưng có mấy người biết đến nó đâu”. Chồng của Vân cũng là người trong nghề, làm ở bộ phận dự báo, mùa mưa hay khi có bão còn phải trực ở Đài Khí tượng trọn ngày, nên chuyện cô vừa làm việc, vừa tự lo cho mình, cho con là chuyện thường ngày.

Hồi mới tốt nghiệp chuyên ngành thủy văn, Vân được phân công về Trạm Thủy văn Hiên ở Đông Giang suốt ba năm rưỡi. Một mình Vân đóng chân ở trạm. Sông A Vương mùa khô hiền hòa là thế, nhưng đến mùa mưa thì hung hãn tột bực, nhiều lần Vân bị trượt chân ở bậc thang lên xuống bờ sông trong những lần đo mực nước mùa lũ, phải tự mình cứu mình ở nơi chẳng có bóng người. Ở đây Vân phải đi chừng 3 cây số mới đến thị trấn. Lương hồi đó được 835 nghìn đồng mỗi tháng, nhà khó khăn chẳng giúp được gì, vậy mà Vân vẫn vượt qua.

Năm 2008, Vân được chuyển về Trạm Thủy văn Cẩm Lệ, trong sổ ghi chép gọi là sông Túy Loan. Sông có mực nước lên xuống tùy theo đỉnh triều, mùa hè phải lội ra giữa sông lấy mẫu nước để đo độ mặn; triều cường thay đổi nên phải cập nhật số liệu từng giờ. Khi học, Vân chuyên về ngành thủy văn, nhưng về đây làm việc thì làm cả 3 chuyên ngành, là đo mặn nước sông phục vụ môi trường, đo mưa và mực nước phục vụ công tác thủy văn và đo cấp độ gió phục vụ ngành khí tượng.

Ông ngoại của Vân trước làm ngành thủy văn, năm nay 85 tuổi, mẹ cũng làm nghề này. “Hồi bé em hay theo mẹ đi đo mực nước, đi thì đi thế thôi chứ chẳng biết gì; đến lúc học rồi đi làm nghề thủy văn mới hiểu và yêu nghề chị ạ”, Vân tâm sự.

Đang làm ở trạm thủy văn này với Vân, cô gái Lê Thị Quyên quê ở Quảng Trị mới có 2 năm tuổi nghề nhưng đã kinh qua công việc ở 3 trạm. Đầu tiên là Trạm Thủy văn Kiến Giang, đóng ở miền núi Quảng Bình, sau đó Quyên được chuyển về Trạm Lệ Thủy và bây giờ là Trạm Cẩm Lệ. Chưa có gia đình nên những cô gái trẻ như Quyên có thể được phân công đi bất cứ trạm thủy văn nào, trong số hàng chục trạm trên rừng, dưới xuôi từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi, là địa bàn quản lý của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ.

Trung thực và tỉ mỉ

Là một trong những trạm phát báo quốc tế, những quan trắc viên của Trạm Khí tượng Đà Nẵng phải tuân thủ yêu cầu trong 5 phút phải thảo xong mã điện, chuyển về phòng thông tin, rồi từ đây số liệu được chuyển lên phòng dự báo. Mỗi ngày 6 nhân viên khí tượng và 2 nhân viên môi trường phải chia làm ba ca trực, ca sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, ca chiều từ 11 giờ đến 20 giờ và ca tối từ 20 giờ đến sáng hôm sau. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa, 8 cô gái chân yếu tay mềm còn phải chuẩn bị thùng đo mưa trước giờ vào ca, kiểm tra nhiệt biểu xem có hư hay không, theo dõi mưa (đo mưa, quan sát mây), quan trắc gió (khi có bão phải quan trắc 30 phút 1 lần).

Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng trạm Khí tượng Đà Nẵng, cho biết 2 năm nay trạm được trang bị máy đo bức xạ tự động, còn trước đây 2 nhân viên đo bức xạ phải ốp bằng tay (1 ốp quan trắc = 1 ca trực, ghi số liệu), mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, trạm còn được trang bị các loại máy đo gió, khí áp, độ ẩm, các chị đỡ phải ra ngoài trời đi thu thập số liệu. Ngày trước khi đo gió, dùng máy gió hiệu Villd đo với tốc độ 40m/s, các chị phải ra ngoài trời thường xuyên; hiện nay được đổi sang máy gió Young đo được tối đa 70m/s, cho con số chính xác hơn, chỉ những lúc gió bão mới phải quan sát ngoài trời nhiều.

Với nhiều người, nhìn lên trời, mây màu hồng, màu trắng, màu vàng hay cả bầu trời xanh ngăn ngắt thì “cứ hiểu như vậy đi”, nhưng với những người làm nghề khí tượng, nhìn mây màu gì là biết được thời tiết sẽ thay đổi như thế nào, đó là mây báo mưa hay báo gió, có giông tố hay không. Và những lúc mưa to, gió lớn như thế, họ phải có những dự báo chính xác nhất gửi đến người dân cả nước cũng như đăng tải trên các bản tin quốc tế.

Trạm khí tượng của các chị có từ năm 1930, nhìn thật yên bình với thảm cỏ xanh, giữa các lối đi lát gạch thỉnh thoảng thấy chuồn chuồn, bướm, chim bay lượn. Trạm phải nuôi cỏ để có bề mặt đệm ở vào khoảng 20cm, không cao hay thấp quá vì sẽ ảnh hưởng đến số liệu quan trắc. Và ở nơi “bình yên chim hót” thế kia nhưng ngày bão, tôn bay vèo vèo các chị vẫn phải mang áo mưa ra đo lượng mưa hay gió. Phòng làm việc của các chị cũng chẳng thấy cốc me ổi xoài hay các loại nước uống như nhiều công sở khác, chỉ thấy những con người cần mẫn, tỉ mỉ và tỉnh táo phân tích số liệu; những chiếc máy gió, máy biểu ẩm ký chậm rãi ghi số liệu trong vòng quay 24 giờ trên tờ giản đồ.

Anh Nguyễn Xuân Thiện, Trạm trưởng trạm Hải văn Sơn Trà, nguyên là lính Hải quân, từ khi trạm bàn giao cho Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ năm 1989, anh Thiện về đầu quân ở đây. Trạm nằm ngay cửa biển, mỗi ngày anh Thiện quan trắc thủy văn, đo độ cao sóng, tốc độ, hướng gió, tầm nhìn xa…Với thời tiết bình thường, mỗi ốp anh phải quan trắc vào những múi giờ 7g, 13g, 19g và 1g đêm và có một giờ quan trắc phụ lúc 17g. Nhưng vào ngày mưa bão, áp thấp, gió mùa thì anh phải quan trắc 24 giờ mỗi ngày, chuyển số liệu hàng giờ; và thường trực theo dõi, bám sát các hiện tượng hải văn đột biến, nguy hiểm.

25 năm trong nghề, anh Thiện nghiệm ra rằng, nghề này đòi hỏi mỗi quan trắc viên phải tỉ mỉ, không được sai số quá 0,2%; đòi hỏi sự trung thực, không được bịa số liệu bởi quyền được sống và làm nghề của những con người như các ngư dân đang ngày đêm bám biển hay những người nông dân làm ra hạt lúa, củ khoai…

Trạm Đà Nẵng đưa thông tin phát báo quốc tế, nên quan trắc viên thuộc 4 trạm khí tượng (Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) phải đo khí tượng, thủy văn như tất cả các trạm toàn cầu vào các múi giờ 1g, 7g, 13g, 19g (giờ Việt Nam) và 4 giờ phụ là 4g, 10g, 16g và 22g. Cứ 5 năm, những người làm quan trắc khí tượng ở Việt Nam tham gia hội thi tay nghề toàn quốc một lần.

Đào Thị Tư, Phó phòng Quản lý mạng lưới trạm, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ

HOÀNG NHUNG

.