Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, việc đầu tư xây dựng công trình văn hóa xứng tầm đã được Thành ủy, UBND chỉ đạo, triển khai bằng các văn bản, kế hoạch cụ thể. Mục tiêu của các kế hoạch là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hóa-thể thao của khu vực và cả nước; tạo lập thương hiệu sự kiện, dịch vụ văn hóa có uy tín trong nước và quốc tế.
Dự án mở rộng Công viên APEC được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn không gian kiến trúc phía tây cầu Rồng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng không gian xanh, vui chơi, giải trí của người dân thành phố và du khách. Ảnh: XUÂN SƠN |
Nâng cấp, mở rộng công viên
Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công viên trên địa bàn thành phố là điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí giai đoạn 2015-2020. Hàng loạt công trình, dự án tôn tạo, nâng cấp, kêu gọi đầu tư vào các khu công viên đang được gấp rút triển khai. Tháng 6-2020, UBND thành phố phê duyệt đầu tư dự án mở rộng Công viên APEC.
Dự án xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo người dân, không những tạo điểm nhấn không gian kiến trúc phía tây cầu Rồng mà còn đáp ứng nhu cầu thụ hưởng không gian xanh, vui chơi, giải trí của người dân thành phố và du khách. Công viên APEC hiện trạng rộng gần 3.000m2, được khánh thành vào năm 2017 nhằm chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Sau khi người dân phản ánh việc mở rộng công viên, UBND thành phố đã thu hồi thửa đất liền kề rộng hơn 8.600m2 để phục vụ việc mở rộng Công viên APEC.
Tổ hợp công trình bao gồm khu công viên xanh, thảm cỏ, lối đi bộ, vườn dạo... được nâng cấp từ thấp đến cao, khu trung tâm là điểm nhấn kiến trúc chính với hệ kết cấu mái vòm rộng, phía dưới mái vòm là không gian sinh hoạt cộng đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 759 tỷ đồng.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao xứng tầm khu vực, Ban Thường vụ Thành ủy đã có thông báo kết luận, thống nhất đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, mở rộng các công viên trên địa bàn thành phố.
Theo đó, ngoài công trình Công viên APEC mở rộng, 5 năm qua, nhiều công viên trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm, phê duyệt chủ trương đầu tư. Cụ thể, Công viên 29-3 sẽ được đầu tư với tổng kinh phí dự kiến khoảng 600 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023. Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng, UBND thành phố thống nhất lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc tại Công viên Thanh niên theo hướng gộp chung khu đất rộng 3,7ha ở khu vực phía đông. Riêng lĩnh vực kêu gọi đầu tư, công trình Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng đang được xúc tiến, triển khai trong giai đoạn 2020-2025.
Hiện nay, UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt công tác quy hoạch đồng thời xúc tiến kêu gọi đầu tư nguồn xã hội hóa các dự án trong khu di tích. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, giai đoạn 2015-2020, thành phố đã chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng các khu công viên trên địa bàn, từ đó đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân, du khách. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm văn hóa - thể thao của khu vực trong tương lai.
Hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa
Tháng 7-2020, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 303/NQ-HĐND về công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố có sự quan tâm, đầu tư các công trình văn hóa, thể thao từ cấp thành phố đến cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bức tranh thiết chế văn hóa thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Quỹ đất dành cho văn hóa còn ít. Công tác quy hoạch thiếu tính tổng thể, chưa đồng bộ. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu bền vững... Căn cứ trên Đồ án quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 8-7 đã cụ thể hóa quy hoạch các công trình văn hóa, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi quy hoạch, chú trọng đầu tư, xây dựng các công trình lớn, tập trung ở 3 nhóm chính thông qua hình thức đầu tư công và kêu gọi đầu tư.
Theo đó, nhóm 1 gồm các dự án đã có chủ trương thực hiện, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hoặc đang đầu tư công trình như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ, Trung tâm Văn hóa thành phố, Công viên 29-3, Công viên Thanh Niên, Công viên APEC mở rộng... Nhóm 2 gồm các dự án đã có chủ trương nghiên cứu thực hiện, đang xúc tiến các thủ tục đầu tư như: Bảo tàng Biển tại Đà Nẵng; quy hoạch và triển khai thực hiện đầu tư hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng, tượng trang trí; bảo tàng tranh “Trận chiến 1858-1860” tại Đà Nẵng; Trường quay Đà Nẵng...
Nhóm 3 gồm các dự án đề xuất ý tưởng đầu tư hoặc đã tích hợp trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 như: Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố cơ sở 2, quảng trường khu vực thành Điện Hải, sân khấu biểu diễn trên mặt nước, nhà hát lớn, khu công viên Safari, công viên Đại Dương...
Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2105 đến nay, các thiết chế mới được xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Sân bóng đá Hòa Xuân, Cung Thể thao Tiên Sơn hoạt động có hiệu quả đã góp phần rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập, giải trí cho nhân dân. Bên cạnh phục vụ tốt các ngày lễ, sự kiện lớn do trung ương và thành phố tổ chức, ngành Văn hóa - Thể thao đã chủ động triển khai nhiều hoạt động như Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Hội thi Sân khấu Hài toàn quốc, Chương trình nghệ thuật “Chào năm mới”, Hội diễn nghệ thuật dành cho người nước ngoài...
Tất cả các hoạt động đều được tổ chức theo hướng xã hội hóa, huy động kinh phí, nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, góp phần quan trọng để thành phố trở thành điểm đến sự kiện và lễ hội hấp dẫn trong cả nước. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố được đặc biệt chú trọng. Theo đó, Đà Nẵng đã phối hợp với 9 tỉnh miền Trung lập hồ sơ và được UNESCO công nhận nghệ thuật Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; hoàn thành hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Thành Điện Hải và Danh thắng Ngũ Hành Sơn...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huỳnh Văn Hùng nhận xét, sự đầu tư vào văn hóa trong 5 năm qua là tín hiệu vui đối với ngành văn hóa nói riêng và thành phố nói chung khi lĩnh vực văn hóa ngày càng được quan tâm bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội. “Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến công tác quy hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố. Các công trình, dự án lớn từng bước được đầu tư kể cả bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa đã góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, đáp ứng nguyện vọng, đời sống tinh thần của người dân”, ông Hùng cho biết.
PHAN CHUNG