Chuyên đề

Cho những điều ước

07:16, 27/12/2014 (GMT+7)

Trong những lực lượng đang giữ gìn biển đảo, Cảnh sát biển là lực lượng non trẻ nhất với 15 năm tuổi đời. Ở đó có những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh kiên cường. Nhiệm vụ giữ biển, tuần tra kiểm soát trên biển không ngăn họ có những điều ước giản dị, mà với người khác có thể thực hiện trong tầm tay...

Dũng và Nhàn trong đám cưới được tổ chức bởi “Điều ước thứ 7”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dũng và Nhàn trong đám cưới được tổ chức bởi “Điều ước thứ 7”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Tổ quốc nhìn từ biển” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện vào tối 8-6-2014, ở điểm cầu trên con tàu CSB 4033 đang lênh đênh làm nhiệm vụ giữa Hoàng Sa và điểm cầu ở Công viên Biển Đông Đà Nẵng, hai bạn trẻ Nguyễn Văn Dũng và Trần Thị Nhàn khiến người xem rơi nước mắt. Dũng - Nhàn hai lần lên kế hoạch đám cưới nhưng đều không thành.

Hai người từng chọn một ngày đẹp tháng 2-2014, thì Dũng nhận nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí tại Hoàng Sa. Về đất liền được ít ngày, ấn định đám cưới sẽ diễn ra trong tháng 6-2014, thì ngay đầu tháng 5 Dũng theo tàu ra Hoàng Sa bảo vệ biển đảo. Khi nghe chuyện của đôi bạn trẻ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khiến khán giả và cả Nhàn bất ngờ khi ông đến tặng Nhàn cặp nhẫn cưới.  

Ê-kíp chương trình Điều ước thứ 7 của VTV3 quyết định dành cho đôi bạn trẻ một sự bất ngờ: “tặng” hai người một đám cưới ấn tượng và đáng nhớ. “Hôn trường” là công viên Vòng quay Mặt trời (Sun Wheel) bên bờ sông Hàn. Dũng nhớ lại: Em đang ở Quảng Nam thì các anh lãnh đạo đơn vị bảo ra Đà Nẵng gấp tham gia một chương trình văn nghệ.

Dũng bảo mấy lần trước nếu có biểu diễn, hay cuộc thi gì đều có các chiến sĩ trẻ, mình “già” thế này (Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1981-P.V) thì đi làm gì. Nhưng các anh bảo chỉ cần em có mặt, hát nhấp môi cũng được. Về Đà Nẵng, sáng hôm sau Dũng rủ Nhàn đi chơi, cô gái đề nghị được đi vòng quay mặt trời.

Đến nơi, Dũng mua 2 vé, nhưng Nhàn tìm mọi lý do để không lên vòng quay cùng anh. Dũng không hiểu vì sao, vừa thắc mắc vừa ấm ức. Nhưng khi bước xuống vòng quay thì nhận từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hàng trăm bạn trẻ vây quanh. Đạo diễn chương trình bước đến, mời anh làm chú rể. Cô dâu rạng rỡ chờ anh trong bộ áo cưới, có gần 50 cán bộ, chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 2, cha mẹ hai bên cũng có mặt… Cách nay hơn 60 ngày, ngày 25-10 trở thành ngày kỷ niệm không thể nào quên với đôi bạn trẻ.   

Bác ruột của Dũng là chiến sĩ Hải quân. Trong ký ức của Dũng, mỗi lần bác trở về quê ở Diễn Châu, Nghệ An là mấy chục đứa trẻ con trong làng ra đón. Dũng nuôi ước mơ được làm lính biển từ nhỏ. 18 tuổi, Nguyễn Văn Dũng theo học ngành Kỹ thuật tàu máy của Học viện Hải quân. Ra trường, Dũng về đóng quân ở Phú Quốc 2 năm, năm 2009 Dũng được điều chuyển sang tàu Cảnh sát biển. Giờ đây Dũng là Trưởng ngành Cơ điện tàu Cảnh sát biển 4033, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2.

Với người chiến sĩ giữ biển, có được một hậu phương vững chắc, luôn ủng hộ lý tưởng của người lính biển và biết chịu đựng, hy sinh, chấp nhận nghề của chồng trong thời bình này không phải dễ dàng tìm được. Biết thế nên khi gặp Nhàn, cô gái xứ Nghệ đảm đang, chu đáo, hiền lành, biết quan tâm đến người khác, Dũng biết mình đã tìm được một nửa để cùng xây dựng hạnh phúc… Với Dũng, ước mơ như vậy là trọn vẹn phần nào.

Hết giờ làm nhiệm vụ trên biển, có khi kéo dài hằng tháng trời, tàu của Dũng cập bến Đà Nẵng là anh có thể gặp vợ ngay. Nhưng với nhiều bạn trẻ khác, đôi khi kế hoạch vợ gặp chồng, cha gặp con được lên lịch nhiều tháng trước, nhưng giờ gặp nhau chỉ diễn ra vỏn vẹn vài giờ. Hoàng Thị Thùy Dương, vợ của Thượng úy Nguyễn Trường Thắng, Trưởng ngành Cơ điện Tàu CSB 2014 cũng đã quá quen với cảnh này.

Thùy Dương đang sống và làm việc tại Ninh Bình. Hôm 20-11 vừa qua, Dương xin nghỉ phép nửa tháng đưa con vào thăm chồng, nhưng mới được mấy hôm thì Thắng đi biển. “Anh ấy có về phép thì cũng chẳng bao giờ trọn vẹn phép. Mà một năm cũng chỉ được một lần phép. Biết thế nên em toàn xung phong đi thăm. Hồi đang thực hiện nhiệm vụ tại Hoàng Sa tháng 5 vừa qua, em biết anh ấy cùng anh em chiến sĩ đưa tàu về Đà Nẵng sửa chữa, thế là tối thứ sáu hai mẹ con đón xe vào, ngày chủ nhật trở ra.Làm vợ lính, những chuyến đi như thế của hai mẹ con quen rồi”.

Giọng tâm sự của Thùy Dương nhẹ nhàng, ấm áp, và không giấu được nỗi tủi hờn của cô gái trẻ xa chồng, chăm con, vừa làm mẹ vừa làm bố. Những chuyến đi xe đò kéo dài gần cả nghìn cây số của Thùy Dương 3 năm qua, cả đơn vị đều biết. Và điều ấm lòng của những người giữ biển, mà chúng tôi gặp dù họ ở nhiều lực lượng khác nhau, từ Hải quân, đến Kiểm ngư, Cảnh sát biển, là anh em đơn vị biết rõ hoàn cảnh của nhau, luôn động viên nhau vượt qua. Niềm vui vì thế cũng nhân đôi, nỗi buồn xẻ nửa, san sẻ cho nhau khi đang làm nhiệm vụ trên biển hay khi về bờ. Ở những đơn vị của người giữ biển, vì thế luôn tràn ngập tiếng cười và sự lạc quan tin tưởng.

Yêu hay làm vợ lính, đặc biệt là lính biển, thì hầu hết mọi cô gái đều nhận phần thiệt thòi về mình. Với Thùy Dương và Thắng, biết nhau hơn 10 năm trước, gặp lại nhau khi cả hai đã trưởng thành, “tán tỉnh” nhau 1 năm thì làm đám cưới. Hay như cặp đôi Dũng - Nhàn có hai năm yêu nhau, thời gian cũng như khoảng cách thử thách họ rất nhiều.

Chỉ có những lá thư dán tem gửi qua đường bưu điện, những cuộc điện thoại ngắn ngủi hỏi thăm nhau kết nối hai trái tim đồng điệu. Và họ dành cho nhau niềm tin, yêu thương và biết chờ đợi nhau. Cái kết đẹp và hạnh phúc của họ, trở thành nguồn động lực cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi biên giới, ngoài đảo hay giữa biển khơi, để họ có thể vững tin hơn trong việc lựa chọn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mình.

Ở tàu CSB 4033, nơi Nguyễn Văn Dũng là thuyền viên, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều được Trung ương Đoàn trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Bản lĩnh, khôn khéo, kiên quyết và dũng cảm vững vàng nơi đầu sóng là phẩm chất thường trực ở những người chiến sĩ này.

Thượng úy Đàm Minh Khoa, thuyền trưởng tàu CSB 2012, quê ở Nghệ An - một trong hai chiến sĩ CSB vùng 2 đầu tiên nhận huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm tâm sự: “Mình cùng anh em luôn coi biển là nhà, tàu là tài sản quốc gia, nêu cao tinh thần, ý thức giữ gìn, bảo vệ. Có những chuyến đi liên tục trên biển hằng tháng trời, anh em chiến sĩ đều xem hoàn thành nhiệm vụ là mục tiêu cao nhất, mọi sự lo lắng bên ngoài nhiệm vụ đều gác lại. Chúng tôi luôn tâm niệm lời Bác “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Lời trải lòng của người chiến sĩ Cảnh sát biển cũng là lời thề giữ biển của những người lính. Để cho điều ước, niềm mong mỏi của hàng triệu trái tim người dân Việt Nam mong đất nước hòa bình, ấm no, hạnh phúc được trường tồn.

HOÀNG NHUNG

.