TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây nguyên

.

Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đánh giá, thành phố Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Bộ Chính trị cũng đưa ra quan điểm, chiến lược và chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Đà Nẵng đã có nhiều thành tựu trong phát triển đô thị và đang tạo ra động lực phát triển kinh tế. TRONG ẢNH: Tuyến đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà. 				     Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đà Nẵng đã có nhiều thành tựu trong phát triển đô thị và đang tạo ra động lực phát triển kinh tế. TRONG ẢNH: Tuyến đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Trong 5 năm qua, kinh tế của thành phố Đà Nẵng luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá. Các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại có vị trí ngày càng quan trọng với các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh. Thành phố đã ban hành và triển khai khá hiệu quả Đề án Phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá hiện hành) năm 2019 của Đà Nẵng đạt 110.792 tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2015), GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD, gấp 1,3 lần năm 2015).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, với tỷ trọng dịch vụ 65%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Cơ cấu các thành phần kinh tế phát triển theo định hướng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; các loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

TS Trần Thị Bích Hạnh, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 3 đánh giá, Đà Nẵng là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Về tăng trưởng kinh tế, thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với mức bình quân 12,05%/năm và cao hơn mức tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng (10,25%/năm).

TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng được coi là hiện tượng, một trong những hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Trong những năm đến, thành phố sẽ triển khai các chủ trương mang tính đột phá trong quy hoạch chung thành phố đang được điều chỉnh như: mô hình đô thị nén, đô thị đại học, đô thị cảng biển; hình thành các khu chức năng mới như: khu đổi mới sáng tạo, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm logistics... Đồng thời phát triển bền vững các ngành kinh tế biển như: kinh tế hàng hải, cảng biển gắn với dịch vụ logistics với ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hệ thống cảng biển du lịch và hàng hóa; phát triển khai thác hải sản, công nghiệp ven biển; phát triển du lịch và dịch vụ biển, xây dựng được thương hiệu du lịch Đà Nẵng đẳng cấp quốc tế...

Những giải pháp đồng bộ sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết số 43-NQ/TW là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung... Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch thực sự định vị được vai trò, vị trí đầu tàu của Đà Nẵng trong liên kết phát triển vùng.

Giai đoạn phát triển trong thời gian đến, thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030 và quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng. Tăng cường hợp tác, liên kết các địa phương trong nước, đặc biệt là liên kết với các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải miền Trung để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng, phát huy vai trò cửa ngõ du lịch của thành phố ở khu vực.

Tận dụng lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không để tập trung phát triển thành phố trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Tạo cơ hội, điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào sự liên kết, nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó, thành phố Đà Nẵng tập trung đi sâu, hỗ trợ khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, các sản phẩm công nghệ cao, chế biến hải sản, liên kết phát triển du lịch. Xây dựng, ban hành đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tăng cường liên kết trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên về xây dựng và phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin; nhân rộng các mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai hiệu quả giữa các địa phương thông qua diễn đàn công nghệ thông tin khu vực...

Về quan điểm phát triển thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới, Đà Nẵng quán triệt, thực hiện xuyên suốt quan điểm phát triển đã được Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, trọng tâm đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát triển nhanh và bền vững, có bản sắc riêng, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Về mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2030 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích