Chính trị
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn - Bài cuối: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ, thôn
Trước yêu cầu quản lý đô thị đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, trong điều kiện thành phố đang thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, yêu cầu về đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ dân phố, thôn trong tình hình hiện nay rất cần thiết.
Số liệu tổ dân phố, thôn toàn thành phố. Đồ họa: THANH HUYỀN |
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, thành phố hội nhập ngày càng sâu rộng và yêu cầu quản lý đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề mới, ngày 29-1-2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố để thay thế Chỉ thị số 21-CT/TU, nhằm tiếp tục phát huy vai trò của tổ dân phố, thôn tham gia tích cực làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ do chính quyền địa phương triển khai.
Nắm chắc tình hình, quản lý tốt địa bàn
Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị số 21-CT/TU về “Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố” ngày 30-1-2024, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, có tính chất quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian đến. Với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt thành của cán bộ tổ dân phố, thôn sẽ góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng an bình, văn minh, hiện đại.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn, từ kết quả triển khai Chỉ thị số 21-CT/TU đạt nhiều chuyển biến tích cực cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế, khó khăn. Đầu năm 2024 Thành ủy ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố. Chỉ thị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố về quan điểm, chủ trương, mục đích, yêu cầu về việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố trong tình hình hiện nay, với phương châm: “Nắm chắc tình hình, quản lý tốt địa bàn, tiếp nhận thông tin nhanh, xử lý tình huống phát sinh kịp thời trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số từ cơ sở”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố, gắn với huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình thành phố “5 không”, “3 có, “4 an”, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Theo đó, tiếp tục tăng cường quản lý cư trú, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, giữ gìn vệ sinh môi trường và đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo, đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở. Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương liên quan kiện toàn tổ chức, hoạt động gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tổ dân phố, thôn và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, lưu ý tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, chế độ, chính sách trong cán bộ, đảng viên, người dân trong quá trình thực hiện. Phấn đấu đến năm 2025, có 90% tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn là đảng viên, đến năm 2030 có 100% tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn là đảng viên. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tổ chức sinh hoạt tổ dân phố, thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ ở cơ sở, thu hút người dân tham gia. Nhất là chú trọng đổi mới sinh hoạt theo chuyên đề, ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đối thoại với nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong hoạt động của tổ dân phố, thôn, nhất là việc tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân tham gia các hoạt động tại tổ dân phố, thôn và địa bàn dân cư.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TU, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ dân phố, thôn trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Phát huy vai trò của tổ dân phố, thôn tham gia tích cực làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân để thông tin, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân tại khu dân cư, cùng nhau đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ do chính quyền địa phương triển khai.
Kế hoạch xác định, tổ dân phố, thôn là hạt nhân thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm phát huy dân chủ của người dân, để người dân có điều kiện thuận lợi thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của mình. Cùng với đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong việc nâng cao năng lực, uy tín tập hợp đoàn kết ở khu dân cư của cán bộ tổ dân phố, thôn để thực hiện có chất lượng, hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm của tổ dân phố, thôn. Xác định cụ thể nhiệm vụ, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TU. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai để kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ dân phố, thôn, các địa phương trên địa bàn thành phố đã tích cực, chủ động kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để cấp thẩm quyền quan tâm, có hướng giải quyết, tháo gỡ. Theo UBND quận Sơn Trà, quy mô tổ dân dân phố tại khu dân cư từ 80 hộ đến 150 hộ là phù hợp, tạo điều kiện cho tổ trưởng tổ dân phố nắm tình hình để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, triệu tập sinh hoạt, đẩy mạnh các phong trào tại khu dân cư. Cấp có thẩm quyền có hướng dẫn hoặc ban hành mẫu quy chế phối hợp giữa tổ dân phố, cảnh sát khu vực và ban quản trị nhà chung cư để nâng cao chất lượng công tác phối hợp thực hiện nhiệm tại các khu chung cư.
UBND quận Cẩm Lệ đề xuất, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ trưởng tổ dân phố với việc xây dựng mới chương trình, nội dung và hướng dẫn hình thức tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác hằng năm, nhất là kỹ năng điều hành cuộc họp nhằm cập nhật kiến thức và phổ biến pháp luật cho tổ trưởng tổ dân phố. Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) Võ Lê Anh cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm của tổ dân phố trong thời gian đến, các cơ quan cấp trên cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết cho tổ trưởng tổ dân phố, đặc biệt cần lưu ý sắp xếp thời gian tập huấn ngoài giờ hành chính, tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo giữa các tổ dân phố trên địa bàn quận, thành phố để các tổ trưởng có cơ sở áp dụng các mô hình hay, mới, phù hợp với địa bàn của mình. Trước mắt, cần tăng cường tập huấn công tác chuyển đổi số cho tổ trưởng tổ dân phố, nhất là tổ trưởng tổ dân phố mới được bầu trong nhiệm kỳ 2022-2025.
TRỌNG HUY - HOÀNG NHUNG