Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Gần dân, sát dân để hoàn thành nhiệm vụ
Gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân để được dân hiểu, dân thương và giúp đỡ mình, đó là phương châm làm việc của Thiếu úy Phạm Hùng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Sơn Trà (Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng).
Sinh ra tại một làng quê nghèo ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngay từ nhỏ đã mơ được làm anh bộ đội, do vậy, học xong THPT, năm 2003, Hùng viết đơn tình nguyện tham gia phục vụ có thời hạn trong quân đội. Sau ba tháng huấn luyện ở Quảng Nam, Hùng được phiên chế phục vụ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng).
Nhưng với ước mơ phục vụ lâu dài trong quân đội, năm 2004, Hùng thi đỗ và học Trường Trung cấp Biên phòng, cho đến năm 2006 ra trường và phân công về công tác tại Đồn Biên phòng 260 (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) với vai trò là cán bộ trinh sát. Với ý chí phấn đấu học tập, năm 2011, Hùng tiếp tục học tại Học viện Biên phòng với chuyên ngành trinh sát. Tháng 9-2013 ra trường, Phạm Hùng về công tác tại Đồn Biên phòng Sơn Trà.
Với một địa bàn có 4 phường biên giới, người dân sống bằng ngư nghiệp, đời sống dân trí còn thấp, hơn nữa, đây cũng là địa phương diễn ra quá trình giải tỏa, chỉnh trang đô thị mạnh nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự, vấn đề tôn giáo. Khắc ghi lời Bác dạy, những người lính “quân hàm xanh” phải gần dân, sát dân, do đó, anh đã xuống địa bàn để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Dần dần, anh trở thành người bạn của dân; do đó, những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, an ninh tôn giáo anh nắm kịp thời để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị cũng như địa phương giải quyết, không để phát sinh điểm nóng.
“Những năm gần đây, tàu nước ngoài thường xâm phạm, va đâm, cướp bóc tàu cá của Việt Nam khiến không ít ngư dân lo lắng. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên ngư dân ra khơi bám biển”, Thiếu úy Phạm Hùng cho biết. Theo Thiếu úy Hùng, đây cũng là một nhiệm vụ khá nặng nề đòi hỏi những người lính Biên phòng như anh phải thể hiện tình yêu nghề, phải xem dân như những người thân của mình để chia sẻ, động viên. Anh thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Luật Biển Việt Nam cũng như việc đánh bắt ngoài khơi để ngư dân nắm, hiểu, khai thác bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Năm 2014, tình hình Biển Đông có nhiều biến động khiến ngư dân gặp không ít khó khăn trong việc đánh bắt, khai thác hải sản trên biển. Đặc biệt, đầu tháng 5-2014, Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta, đồng thời tăng cường tàu quân sự, máy bay để bảo vệ giàn khoan, uy hiếp, xua đuổi ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động, khai thác trên vùng biển Hoàng Sa - một ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân, khiến họ lo lắng, bức xúc. Tình hình phức tạp, những cán bộ trinh sát như anh phải làm công tác tư tưởng cho ngư dân cũng như thân nhân những ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển.
“Ngư dân ai nấy bức xúc lắm, nhưng tránh kẻ xấu lợi dụng, xúi giục gây nên điểm nóng như những địa phương khác nên chúng tôi thường xuyên động viên, chia sẻ, giải thích để họ hiểu, đồng thời vận động ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền”, Thiếu úy Hùng nói. Sự động viên kịp thời của những cán bộ biên phòng - trong đó có anh, nhiều ngư dân Đà Nẵng đã xung phong ra khơi bám biển, cùng với lực lượng chấp pháp đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981. Tuy nhiên, để sát cánh cùng với những ngư dân dũng cảm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, Thiếu úy Phạm Hùng đã viết đơn tình nguyện ra Hoàng Sa.
“Mình phải luôn sát cánh cùng với ngư dân, động viên, chia sẻ, giúp đỡ họ trên biển. Có mình, ngư dân rất yên tâm, quyết tâm bám biển, đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981”, Phạm Hùng chia sẻ. Sự mưu trí, dũng cảm của Phạm Hùng đã giúp ngư dân tránh được những cuộc truy đuổi, va đâm của tàu Trung Quốc đối với tàu cá Đà Nẵng; qua đó, góp phần đẩy đuổi được giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, giữ vững được một ngư trường truyền thống bình yên.
Ghi nhận những cống hiến của anh trong công tác bảo vệ chủ quyền, biển đảo của mình, năm 2014, Thiếu úy Phạm Hùng được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen; ngoài ra, Thành Đoàn, UBND quận Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng thành phố cũng đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho anh. Cuối năm 2014, anh đã được bổ nhiệm giữ chức Đội trưởng Đội Trinh sát.
Ngọc Phú