Công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

08:18, 27/12/2021 (GMT+7)

Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và hiện đại hóa quy trình quản lý, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã tập trung nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp cải cách hành chính để thực hiện tốt nhiệm vụ. Theo đó, BHXH thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ đã giúp Bảo hiểm xã hội thành phố nâng cao hiệu quả và năng suất công việc. Trong ảnh: Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố ứng dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và thư điện tử, góp phần giảm thời gian triển khai công việc. Ảnh: N.QUANG
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ đã giúp Bảo hiểm xã hội thành phố nâng cao hiệu quả và năng suất công việc. TRONG ẢNH: Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố ứng dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và thư điện tử, góp phần giảm thời gian triển khai công việc. Ảnh: N.QUANG

Tăng tính hiệu quả

Theo Giám đốc BHXH thành phố Đinh Văn Hiệp, thời gian qua, BHXH thành phố tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, nhờ đó hiệu quả và năng suất công việc được nâng lên rõ rệt. Đơn vị đã triển khai ứng dụng VssID để giải quyết hồ sơ trợ cấp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19 từ Quỹ BHTN một cách kịp thời, nhanh chóng, tiện lợi, giảm tối đa chi phí.

Trưởng phòng CNTT BHXH thành phố Lê Nho Mẫn cho biết, tính đến ngày 13-12, toàn thành phố có 500.136 người đăng ký sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, đạt 100% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Trong năm 2021, BHXH thành phố đã triển khai thực hiện 25/25 thủ tục hành chính công, trong đó 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia với 13 đơn vị đang cung cấp, hỗ trợ dịch vụ giao dịch điện tử. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử của các đơn vị tham gia BHXH thành phố đang quản lý đạt 100%, tương ứng hơn 1,2 triệu hồ sơ phát sinh; 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Theo ông Mẫn, việc ứng dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử đã góp phần giảm thời gian triển khai văn bản, công việc; tăng cường tính pháp lý của văn bản điện tử, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật thông tin trong các giao dịch chuyển nhận văn bản điện tử, tiến đến mục tiêu thực hiện văn phòng không giấy. Ngoài ra, l00% cán bộ cơ quan BHXH sử dụng hệ thống thư điện tử, chữ ký số trong công việc; 100% các văn bản điện tử do cơ quan phát hành có đầy đủ chứng thư số và chữ ký số. “BHXH thành phố thực hiện kết nối dữ liệu với cơ quan Thuế để chia sẻ các thông tin về doanh nghiệp; phối hợp ngành y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để sử dụng bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT; phối hợp ngành tư pháp trong việc cung cấp thông tin đăng ký kê khai và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; thông tin về khai tử khi đối tượng hưởng chế độ tuất…”, ông Mẫn nói thêm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm an sinh xã hội

BHXH thành phố xác định ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với mục tiêu chuyển sang nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng để đáp ứng sự hài lòng của người tham gia. Ông Đinh Văn Hiệp cho biết, trong thời gian đến, BHXH thành phố sẽ bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam và UBND thành phố, tập trung khắc phục tồn tại và triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Qua đó, BHXH thành phố tập trung nâng cao nhận thức về quan điểm chỉ đạo, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước đối với công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ đối với từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu BHXH thành phố đến BHXH các quận, huyện; chủ động bổ sung, hoàn thiện, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu chung trong toàn ngành BHXH Việt Nam và với các sở, ban, ngành của thành phố; thống nhất cơ sở dữ liệu từ đầu vào cho đến đầu ra, tạo thành dòng chảy thông suốt, kịp thời và chính xác. BHXH thành phố tiếp tục liên thông các phần mềm, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng hệ sinh thái BHXH 4.0 phục vụ người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích hiện đại: ứng dụng dịch vụ tin nhắn tra cứu; ứng dụng BHXH số trên thiết bị di động.

Ngoài ra, BHXH thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả lộ trình dịch vụ công trực tuyến, tăng cường chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, gắn với công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách; thực hiện văn phòng không giấy thông qua ứng dụng triệt để hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số, số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử; triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

BHXH thành phố vừa được xếp hạng Nhất về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính năm 2020 (nhóm các cơ quan khối Trung ương) với 93,3 điểm. Kết quả này do Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đánh giá, xếp hạng và công bố.

NGUYỄN QUANG

.