Chuyên đề

Không gian mới cho văn hóa

07:15, 27/12/2014 (GMT+7)

Năm 2014 đánh dấu bước thay đổi lớn về đầu tư văn hóa ở Đà Nẵng. Trong đó,  sự đầu tư vào quá trình bảo tồn và phát triển tinh hoa trí tuệ của tiền nhân, lưu giữ không gian văn hóa gắn với chiều sâu ký ức được tin rằng sẽ làm giàu hơn đời sống tinh thần cho người dân thành phố không chỉ hiện tại mà cả mai sau.

Theo Annethe Stiekele, nhà báo người Đức, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là “kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần”.
Theo Annethe Stiekele, nhà báo người Đức, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là “kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần”.

Nền văn hóa huyền thoại

Đến Việt Nam trong một tuần, cô Annethe Stiekele, nhà báo người Đức, dành trọn 5 ngày để tham quan và tìm hiểu Bảo tàng Điêu khắc Chăm (gọi tắt là Bảo tàng Chăm). Bởi đây là nơi duy nhất trên thế giới còn lưu giữ những bức tượng hơn 1.000 năm tuổi của nền văn hóa Chămpa huyền thoại.

Đánh giá Bảo tàng Chăm là “Kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần”, Annethe không khỏi lo lắng khi nhìn bức tường xám - nơi các bức tượng quý giá tựa vào - đang bị nước mưa thấm loang từng mảng lớn. Lớp da tường bị rộp lên sần sùi, bong tróc loang lổ. Tòa nhà xưa cũ được che chắn bằng tôn làm giảm tính thẩm mỹ của bảo tàng nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng dột ướt.

Khi được biết tháng 4-2014, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đánh giá hiện trạng quyết định đầu tư, cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Chăm, Annethe vui mừng bởi điều này góp phần gìn giữ và bảo vệ giá trị văn hóa của tiền nhân cũng như ký ức vô giá về vùng đất xưa cũ để chuyển giao cho thế hệ tương lai. “Thực tế hiển nhiên là tốc độ trùng tu không thể đuổi kịp tốc độ tàn phá của thời gian, yếu tố tự nhiên và thậm chí của chính con người.

Đà Nẵng đang nắm giữ kho báu vô giá mà không đâu trên thế giới có được, không nền kinh tế nào có thể mua được. Vì lẽ này, việc đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng, từ đó có phương thức bảo tồn xứng đáng với những báu vật độc nhất vô nhị không chỉ là nguyện vọng của đông đảo nhân dân mà còn là sứ mệnh cao cả mà Đà Nẵng phải có trách nhiệm với thế giới”, Annethe nói.

Đã 5 lần đến thăm Bảo tàng Chăm, bà Yonko Lampert (du khách Nhật Bản) nhận thấy rõ những thay đổi đang tác động lên toàn bộ bảo tàng cũng như từng pho tượng riêng. Cấu trúc Chăm độc đáo của bảo tàng nguyên thủy không có hệ thống cửa bảo vệ, không gian bên trong được mở rộng trực tiếp ra cảnh quan sinh động bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc các tác phẩm vô giá sẽ chịu tác động của mưa bão, ánh nắng mặt trời và các loài chim.

Để hạn chế điều này, bảo tàng đã lắp thêm cửa cuốn sắt vào hệ thống cửa chính và cửa sổ. Hệ thống cửa này về sau được thay thế bằng cửa nhôm, kính nhưng nay cũng đã xuống cấp. Số hiện vật trưng bày ngày càng tăng lên trong điều kiện diện tích bảo tàng không thay đổi gây ra bất cập trong không gian trưng bày, hiện vật chưa sắp xếp theo lộ trình hợp lý. “Hy vọng rằng, tất cả hạn chế trên sẽ được khắc phục trong trong lần bảo tồn sắp đến. Bởi, sự đầu tư đúng mức chắc chắn sẽ mang lại giá trị văn hóa quý giá, giá trị tinh thần tương xứng”, bà Yonko khẳng định.

Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm thì việc trùng tu không chỉ nằm ở vấn đề kinh phí. Bảo tồn nhưng không được phá vỡ quang cảnh và cấu trúc xưa, bảo tồn để giữ lại nguyên vẹn linh hồn, thần thái của di tích lịch sử văn hóa giữa lòng đô thị hiện đại là bài toán khó cho lãnh đạo thành phố nói chung và lãnh đạo bảo tàng nói riêng.

Tuy nhiên, với sự quan tâm của những người có trách nhiệm, tin rằng, trong lần nâng cấp này, Bảo tàng Chăm sẽ không chỉ là nơi có giá trị lưu giữ mà còn hấp dẫn, lôi cuốn người dân mọi lứa tuổi tìm về với lịch sử, văn hóa của tiền nhân để trải nghiệm và học hỏi những kiến thức mới. Bảo tàng tự nó mang lại đời sống tinh thần phong phú cho thế hệ hôm nay và tương lai chứ không đơn thuần chỉ gìn giữ giá trị đẹp của quá khứ.

Mô hình thiết kế Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: M.C.M
Mô hình thiết kế Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.

Những trang sách mở

Với hầu hết người dân Đà Nẵng thì việc giữ lại vị trí đẹp nhất thành phố cũng như đầu tư xây mới không gian văn hóa đọc cho Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (gọi tắt là Thư viện) là quyết định đúng đắn và nhân văn dành cho văn chương, cho những ai yêu sách, yêu cảm giác được len lỏi giữa các kệ chen kín sách, yêu phút giây được mân mê một quyển sách cũ.

“Khi thả hồn vào văn chương, lang thang cùng nhân vật trong trang sách bên ngọn gió sông Hàn, từng câu, từng chữ trên trang sách sẽ đi vào lòng người đọc là một cảm xúc đặc biệt bởi nó được khơi gợi bằng ngôn từ, bằng chất văn học trong không gian rộng mở. Điều này là hoàn toàn khác với việc nhấp chuột hay vuốt màn hình điện tử loang loáng”, chị Ngô Thị Thanh Hằng (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), một bạn đọc thường xuyên của thư viện cho biết.

Là một trong 19 giảng viên của Đại học Đà Nẵng vừa nhận được học bổng tiến sĩ tại Anh, Hoàng Công Huân (giảng viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, chính duyên với sách, với thư viện đã giúp bạn đạt được kết quả như hôm nay. Là người yêu thích toán học nhưng đam mê văn chương, Huân gắn bó với thư viện ngay từ những ngày học cấp 2. Trong một lần vô tình nhìn thấy quyển sách “Robinson Crusoe” do bạn đọc trao lại cho cô thủ thư, bìa quyển sách ngoại văn nhiều màu sắc đã lập tức thu hút sự chú ý của Huân và dẫn bạn làm quen với văn học nước Anh từ đó.

Nguồn sách dồi dào và vị trí đắc địa trên ngọn đồi đẹp nhất bên bờ sông Hàn, yên tĩnh với cây cối xanh mát bao quanh đã giúp Huân trôi theo những chuyến phiêu lưu kỳ thú, đến những miền đất xa xôi qua trang sách. Để rồi trong phần thi vấn đáp lấy chứng chỉ tiếng Anh, khi được hỏi về không gian văn hóa đẹp nhất của thành phố, bạn đã chọn thư viện để giới thiệu với giám khảo người nước ngoài. Cảm xúc thật về thư viện, cùng vốn tiếng Anh đã giúp Huân đạt được số điểm thuyết phục trong kỳ thi, để rồi từ đó mở ra cho bạn cơ hội được học tập cao hơn trong môi trường đào tạo học thuật nước ngoài.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc phụ trách thì thư viện đang nằm ở không gian văn hóa xứng đáng nhất. Đây không đơn thuần là nơi lưu trữ tài liệu, tri thức cho các thế hệ mai sau mà còn là địa điểm lý tưởng để đọc sách và là nơi gặp nhau giữa những tâm hồn yêu văn hóa đọc và biết trân quý sách. Với ý tưởng kiến trúc “Những trang sách mở”, thư viện trong tương lai sẽ không khép kín, bí bách, tôn nghiêm như những thư viện thông thường, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng rồi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn mọi đối tượng, lứa tuổi, là nguồn cảm hứng cho người đọc bởi không gian mở với cây xanh, cảnh quan hài hòa, sự đa dạng trong hệ thống sách, cũng như những hoạt động giới thiệu văn chương được tổ chức thường xuyên.

Có lẽ không quá lời nếu cho rằng Thư viện Khoa học tổng hợp là biểu tượng cho văn hóa đọc của người Đà Nẵng. Đây là nơi để người dân thành phố cùng nhau gìn giữ giá trị tinh thần mà sách mang lại, để thế hệ mai sau tiếp tục được thừa hưởng vẻ đẹp của văn chương bên bờ sông Hàn, để “Giá trị văn hóa thẩm thấu và lan tỏa trong mọi mặt của đời sống xã hội” như lời Bí thư Thành ủy Trần Thọ từng khẳng định.

MAI CHI MAI

.