Công nghệ

Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên

08:12, 05/01/2022 (GMT+7)

Bắt đầu khởi nghiệp từ giảng đường là điều mà nhiều sinh viên đang hướng tới. Song, từ ý tưởng đến hiện thực là cả một chặng đường dài với nhiều rào cản; do đó, các em rất cần bệ đỡ để “chắp cánh” hiện thực hóa ý tưởng.

Anh Lê Văn Kiêm (hàng đầu, bên trái), đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi ký kết hợp tác với đại diện Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh vào đầu tháng 12-2021. Ảnh: M.QUẾ
Anh Lê Văn Kiêm (hàng đầu, bên trái), đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi ký kết hợp tác với đại diện Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh vào đầu tháng 12-2021. Ảnh: M.QUẾ

Đầu tháng 12-2021, dự án phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn spirulina Đà Nẵng (dự án Tảo Việt AlgaeVi) tốt nghiệp sau một năm ươm tạo tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ngay trong lễ tốt nghiệp, phía dự án Tảo Việt AlgaeVi đã ký kết hợp tác với nhà đầu tư Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh.

Đánh giá về dự án Tảo Việt AlgaeVi, bà Lê Thành Thủy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh cho rằng, sản phẩm có tính đột phá cao, bắt kịp nhu cầu của cộng đồng trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe từ quy trình nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đây có thể xem là dấu ấn quan trọng cho một dự án khởi đầu từ giảng đường đại học. Được biết, dự án Tảo Việt AlgaeVi ra đời từ phòng nghiên cứu công nghệ vi tảo khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) gần 5 năm trước.

Đến nay, nhiều thành viên trong dự án vẫn còn là sinh viên, song Tảo Việt AlgaeVi đã đạt một số thành quả trên hành trình khởi nghiệp như: bán được sản phẩm, làm chủ giống và quy trình sản xuất, chuyển giao thành công công nghệ cho doanh nghiệp...

Anh Lê Văn Kiêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Healthy Fungi, đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi chia sẻ, ngay trong thời gian ươm tạo tại Khu Công nghệ cao, dự án đã được Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh quan tâm. Vì vậy, hai bên đã có những trao đổi về công nghệ và định hướng phát triển các dòng sản phẩm về tảo trong tương lai nhằm sản xuất có giá trị gia tăng từ tảo xoắn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thành công bước đầu của Tảo Việt AlgaeVi là minh chứng cho ý tưởng khởi nghiệp trên giảng đường có thể hiện thực hóa thành sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận không hề đơn giản để từ ý tưởng thành sản phẩm được thương mại hóa, bởi lẽ sản phẩm có khả thi hay không, có tương lai phát triển không phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Khoảng từ năm 2014 đến nay, các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên được các trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức thường xuyên nhưng hiếm có dự án nào có sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường. Các chuyên gia khởi nghiệp nhìn nhận, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên hạn chế ở chỗ thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý… Nhiều sinh viên mặc dù rất quyết tâm nhưng sau đó phải từ bỏ do gặp phải một số khó khăn mà trước khi khởi nghiệp họ chưa hình dung hết được.

Theo ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator-SHi), điểm mạnh lớn nhất của sinh viên khởi nghiệp là sáng tạo, có quyết tâm theo đuổi đam mê. Tuy nhiên để thành công, sinh viên cần học hỏi và tiếp thu những kiến thức ngoài chuyên môn và kỹ năng mềm.

“Không thiếu nguồn vốn hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ vốn, đồng hành sinh viên và nhà trường để phát triển nhưng chính sinh viên cũng phải tự hoàn thiện thêm các kỹ năng khác ngoài kỹ năng chuyên ngành. SHi sẵn sàng hỗ trợ phát triển ý tưởng, tìm hiểu đánh giá thị trường, tiếp xúc tìm hiểu khách hàng, triển khai ý tưởng”, ông Quân cho hay.

Để hỗ trợ, tạo bệ đỡ vững chắc cho sinh viên khởi nghiệp, cuối năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Thành Đoàn Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ với Đại học Đà Nẵng trong giai đoạn 2022-2025. Các thỏa thuận hợp tác này đều hướng tới phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong thanh niên.

Theo đó, các bên sẽ xây dựng không gian sáng tạo trong trường học giúp học sinh, sinh viên tiếp cận khoa học, công nghệ mới, tạo cảm hứng sáng tạo; hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của đoàn viên, thanh niên cũng như kết nối ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo của đoàn viên, sinh viên… với các doanh nghiệp có nhu cầu.

Theo TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên là một yếu tố quan trọng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường kết nối 3 nhà: “Nhà trường - Nhà nước - Nhà đầu tư”, cũng như thực hiện theo các điều khoản đã ký kết trong biên bản hợp tác giữa sở với các đơn vị liên quan để tạo ra không khí và tinh thần đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên; phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên với phương châm “mỗi đoàn viên là một cây sáng kiến, mỗi cơ sở Đoàn là một vườn ươm sáng tạo”.

MAI QUẾ

.