Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Hiệp sĩ nạng gỗ

07:48, 21/10/2014 (GMT+7)

Tiếp xúc với anh, có lẽ chỉ một từ “khâm phục” vẫn là chưa đủ. Người đàn ông khuyết tật cả hai chân nhưng chưa bao giờ là gánh nặng với gia đình. Nghị lực phi thường của anh cả trong cuộc sống lẫn trong công việc khiến ai cũng ngưỡng mộ. Anh là Lưu Văn Hùng, Đội trưởng Đội dân phòng cơ động phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Vượt lên nghịch cảnh    

Sinh ra trong gia đình đông con ở một làng quê nghèo thuộc xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Cuộc sống khó khăn, cả gia đình chuyển ra sống tại ngoại ô phía Bắc thành phố Đà Nẵng. Năm anh lên 9 tuổi, một trận sốt đã cướp đi đôi chân nhanh nhẹn của anh. Chuỗi tháng ngày cơ cực, sống trong mặc cảm cũng bắt đầu từ đó. “Lúc ấy làm gì có cái nạng gỗ như bây giờ. Trong khi bạn bè nô đùa tung tăng thì tôi phải bò lê bò lết trên đường. Lúc đó, tôi chẳng thiết sống nữa, mặc cảm với bè bạn lắm nhưng rồi cũng cố gượng dậy, cố vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng”, anh Hùng nhớ lại.

Không những vượt lên nghịch cảnh, anh còn luôn tự dặn lòng phải sống thật có ích cho xã hội. Nhìn ngôi nhà khang trang, đồng thời là đại lý bia, nước ngọt, đá viên trên đường Tôn Đức Thắng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), khó ai hình dung chủ nhân của nó là người bị tật cả hai chân. Hơn chục năm nay, chính nhờ công việc này, một tay anh vun vén, nuôi sống cả gia đình.

Anh Hùng còn tạo ra công ăn việc làm ổn định cho 4 nhân công lao động. Nhiều lúc công việc bận rộn, anh còn tự tay cắt đá viên rồi tự đi giao cho các nhà hàng, quán ăn trong khu vực. Nỗ lực hơn cả những người bình thường, một người đàn ông với đôi chân tật nguyền như anh nay trở thành chỗ dựa của mọi người.

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết anh Hùng còn là vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp của làng thể thao thành phố. Năm 1997, anh Hùng được tuyển chọn vào đội vận động viên khuyết tật thi đấu toàn quốc. Khi ấy, anh đã hơn 30 tuổi nhưng để bắt đầu cho một đam mê thì chưa bao giờ là trễ.

Năm 2003, anh được cử tham gia Paragame được tổ chức tại Hà Nội và mang về tấm Huy chương Vàng cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Với thành tích này, anh vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, anh Hùng tiếp tục đoạt Huy chương Bạc giải Thể thao-văn nghệ toàn quốc dành cho người khuyết tật tổ chức tại Quảng Trị. Anh tâm sự: “Chính nhờ bóng bàn mà mình được mở mang tầm mắt với cuộc sống xung quanh. Có thể đôi chân mình thua họ nhưng đôi tay khỏe mạnh, đầu óc mình phải nhanh nhạy không thôi mãi mãi mình sẽ ở phía sau. Bác Hồ đã nói, tàn nhưng không phế. Lời Bác dạy đã theo tôi bao năm qua và là động lực để tôi phấn đấu hơn nữa”.

Thua đôi chân thì dùng trí óc

Năm 2000, nhận thấy tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phường ngày một phức tạp, anh Hùng mạnh dạn xin tham gia đội dân phòng tại cơ sở. Thấy anh bị tật, đi lại khó khăn, dù biết anh rất hăng hái và có trách nhiệm nhưng ai cũng e ngại anh không thể đảm đương được công việc vốn nặng nề với một người bình thường. Anh Hùng nhớ lại: “Tôi nhớ hoài lúc ấy bác Bí thư chi bộ gọi tôi lại và nói: Hùng ơi, con thế thì làm sao làm dân phòng được! Tôi đã nói với bác rằng bác cứ để con làm. Con thua người ta đôi chân thì con dùng trí óc để xử lý. Con tin là con làm được!”. Lời hứa ấy bao năm qua vẫn theo anh trên mọi nẻo đường, trong mỗi chuyến tuần tra đêm.

Đến bây giờ, khi đã có thâm niên 13 năm trong nghề, anh Hùng đã phối hợp với lực lượng công an địa phương phá hàng trăm vụ án, cải thiện đáng kể tình hình an ninh trên địa bàn. Đáng nhớ nhất là vụ án bắt đối tượng Ngô Văn Minh (trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) vào chiều 27-7-2007. Thời điểm đó, trong lúc chuẩn bị đi mua cháo cho mẹ thì anh thấy 3 sinh viên đang đuổi bắt một thanh niên. Biết anh trong đội dân phòng, các sinh viên liền gọi anh cùng bắt trộm.

Bằng óc phán đoán nhanh nhạy, anh chạy xe theo, đồng thời ra hiệu cho các sinh viên không đuổi bắt tên trộm nữa. Bản thân anh chạy xe theo giả làm người đi đường, thuyết phục tên trộm leo lên xe mình để chỉ đường thoát thân. Tên trộm thấy vậy liền lên xe. Lựa thời điểm thích hợp, anh bẻ ngược tay y, lấy chiếc còng để sẵn trên xe còng tay tên trộm chỉ trong tích tắc. Lúc khám xét Ngô Văn Minh, lực lượng công an phát hiện trong người đối tượng này có tổng cộng 19 chiếc điện thoại di động.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, anh Hùng được Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng và UBND quận tặng giấy khen trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hằng đêm, từ 19 giờ 30 đến 4 giờ sáng hôm sau là thời điểm anh cùng anh em tuần tra những điểm nóng về an ninh trật tự tại địa bàn. Xông xáo trong công việc, nhiều lần anh bị côn đồ điện thoại, nhắn tin đe dọa, giằng mặt nhưng không vì vậy mà anh nao núng tinh thần. “Không được chùn bước với tội phạm là mục tiêu và mục đích mà tôi luôn hướng tới”, anh Hùng nói.

Trách nhiệm với công việc, chu toàn việc gia đình, anh Hùng luôn được bà con lối xóm quý mến, trân trọng và biệt danh thân mật là Hùng “nhí”.

Thượng tá Đặng Văn Đấu, Trưởng Công an phường Hòa Khánh Bắc, đánh giá: “Anh Hùng là người rất tâm huyết. Mặc dù chân không đi lại được nhưng anh sẵn sàng sắm xe máy để đi tuần tra cùng anh em. Anh còn huy động được lực lượng thanh niên ở địa phương cùng tham gia vào đội dân phòng. Đêm hôm hay bất cứ giờ nào, anh đều cùng với anh em đi tuần tra, kiểm soát tình hình mà không ngại vất vả. Nhiều khi anh còn kiên trì mai phục từ tối đến sáng cùng với lực lượng công an để bắt đối tượng cho bằng được. Anh Hùng là tấm gương sáng, một nghị lực phi thường mà chúng tôi rất khâm phục”.

BÌNH AN

.