Chuyên đề
Hàng Heo - một nét chân quê
“Đường Hàng Heo” hay “Chợ Hàng Heo” là cái tên không có trong hồ sơ tên đường, tên chợ ở Đà Nẵng, nhưng lại là cái tên được các mẹ, các chị buôn khuya, bán sớm ưu ái đặt cho con hẻm nhỏ nằm bên hông chợ Cồn.
Góc ngồi quen thuộc của ông Lê Minh Tài. Ảnh: T.Y |
Anh em song sinh với chợ Cồn
Hầu như sáng nào các bà, các mẹ đi chợ Hàng Heo cũng trông thấy cụ ông Lê Minh Tài (91 tuổi) kéo ghế ra ngồi trước hiên nhà ngắm nhìn, lắng nghe không khí ồn ã, thân thương từ góc chợ gắn bó với gia đình mình trong bao nhiêu năm qua. Với ông Tài, đó là cách giúp ông thư giãn, chiêm nghiệm cuộc đời cũng như mang về cho ông những ký ức quê mùa tưởng chừng đã bị rơi rớt đâu đó trên suốt chặng đường dài ông đã đi qua. Ngồi ở đó, ông có thể quan sát cách phụ nữ trả giá, cảnh đàn ông đi chợ, cảm nhận ngày dài và đêm không yên tĩnh như những con hẻm khác trong lòng thành phố.
Từ Quảng Nam, gia đình ông Tài về định cư tại con hẻm 320 Ông Ích Khiêm từ năm 1955, lúc nơi đây vẫn còn là cồn cát mênh mông, mùa nắng nóng rát, mùa mưa lầy lội, sình bùn lún nửa bánh xe. Để kiếm tiền nuôi đủ 11 miệng con, ông cùng vợ mở sạp hàng bán bột ngũ cốc, gạo và duy trì công việc ấy mãi đến năm 2004 thì nghỉ vì tuổi cao sức yếu.
Sống, gắn bó với con hẻm này gần 60 năm qua, ông Tài may mắn chứng kiến sự hình thành và phát triển của chợ Cồn. Cùng với sự phát triển ngày càng nhiều mặt hàng của chợ, cái con hẻm dài chừng 100 mét, rộng 4,5 mét nằm bên hông chợ Cồn trở thành điểm tập kết heo từ các nơi chuyển về trước khi bán cho lò mổ hoặc cho người có nhu cầu chăn nuôi. Từ đó nó “chết” với cái tên Hàng Heo đến tận bây giờ. Ở địa chỉ này, ngày cũng như đêm, những “xe hàng”, xe lam, xe ba gác, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau đỗ xịch nơi đầu hẻm, tiếng người trả giá, tiếng í ới gọi nhau chuyển heo vào, đưa heo ra.
Ai đi qua đây cũng dễ dàng ngửi thấy cái mùi không lẫn vào đâu được của “chợ Hàng Heo”, không cẩn thận có thể dẫm lên bãi phân heo còn đang nóng. Trước sự ô nhiễm đó, sau năm 1975, “Hàng Heo” bị cấm, thay thế bằng cửa hàng thuốc nam, các ki-ốt buôn hành, tỏi, là điểm tập kết các loại rau từ Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hay các huyện phía bắc Quảng Nam.
Cùng sinh sống với gia đình ông Tài tại “đường Hàng Heo” còn có 16 hộ dân khác. Vì lý do nào đó, họ đến và gắn bó dù đây không phải là nơi lý tưởng để tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Kim Hường (1963) cho biết ba mẹ chị dọn về đây sinh sống từ những năm 60 của thế kỷ trước. Chị được sinh ra, lớn lên bên tủ hàng tạp hóa của mẹ. Hơn 10 năm trước, nhìn thấy nhu cầu của thị trường, gia đình chị bỏ tủ tạp hóa chuyển sang bày bán các loại thuốc Nam như cây chó đẻ, nhân trần, kim tiền thảo, chè vằng, dủ dẻ, dây khổ qua, ngũ gia bì, nhóm lá xông dành cho bà đẻ quen thuộc ở mỗi khu vườn quê như lá chổi, lá ổi, tía tô, sả, tre, chanh…
Để có nguồn hàng, chị lặn lội về các xã nông thôn tại Quảng Nam, Đà Nẵng hỏi thăm và dặn người dân nếu thấy cây thuốc thì hái phơi khô, mang ra bán cho chị. Cũng theo chị Hường, hiện nay trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 30 cân thuốc, thỉnh thoảng có vài thầy thuốc Đông y đến đặt mua cả tạ lá về bán lại cho người bệnh. Cách đây vài tháng, có khách hàng từ Đông Hà (Quảng Trị) lặn lội vào “đường Hàng Heo” tìm chị Hường đặt hàng định kỳ râu bắp về nấu thuốc. Mặt hàng rau bắp hiện nay rất được người dân ưa chuộng, có bao nhiêu bán bấy nhiêu, đẩy giá thành từ gần 20.000 đồng lên 40.000 - 50.000 đồng/kg. Không đắt như thuốc Nam, chỉ cần 10.000 đồng là các mẹ có thể mua một bó lá xông đẻ hoặc gói 9 loại gai sử dụng trong ngày đầy tháng trẻ.
Nét riêng của chợ
Từng nằm trong danh sách “chợ cóc” cần phải dẹp bỏ của UBND phường Hải Châu 2 từ năm 2011, nhưng đến nay, Hàng Heo vẫn tồn tại giữa lòng đô thị bởi cả người mua lẫn kẻ bán hiểu được mình cần gì, muốn gì tại khu chợ này. Rất nhiều gia đình ở Đà Nẵng có phụ nữ sinh đẻ, đều đảo qua Hàng Heo mua bao than, mớ lá xông, chiếc niêu đất chất than hồng lót dưới giường hay mớ lá chè vằng, dủ dẻ đun nước uống cho lợi sữa. Người đến Hàng Heo để hành nghề buôn bán, gặp lại không khí ồn ã chân phương hay đơn giản để trò chuyện với “bạn hàng” gắn kết mấy chục năm qua, hoặc có khi, chỉ để mua được mớ ổi quê, bó sả, chục chanh, mớ ớt xanh, bồ kết hay lon nén đậm chất quê.
Năm nay 73 tuổi, bà Phan Thị Thanh Nhàn có trên 40 năm ngồi góc chợ này để bán mớ hàng la-gim như hành tây, bồ kết, khoai, sắn, cà chua, hành lá, chanh, ớt… Mỗi ngày, khoảng 5 giờ bà gánh hàng ra chợ, bày biện mỗi thứ một ít và bắt đầu công việc buôn bán của mình. Bà bảo, việc buôn bán ngày một ế ẩm, mỗi ngày chỉ thu vào vài chục ngàn đồng, không ít lần các con khuyên bà nên nghỉ ngơi an hưởng tuổi già nhưng bà vẫn muốn “đến chợ cho vui” bởi cả đời đã quen với dáng vẻ mộc mạc, gần gũi nơi đây.
Chỉ là con hẻm nhỏ, nhưng cao điểm tầm 4 - 5 giờ sáng, Hàng Heo tập trung rất nhiều nông dân về đây bày bán nông sản họ làm ra, chủ yếu là rau quả. Mua tận gốc, bán tận ngọn nên giá cả rẻ so với mua ở chợ khác từ 20 đến 30%. Chính những hàng hóa kể trên đã tạo nên nét riêng cho con hẻm nhỏ Hàng Heo. Lội chợ, trò chuyện với các chị, các mẹ, chúng tôi không nghe thấy tiếng chửi bới, lớn tiếng nào mà chỉ thấy những nụ cười, những lời hỏi thăm ân cần, gần gũi. Có lẽ, chính sự dân dã, mộc mạc ấy khiến những người như bà Nhàn không muốn ngồi nhà.
Chị Nguyễn Thị Hòa, người ở Điện Nam (Quảng Nam) cho biết vợ chồng chị trồng rau trên 4 sào đất hoa màu, trồng luân canh nên có sản phẩm bán quanh năm. Hai ngày một lần, 3 giờ sáng vợ chồng chị lại lỉnh kỉnh người xe mang rau ra Hàng Heo. Ra đây dễ bán lại gặp toàn nông dân nên ít xảy ra cảnh tranh giành, níu kéo khách. Đến chợ, là có người quen đến “sang” rau, đưa tiền và khoảng 6 giờ sáng là vợ chồng chị đã có mặt ở nhà chuẩn bị ra đồng chăm sóc nông sản.
Không khí Hàng Heo đầu ngày mới thật sinh động và thú vị. Nhiều ông chồng theo vợ đi chợ ngồi nhấm nháp ly cà-phê hoặc trà nóng cùng một số người hành nghề xe ôm, bốc vác tại quán nhà ông Tài. Ở đó, mỗi ngày người ta chỉ ngủ được từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ rồi lại tất bật bắt tay vào công việc quen thuộc. Hơn 15 ki-ốt bé tí, mỗi cái rộng chừng 2,2m, sâu 2,5m trở thành ngôi nhà thứ 2 của nhiều cuộc đời “buôn thúng bán mẹt” như một phần không thể rời xa.
TIỂU YẾN