Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Người thầy chí công vô tư

08:32, 11/08/2015 (GMT+7)

Được bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) từ tháng 3 năm 2010, trong bối cảnh các trường đại học công lập trên cả nước buộc phải thay đổi, nâng cao chất lượng dạy và học để cạnh tranh với nhau và với các trường dân lập khác, thầy Phan Minh Đức hiểu được tầm quan trọng của Phòng Đào tạo với nhà trường nên đã có những cách làm đổi mới, có thể nói là cuộc cách mạng.

Theo thầy Phan Minh Đức, Phòng Đào tạo đóng vai trò như phòng kế hoạch của một công ty, không chỉ quản lý về sinh viên mà còn quản lý nhân lực của nhà trường, nên yêu cầu bức thiết đặt ra là phải có công cụ quản lý. Chẳng hạn, dự báo nhu cầu tăng/giảm quy mô của ngành học phải phù hợp với sự phát triển của xã hội để từ đó có kế hoạch về nhân sự.

Ngay từ khi đảm nhận cương vị mới, thầy Phan Minh Đức đã nhìn nhận, Trường ĐH Bách khoa đang gặp khó khăn trong việc quản lý bởi thiếu một công cụ hỗ trợ công tác quản lý đào tạo tín chỉ để đáp ứng được những nhu cầu tác nghiệp cơ bản, cũng như nhu cầu phức tạp đối với một trường đại học kỹ thuật nên việc đầu tiên là phải áp dụng công nghệ thông tin vào xây dựng hệ thống công cụ quản lý đào tạo. Công cụ này sẽ vừa đem lại thuận lợi cho đối tượng quản lý và cũng rất tiện ích với sinh viên.

Về phía nhà trường, phần mềm quản lý này sẽ giúp Phòng Đào tạo kiểm soát được các khoản thu học phí, thông tin sinh viên, điểm số, giúp nhà trường xác định được nhu cầu của sinh viên (thông qua việc đăng ký học phần qua mạng) kịp thời can thiệp, tư vấn để sinh viên yên tâm học hành. Về phía sinh viên, việc mọi thông tin, thông báo đều được công khai, minh bạch trên website khiến sinh viên dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như xác định nhu cầu học của mình trong một học kỳ.

Đặc biệt, thầy Phan Minh Đức cũng là người khởi xướng việc cho sinh viên đóng học phí nhiều lần trong học kỳ. Nói về cách làm mới mẻ này, thầy cho biết: “Với nhiều sinh viên, việc đóng học phí một lần rất khó khăn. Do đó, tôi nghĩ nên chăng chia học phí thành nhiều gói nhỏ, nộp từng ít sẽ giảm bớt áp lực cho sinh viên hơn. Vì đã có công cụ quản lý rồi, nộp bao nhiêu thông tin sẽ được lưu lại nên việc đóng nhiều lần này cũng không gây ảnh hưởng hay mất thời gian”.

Nhờ công cụ quản lý này, công tác đào tạo của Trường ĐH Bách Khoa ngày càng có nền nếp hơn, hiệu quả cao hơn (thể hiện ở tỷ lệ sinh viên nhận đồ án tốt nghiệp đúng thời hạn tăng, tỷ lệ sinh viên có học lực khá trở lên tăng, giảm tỷ lệ sinh viên học lại) và bảo đảm kỷ luật học đường (giảm số sinh viên bị kỷ luật, bị buộc thôi học, có các biện pháp để sinh viên phải có ý thức hơn trong việc tìm hiểu quy chế, quy định đào tạo; tăng cường kỷ luật giảng dạy). Công cụ này cũng giúp từng đơn vị và nhà trường thấy rõ những điểm yếu trong công tác đào tạo và quản lý nguồn nhân lực, phân công giảng dạy, tổ chức giảng dạy và có biện pháp khắc phục dần. Công tác quản lý đào tạo của nhà trường không có sai sót nào. Đến nay, hệ thống quản lý đang được phát triển để thực hiện những chức năng quản lý trong một số lĩnh vực khác.

Từ khi nhận nhiệm vụ mới đến nay, thầy Phan Minh Đức đã không ngừng cố gắng để giúp Phòng Đào tạo trở thành phòng hạt nhân, tham mưu cho Ban giám hiệu cách tổ chức và phát triển quy mô các ngành đào tạo, “làm thế nào để công khai với xã hội về chất lượng, tăng chuẩn đầu ra cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa là việc tôi trăn trở hằng ngày”.

Với thầy Phan Minh Đức, những giấy khen như “Đạt danh hiệu Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền 2011-2013” của Đảng bộ Đại học Đà Nẵng, hay giấy khen về thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng bộ Đại học Đà Nẵng năm 2013… chính là động lực để mình tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: Hết mình trong công việc, chí công vô tư, thầy Phan Minh Đức đã nghiêm khắc tự hứa với bản thân: công việc tập thể là trên hết, phải luôn đau đáu về công việc thì mới có động lực, cách làm hay để làm tốt hơn nữa. Thêm vào đó, phải có phẩm chất “chí công vô tư”, mọi thông tin về nhà trường, về sinh viên phải được công khai, minh bạch, bảo đảm tính chính xác.

Không chỉ thành công trong công tác, điều hành các hoạt động của Phòng Đào tạo, thầy Phan Minh Đức còn khiêm tốn học hỏi, chịu khó lắng nghe và tiếp thu ý kiến của sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ sinh viên nếu cần và làm cầu nối giữa gia đình và nhà trường. Thầy còn dành thời gian để hướng dẫn luận văn cho học viên cao học, tham gia phản biện báo ở một số tạp chí, viết bài cho báo tại Hội nghị Cơ học thủy khí toàn quốc và tham gia nghiên cứu khoa học.

Quỳnh Trang

.