Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Người thương binh nặng lòng với đồng đội
“Mình còn sống đến hôm nay là nhờ có nhiều đồng đội đã ngã xuống thay mình. Còn nhiều người vẫn chưa được tìm thấy xương cốt, gia đình các anh đau xót lắm. Những việc tôi làm chỉ mong bù đắp được phần nào cho gia đình các đồng đội”. Ông Phạm Quang Dũng, Phó Bí thư Chi bộ 13A thuộc Đảng bộ phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ nói về lý do ông dành nhiều thời gian tìm mộ liệt sĩ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Dũng là chiến sĩ trinh sát của các đơn vị V10, D70, D72 của Tỉnh đội Quảng Nam; từng kinh qua nhiều trận đánh ác liệt trên chiến trường Khu 5 với 8 lần bị thương và hiện là thương binh 2/4. Sau chiến tranh, ông làm công tác chính sách tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh, nghỉ hưu từ năm 1990. Nghỉ hưu là ông tham gia ngay công tác địa phương với vai trò là Phó Bí thư chi bộ khu dân cư, góp phần đưa tổ dân phố 56 cũ, nay là các tổ 92, 93, 94 liên tục hơn 10 năm liền dẫn đầu các phong trào thi đua của phường Khuê Trung.
Một lần ông tình cờ hỏi chuyện và được biết trong tổ dân phố 56 có liệt sĩ Huỳnh Văn Vĩnh hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; người vợ liệt sĩ cho ông xem giấy báo tử chỉ ghi tên đơn vị và tọa độ 479 ở Campuchia. Bằng kinh nghiệm của người chiến sĩ trinh sát và kinh nghiệm làm công tác chính sách, ông khẳng định sẽ tìm được tọa độ nơi an táng liệt sĩ Vĩnh. Nói là làm, ông lập tức khăn gói lên đường vào Quân đoàn 4 ở Tây Ninh liên hệ nhờ giúp đỡ.
Đơn vị này cho xe đưa ông lên biên giới Việt Nam-Campuchia và từ đó ông tự đi vào rừng tìm mộ liệt sĩ (LS). Sau hai ngày dò tìm ông xác định đúng địa điểm chôn LS và đào được tấm kim loại có khắc tên, đơn vị của LS Vĩnh. Hài cốt LS Vĩnh được đưa về quê hương, an táng tại nghĩa trang LS của thành phố trong niềm nghẹn ngào của gia đình bởi từ nay mộ gió LS đã có cốt. Ông Dũng là người mừng nhất vì thời gian tìm được hài cốt LS nhanh quá sức tưởng tượng.
Sau lần đó, ông có những chuyến đi trở lại chiến trường xưa để tìm những đồng đội còn nằm lại. Mỗi câu chuyện tìm mộ LS của ông đều xuất phát từ những sự tình cờ rất lạ lùng. Một lần ra Hà Nội thăm người quen, ông có ghé một quán nước chè bên vỉa hè phố Mai Động. Bâng quơ nhìn vào căn nhà đơn sơ của bà chủ quán nước ông thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công, ông lân la hỏi chuyện. Bà chủ quán nước bật khóc kể LS Nguyễn Duy Lê trên tấm bằng ấy là chồng bà hy sinh đã hơn 30 năm vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Ngặt nỗi hoàn cảnh bà quá nghèo nên chưa có điều kiện tổ chức được chuyến đi tìm nào cả. Xem giấy báo tử chỉ ghi nơi hy sinh là mặt trận phía Nam và giải nghĩa các ký hiệu, ông Dũng tin là mình sẽ tìm được LS và hứa giúp bà chủ quán nước. Về Đà Nẵng, ông Dũng lại lặn lội lên Gia Lai tìm kiếm hài cốt LS. Sau nhiều ngày ông đã tìm thấy mộ LS còn nguyên cả miếng kim loại khắc tên LS Nguyễn Duy Lê và báo lại cho cơ quan quân sự, Sở LĐ-TB&XH địa phương biết và tổ chức cất bốc và trao trả cho gia đình.
Câu chuyện tìm hài cốt LS Tạ Quang Dũng là anh rể ông Dũng hy sinh năm 1968 tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cũng ly kỳ không kém. Dừng xe ở giữa nơi chỉ toàn đồi núi trập trùng không một bóng nhà dân, ông tự mình xác định đúng chỗ chôn và cất bốc được hài cốt LS. Ông ra đường đón xe về lại đúng chiếc xe đã đưa ông đến nơi bốc hài cốt LS đang trong hành trình quay trở lại. Đến nay ông đã tìm thấy hài cốt của 8 LS. Ông nói mình rất thành tâm đi tìm nên đồng đội đồng ý cho mình tìm thấy để đưa về quê hương. Ông gọi đó là cái duyên tìm hài cốt LS và mong sao chừng nào còn khỏe, còn đi được thì cái duyên ấy không mất đi.
SƠN TRUNG